ClockThứ Năm, 28/06/2018 19:30

Phải đảm bảo người dân có đất sinh kế, ổn định cuộc sống

TTH - Tại phiên giải trình việc thực hiện giao đất rừng cho Nhân dân sản xuất và xử lý lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức sáng 28/6, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định, mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, phải đảm bảo người dân nghèo có đất sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Người cán bộ Mặt trận vì dânNhọc nhằn khuyến nông vùng cao

Phát biểu trước phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, thời gian qua, việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp ở trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình để đại biểu, cử tri và Nhân dân có cái nhìn tổng quan hơn và thấy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý rừng và đất lâm nghiệp.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu kết luận tại cuộc họp

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh hơn 502.629ha, trong đó đất rừng và đất lâm nghiệp hơn 348.836 ha với độ che phủ đạt tỷ lệ 56,3% là một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, điều làm ông băn khoăn là hiện trạng đo đạc đất rừng như thế nào để dẫn đến việc lấn chiếm, tranh chấp đất rừng vẫn diễn ra dai dẳng? Hạn mức sở hữu đất rừng được quy định ra sao trong khi có người sở hữu một diện tích rất lớn...?

Trả lời vấn đề này, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở phối hợp với các địa phương xác định ranh giới, mốc giới, giao đất 78.328ha (chiếm tỷ lệ 22,45%), cấp 20.658 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), tập trung chủ yếu ở hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Diện tích còn lại chưa được thực hiện do không xác định được ranh giới, chủ sử dụng đất; đất các đơn vị lâm nghiệp trả về địa phương không xác định được ranh giới; chủ sử dụng đất ở địa bàn khác không phối hợp. Đối với 4 công ty lâm nghiệp, 8 ban quản lý, vườn quốc gia, khu bảo tồn, đến nay đã cấp 2.115 giấy CNQSDĐ, đạt 98,8%. Cũng theo ông Hồ Đắc Trường, theo quy định mỗi hộ gia đình có hạn mức không quá 30ha đất rừng, nếu vượt số diện tích trên phải chuyển qua thuê đất. Đối với tổ chức, hạn mức chuyển nhượng không quá 200ha.

Đại biểu Huỳnh Trường Hợi chất vấn tại cuộc họp

Sớm thu hồi đất sử dụng sai mục đích

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, muốn quản lý tốt thì phải tạo ra động lực cho các chủ rừng. Tuy nhiên người dân lại được giao rừng ở trạng thái nghèo kiệt, chủng loại gỗ từ nhóm 4-8, giá trị kinh tế thấp; lại chưa có chính sách hỗ trợ, chưa có mô hình sản xuất dưới tán rừng. Ở đây có phải là đang đẩy khó cho người dân không và làm thế nào để thay đổi hiện trạng này, tạo động lực giữ rừng cho người dân, làm tiền đề cho công tác quản lý...? Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Lưu Đức Hoàn.

Trả lời vấn đề này, ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tổng diện tích rừng tự nhiên được giao cho các cộng đồng, nhóm, hộ gia đình quản lý là hơn 31.600ha, đã cấp giấy CNQSDĐ đạt gần 50%. Việc giao đất cho đối tượng này có đề án cụ thể và dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người dân, ưu tiên hộ gia đình chưa có đất sản xuất. Trước năm 2015, việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng được giao này chưa hiệu quả. Từ năm 2015, từ khi có tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả 300 ngàn đồng/1ha trực tiếp đến người dân, thì rừng được quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả hơn. Hiện đã có 75% diện tích đất rừng tự nhiên được giao cho người dân quản lý nhưng tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng vẫn còn. Ông Nguyên cũng thừa nhận: “Trước đây, hầu hết các diện tích rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình và cộng đồng là trạng thái đất rừng nghèo kiệt, trong khi đó vẫn chưa có chính sách hưởng lợi hợp lý và mô hình sản xuất dưới tán rừng được hỗ trợ để cải thiện thu nhập cho chủ rừng, nên động lực giữ rừng của bà con là rất thấp”.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy CNQSDĐ, ông Hồ Đắc Trường cho rằng, sở dĩ đạt chỉ tiêu thấp là do một số vướng mắc và đề nghị UBND cấp huyện tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tháo gỡ, giải quyết dứt điểm tranh chấp về ranh giới và tài sản đã tồn tại trên đất của người được giao đất, giao rừng và hướng dẫn người sử dụng đất lập hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSDĐ theo quy định. 

