ClockThứ Năm, 13/02/2020 05:45

“Bốn cùng” với người dân biên giới

TTH - Quảng Nhâm (A Lưới) là một trong các xã biên giới vừa được Công an tỉnh điều động 3 cán bộ công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã.

Hiệu quả đưa công an chính quy về xã

Công an chính quy xã Quảng Nhâm thăm hỏi đồng bào

Quảng Nhâm (tên gọi mới sau khi sáp nhập xã Hồng Quảng và xã Nhâm) là xã đặc biệt khó khăn, với hơn 90% dân cư là đồng bào dân tộc Tà Ôi, trình độ dân trí còn thấp, nhiều hủ tục vẫn tồn tại.

Cả xã có hơn 600 hộ nghèo và cận nghèo. Người dân chủ yếu làm nông, lâm nghiệp. Đường từ các thôn, xóm ra trung tâm xã chủ yếu là đường mòn, đường đất. Để phát triển kinh tế ở xã vùng cao biên giới, chính quyền đặc biệt quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo an ninh vùng đồng bào dân tộc để người dân yên tâm sinh sống.

Đại úy Huỳnh Văn Quang, Trưởng Công an xã cho biết, anh được điều động, bổ nhiệm Trưởng Công an xã Nhâm từ tháng 7/2019. Trong đợt bổ nhiệm này còn có Thượng úy Phan Văn Hà, đảm nhiệm vị trí Phó trưởng Công an xã và một đồng chí công an chính quy khác làm công an viên. Trước khi về nhận vị trí Trưởng Công an xã, anh từng nhiều năm là Cảnh sát khu vực Công an phường Vỹ Dạ, TP. Huế

Khi có chủ trương sắp xếp cán bộ về cơ sở, Đại úy Huỳnh Văn Quang đã xung phong nhận nhiệm vụ ở địa bàn. Tiếp nhận vị trí công tác mới với những khó khăn bộn bề, gần 6 tháng trôi qua, anh và các công an viên đã thực hiện nhiều công việc, trong đó thường xuyên xuống địa bàn dân cư để nắm tình hình ANTT, cùng người có uy tín, cán bộ thôn, công an viên củng cố tình hình an ninh chính trị, tuyên truyền pháp luật, giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế.

Trong điều kiện còn khó khăn, UBND xã đã bố trí 1 phòng làm việc cho các công an xã. Do từ địa phương khác đến nhận công tác, chưa có chỗ ở nên Đại úy Huỳnh Văn Quang cùng 2 đồng chí công an chính quy phải ở tạm tại tổ đội công tác Đồn biên phòng Nhâm.

Chia sẻ về công việc mới, Đại úy Huỳnh Văn Quang cho biết, tâm lý chung khi xuống địa bàn ai cũng bỡ ngỡ, ở cơ sở thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, đặt tinh thần trách nhiệm lên trên hết, chúng tôi cũng dần khắc phục khó khăn, tiếp cận địa bàn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Ngày 1/1 vừa qua, thực hiện chủ trương của tỉnh, xã Hồng Quảng và xã Nhâm được sáp nhập với tên gọi là xã Quảng Nhâm. Tôi và các đồng chí từ phụ trách địa bàn có 622 hộ với 2.400 khẩu của xã Nhâm cũ thì nay được phân công quản lý địa bàn xã Quảng Nhâm với địa bàn rộng hơn, số hộ, số khẩu gấp đôi. Số lượng con người vẫn vậy nhưng nhiệm vụ và khối lượng công việc nhiều hơn rất nhiều. Nhưng dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn quyết tâm “4 cùng” với Nhân dân, giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở”- Đại úy Huỳnh Văn Quang nói.

Có một câu chuyện làm Đại úy Huỳnh Văn Quang xúc động khi nhớ về thời gian đầu mới xuống tiếp nhận địa bàn. “Trong một lần đến thăm bà con ở thôn A Bung, tôi có dịp gặp anh Hồ Văn Ơn, nghe anh Ơn tâm sự là đang nhờ người quen xin làm công nhân ở Bình Dương nhưng lại gặp rắc rối về hồ sơ cá nhân, thông tin giữa giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và hộ khẩu không trùng khớp. Khi ra về tôi cứ trăn trở mãi, sau đó tôi đã hỗ trợ anh Ơn làm đơn và cùng một công an viên đi xác minh nguồn gốc rồi ra Công an huyện tra cứu tàng thư. Hai tuần sau, anh Ơn lên nhận giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu đã được điều chỉnh. Cầm được giấy tờ trong tay, anh Ơn rưng rưng và cứ nắm tay tôi cảm ơn mãi”.

“Từ khi có công an chính quy về xã, tôi thấy tình hình ANTT thay đổi khá nhiều. Các thôn, bản nằm cách xa nhau, đường thì toàn đường đất nên đi lại khó khăn, thế nhưng ngay khi Công an chính quy về xã đã thường xuyên xuống địa bàn, nắm tình hình ANTT, quan tâm tới đời sống của người dân, vận động người dân thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT, không xâm canh xâm cư, vượt biên trái phép; giúp người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng buôn người qua biên giới”- ông Hồ Viên Pưa, già làng bản A Hươu Pae chia sẻ

So với các xã đồng bằng, việc triển khai Đề án đưa công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở vùng núi, biên giới thường khó khăn hơn. Theo Thượng tá Nguyễn Việt Phương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh: Khi triển khai đề án, cũng như nhiều địa phương khác, Thừa Thiên Huế gặp 4 khó khăn lớn, đó là: cơ sở vật chất thiếu thốn; giải quyết lực lượng bán chuyên trách; công việc và nguồn cán bộ; tâm tư, nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ. Tuy nhiên, việc lựa chọn, bố trí cán bộ phụ trách các địa bàn này thì Công an tỉnh phải lựa chọn rất kỹ, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí đề ra. Từ thực tế đó, thời gian qua, Công an Thừa Thiên Huế vừa triển khai đề án, vừa hoàn thiện từng bước một, vướng mắc ở đâu thì tìm giải pháp để tháo gỡ, khắc phục đến đó.

“Việc bố trí công an chính quy có trình độ, nghiệp vụ, có kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp về làm công an xã bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ANTT tại các xã, đặc biệt là các xã biên giới, qua đó góp phần giúp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đây cũng là chủ trương đúng đắn của Bộ Công an phù hợp với xu thế vận động và phát triển của xã hội”- Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.

Bài, ảnh: Hồng Nhung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dựa vào dân và vì dân phục vụ

Những hình ảnh về lực lượng công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh “gần dân, trọng dân, vì Nhân dân phục vụ” trên các lĩnh vực công tác đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng Nhân dân.

Dựa vào dân và vì dân phục vụ
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top