ClockThứ Bảy, 25/03/2023 11:51
KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975 - 26/3/2023)

Bước tạo đà thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột và thắng lớn trên chiến trường Tây Nguyên, trên cơ sở phát hiện những lúng túng và sai lầm trong chỉ đạo chiến lược của chính quyền Sài Gòn, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị chỉ đạo: Thời cơ chiến lược đã đến, hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược; chuyển phương án cơ bản sang phương án thời cơ, hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 ngay trong mùa khô năm 1975, với hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Nhưng trước mắt nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Vùng I chiến thuật, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, mà trước mắt là giải phóng Trị - Thiên Huế và Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
 Bộ đội giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn - Huế sáng 26/3/1975 trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Theo đó, Chiến dịch tiến công Trị - Thiên Huế (diễn ra từ ngày 5 - 26/3/1975), giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch diễn ra hai đợt: Đợt 1 (từ 5 đến 20/3), Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị. Sau thời gian ngắn chiến đấu, đến 3 giờ sáng ngày 18/3, ta giải phóng thị xã Quảng Trị, buộc địch bỏ Quảng Trị co cụm về Huế cố thủ với lời tuyên bố hùng hồn của Trung tướng Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh Vùng I “Việt cộng muốn vào Huế phải bước qua xác của tôi”. Đợt 2 (21 - 26/3), ta phát triển tiến công giải phóng Thừa Thiên và thành phố Huế. Ở hướng Nam, Quân đoàn 2 tiến công làm chủ các điểm cao 294, 520, 560, núi Kim Sắc, đánh sập cầu Thừa Lưu, cắt đứt đường số 1, chặn địch tháo chạy về Đà Nẵng. Hướng bắc Huế, lực lượng vũ trang địa phương tiến công các khu vực Mỹ Chánh, Lương Mai, Vân Trình. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 1 - Quân khu 1 (Quân đội Sài Gòn) vội vàng rút chạy khỏi Huế theo đường biển về Đà Nẵng, bỏ lại sau lưng lời tuyên bố sống chết với Cố đô của Tư lệnh Ngô Quang Trưởng. Lực lượng quân Giải phóng kịp thời phát hiện và triển khai lực lượng chặn đánh, dùng pháo tầm xa khống chế cửa Thuận An, Tư Hiền. Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) đánh chiếm cảng Tân Mỹ và bờ nam cửa biển Thuận An; đồng thời, bộ binh và xe tăng tiến công vào thành phố Huế. Đến 10 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, thành phố Huế hoàn toàn giải phóng, tạo thuận lợi cho quân và dân các địa phương ở Thừa Thiên nổi dậy giải phóng toàn tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy sáng suốt và kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, quân dân Trị - Thiên Huế và Quân đoàn 2 đã nắm vững thời cơ chiến lược nhanh chóng tiến công tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng của địch, làm thất bại kế hoạch co cụm ở Trị - Thiên Huế và kế hoạch bảo toàn lực lượng rút chạy về co cụm ở Đà Nẵng của chúng. Toàn bộ quân địch ở Trị - Thiên Huế và hệ thống chính quyền địch từ tỉnh, huyện, xã hoàn toàn bị tan rã, thành phố Huế giải phóng.

Trong điện khen của Quân ủy Trung ương viết: “Việc đánh chiếm và giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho Nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm nghiêm trọng; góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước”.

Chiến dịch tiến công giải phóng Trị - Thiên Huế là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị gấp là một thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất quan trọng. Quân và dân ta nhanh chóng đập tan hệ thống căn cứ quân sự lớn mạnh gồm nhiều đơn vị tinh nhuệ, có một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược, cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại của địch, gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược. Đây là một đòn phủ đầu giáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung.

Giải phóng Huế, ta đã làm tan rã một trong những trung tâm phòng ngự cố thủ, án ngữ ở phía bắc hệ thống bố trí chiến lược quân sự mới của địch, che chở bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam - Đà Nẵng.

Thắng lợi to lớn từ chiến dịch Trị - Thiên Huế đã góp phần gây ra phản ứng dây chuyền, giáng một đòn mạnh vào tinh thần và sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn và đẩy chúng lao nhanh hơn đến bờ vực sụp đổ.

Kết quả của chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng địch - ta trên hướng tiến công chiến lược phía bắc, cùng với đòn tiến công Tây Nguyên đã làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược, tạo ra bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy chúng đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện giải phóng Đà Nẵng, Quân khu 5, duyên hải Trung Bộ, để cùng hội quân tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Trị - Thiên Huế, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để quân - dân ta tập trung lực lượng cho trận quyết chiến cuối cùng, tạo nên sức mạnh áp đảo quân địch từ mọi hướng, tạo đà giành thắng lợi trọn vẹn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền: Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm

Đó là một trong những thông tin quan trọng đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác Mặt trận năm 2024 và triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2025 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) thị xã Phong Điền tổ chức vào ngày 10/1.

Phong Điền Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm
Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột chính của hệ thống an sinh góp phần quan trọng bảo đảm đời sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Năm 2025, BHXH thành phố Huế triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… nhằm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp người dân phòng tránh các rủi ro, bệnh tật.

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh
Tặng “của để dành” - món quà ý nghĩa

Không chỉ tích cóp, dành dụm để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho bản thân với mục đích sau này được nhận lương hưu như cán bộ nhà nước, thời gian gần đây, nhiều người đã hiểu rõ giá trị nhân văn cũng như quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện nên đã dành tặng bố mẹ, người thân của mình “cuốn sổ BHXH” mang lại niềm vui, sự an yên cho họ khi về già.

Tặng “của để dành” - món quà ý nghĩa

TIN MỚI

Return to top