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là đảm bảo người dân nghèo có đất sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Thu hoạch rừng trồng tại Nam Đông

Băn khoăn về việc giao đất rừng cho doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, các đại biểu Nguyễn Anh Dũng, Trần Duy Tuyến, Huỳnh Cư và Huỳnh Trường Hợi đề nghị cần rà soát, thu hồi đất giao cho dân thiếu đất sản xuất. Vấn đề này, ông Hồ Sỹ Nguyên cho biết, hiện diện tích đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp nhà nước 25.312ha và doanh nghiệp ngoài quốc doanh 1.582ha. Công tác thanh kiểm tra việc sử dụng đất thuộc đối tượng này được thực hiện thường xuyên. Qua kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp lấn chiếm, có tình trạng cho mượn, giao khoán tùy tiện, không đúng quy định để kịp thời chấn chỉnh. Hiện, sở đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả sử dụng đất dưới tán rừng. Riêng việc giao đất cho 2 đơn vị làm nhiệm vụ trồng thực nghiệm, nghiên cứu khoa học với diện tích hơn 350ha, qua kiểm tra có đơn vị sử dụng không đúng mục đích sử dụng, sở sẽ yêu cầu đơn vị này hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai, nếu không sẽ thu hồi giao cho người dân có nhu cầu. 

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Tiếp thu ý kiến giải trình từ các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, lâu nay UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan làm tốt công tác quản lý đất đai, minh chứng cho điều này là tỉ lệ cấp giấy CNQSDĐ đạt tỷ lệ cao. Việc này không những giúp quản lý tốt, đi vào nề nếp mà còn giúp tránh thất thu thuế. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thanh tra toàn diện đất rừng để thu hồi, tạo quỹ đất, tiếp tục chỉ đạo rà soát đối tượng, trong đó chú trọng đến người nghèo, người dân tộc thiểu số để giao đất theo hướng miễn giảm thuế đất, thuê đất không đồng, làm sao cho người dân có nhu cầu sinh kế phải được giao đất để sản xuất, ổn định cuộc sống, tạo công bằng xã hội. Đồng thời, có đánh giá lại hiệu quả các giống lâm nghiệp để chuyển đổi đất sang những giống cây có giá trị kinh tế cao, có cơ chế phát triển lâm nghiệp bền vững...  

Đại biểu trần Duy Tuyến tại phiên chất vấn

Phát biểu kết luận tại phiên giải trình, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các vị đại biểu, những vấn đề đặt ra là rất sát với thực tế và mang tính thời sự cao, phản ảnh được những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và Nhân dân tỉnh nhà đang quan tâm. Giám đốc các sở, lãnh đạo các địa phương, đơn vị liên quan đã trả lời khá đầy đủ, cụ thể, cung cấp thông tin rõ ràng và làm rõ nhiều vấn đề đại biểu yêu cầu và nhận trách nhiệm, có giải pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế, thiếu sót, với quyết tâm làm chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Phiên họp giải trình giúp cho các cơ quan chức năng nhìn nhận, đánh giá khách quan những bất cập, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong hoạt động quản lý, giao đất rừng; xử lý lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp ở địa phương; đồng thời, thống nhất trao đổi, đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu lưu ý, các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm rừng, đất rừng kéo dài tại các chủ rừng; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, để mất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái phép; phấn đấu hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng vào năm 2019. Rà soát lại diện tích rừng để tạo quỹ đất đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, bàn giao cho Nhân dân trồng, chăm sóc, hưởng lợi, phải đảm bảo người dân nghèo có đất sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

UBND xã quản lý đất không hiệu quả

Một tồn tại lớn cần thanh tra, quản lý việc sử dụng đất đó là hiện có 25.567ha rừng trồng và đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất do UBND xã quản lý (chiếm 30% toàn tỉnh). Thực tế diện tích này UBND xã quản lý rất ít, phần lớn đã bị lấn chiếm để trồng rừng trái phép. Theo tính toán, chỉ riêng ở Nam Đông và A Lưới, nếu thu hồi số đất này (11.000ha) chia cho người dân thì bình quân mỗi hộ có 1,4- 1,36ha. Đây là nguồn lực rất lớn góp phần tích cực tạo việc làm và tăng thu nhập của hàng ngàn hộ dân.

Bài, ảnh: Thái Bình  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

TIN MỚI

Return to top