ClockThứ Bảy, 21/12/2024 15:27

Bộ máy hành chính phải là nơi hội tụ những cán bộ có tâm, có tầm

TTH.VN - Ngày 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra tại điểm cầu chính ở Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại đầu cầu Thừa Thiên Huế 

Nhiều đột phá

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ những kết quả nổi bật của ngành đạt được trong năm 2024. Trong đó, toàn ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Cụ thể, điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng), bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị, tạo động lực, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành phố di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương. Nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Kết quả nổi bật khác, Bộ Nội vụ đã tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, với khối lượng công việc lớn chưa từng có.

Đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.

Hội nghị dành phần lớn thời gian để lắng nghe các đại diện từ nhiều bộ, ngành và địa phương trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai công tác nội vụ năm qua.

Chia sẻ về những “Giải pháp đẩy mạnh xây dựng, phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội” tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết,  Thừa Thiên Huế đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương trong quá trình thể chế hóa các chủ trương lớn. Tỉnh đã trình và được thông qua các quy hoạch quan trọng như Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, và Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để tỉnh triển khai việc thành lập thành phố Huế theo định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.”

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương, thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ đánh dấu bước phát triển toàn diện của vùng đất Cố đô mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn giá trị di sản, thúc đẩy du lịch, dịch vụ và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung. Việc tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” là giải pháp để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp, bao gồm: triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế xanh, bền vững và chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường liên kết vùng với Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung nhằm tạo động lực phát triển chung cho khu vực. “Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân tỉnh mà còn nhận được sự ủng hộ của cả nước, hướng đến mục tiêu xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Đông Nam Á vào năm 2030 theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết.

Đổi mới mạnh mẽ, trọng dụng người tài

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời điểm chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngành Nội vụ tập trung sắp xếp bộ máy hành chính, đảm bảo không gián đoạn công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tinh giản biên chế, đào tạo lại đội ngũ CBCCVC. Trong cải cách thể chế và chính sách sẽ tập trung rà soát, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức; tăng cường phân cấp, phân quyền, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển chính phủ điện tử. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thừa Thiên Huế phát động hội thi cải cách hành chính để không ngừng nâng cao chất lượng hành chính công vụ (Ảnh minh hoạ)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những thành quả quan trọng mà ngành Nội vụ đạt được trong năm qua. Đồng thời nhân mạnh, ngành Nội vụ đã giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, tồn đọng kéo dài, mang lại những chuyển biến tích cực cho bộ máy hành chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là công tác thu hút, giữ chân và đãi ngộ nhân tài chưa đạt hiệu quả cao. Toàn hệ thống cần phải đổi mới mạnh mẽ, cải thiện vấn đề này. Tinh giản những người không đáp ứng yêu cầu, giữ lại và phát huy đội ngũ cán bộ giỏi, tinh hoa cho nền hành chính công là nhiệm vụ cấp bách.

Bộ máy hành chính phải là nơi hội tụ những cán bộ có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, loại bỏ sự lười biếng và thiếu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Nội vụ trong năm 2025. Trong đó, yêu cầu ngành Nội vụ  tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển mình và bứt phá trong năm tới; chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào Bộ Nội vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt và hiệu quả.

HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tặng “của để dành” - món quà ý nghĩa

Không chỉ tích cóp, dành dụm để tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho bản thân với mục đích sau này được nhận lương hưu như cán bộ nhà nước, thời gian gần đây, nhiều người đã hiểu rõ giá trị nhân văn cũng như quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện nên đã dành tặng bố mẹ, người thân của mình “cuốn sổ BHXH” mang lại niềm vui, sự an yên cho họ khi về già.

Tặng “của để dành” - món quà ý nghĩa
Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

TIN MỚI

Return to top