ClockThứ Sáu, 09/10/2020 20:49

Đến từng thôn giúp dân chạy lụt

TTH.VN - Nhiều hộ gia đình tại các xã thấp trũng của huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… ngập sâu trong nước, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) các huyện đã kịp thời triển khai lực lượng, điều động dân quân cơ động đến từng thôn giúp dân di dời tới nơi an toàn.

Dân quân tự vệ giúp dân gặt lúaCán bộ, chiến sĩ tham gia hiến máu tình nguyện189 sinh viên Lào trở lại nhập học được cách ly tập trungĐâu cần có bộ độiVươn lên tầm cao mới

Kịp thời ứng cứu

Lực lượng vũ trang huyện Phong Điền trao đổi nhanh phương án ứng phó lũ lụt

Chiều 9/10, tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền) có trên 150 nhà bị ngập sâu, phần lớn các hộ được lực lượng dân quân xã di dời đến nơi an toàn.

Trời mưa không ngớt, áo mưa hầu như đã ướt sũng nhưng anh Lê Văn Mạnh, dân quân xã Phong Bình đến từng gia đình, giúp bà con vận chuyển lương thực, đồ đạc lên cao và đưa người dân đến nơi an toàn.

Ông Lê Chung (80 tuổi), thôn Đông Phú (xã Phong Bình), cùng các cháu nhỏ trong gia đình vừa được chở đến nhà cao tầng ở trong thôn nói: “May mà các chú dân quân đến kịp thời, chứ ông bà già cộng thêm mấy đứa nhỏ, nước lên nhanh kiểu này lúa má ướt hết thì lại đói”.

Vừa di dời gia đình ông Chung đến nơi an toàn, lực lượng dân quân xã lại đến nhà bà Trần Thị Thoa (thôn Đông Phú) giúp gia đình bà kê đồ đạc cùng lương thực lên cao. “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là lại chạy lụt, khổ lắm. Nhà thì neo người, con đi làm ăn xa cả rồi nên mưa bão chi cũng chỉ biết cậy nhờ xóm giềng mà nhất là lực lượng dân quân xã”, bà Thoa bộc bạch.

Vừa di dời các hộ gia đình bị ngập sâu tới nơi an toàn cũng là lúc trời chập tối, lực lượng dân quân xã lại tiếp tục vận chuyển lương thực, gạo, mì tôm đến cứu trợ cho bà con tại Đội Ngư nghiệp Tân Bình, thôn Tân Bình.

Anh Lê Tấn Phanh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phong Bình cho biết: "Là địa phương thấp trũng nên cứ đến mùa mưa bão, lực lượng dân quân xã sẵn sàng cả người và phương tiện để kịp thời ứng cứu, giúp dân di dời tài sản và người đến nơi an toàn. Không những phải bảo vệ tính mạng cho dân mà chúng tôi còn quán triệt anh em phải ra sức giúp bà con, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân.

Dân quân xã Phong Bình trao thực phẩm cho các hộ dân thôn Tân Bình

Mong giúp được nhiều hộ gia đình

Có những nơi nước ngập sâu đến 2m, nhưng lực lượng dân quân xã Phong Hòa vẫn “chạy nước rút” để di dời các hộ gia đình trũng thấp đến nơi an toàn. Chỉ trong một ngày, 130 hộ dân đến nơi an toàn.

Nhìn dòng nước đang lên cuồn cuộn, chị Lê Thị Chiện (Thôn Thuận Hòa, xã Phong Hòa) thở dài: "Sống chung với lũ mấy chục năm nay rồi nhưng với thời tiết diễn biến phức tạp, nước lên nhanh thì đúng là trở tay không kịp. Nào là lúa gạo, xe cộ, gia súc, gia cầm… lũ cuốn trôi cái gì là thiệt hại cái đó, nên nước vào là cả gia đình khẩn trương dọn dẹp, may nhờ có dân quân thôn giúp sức nên cũng đỡ vất vả phần nào".

Cả ngày lăn lộn với con nước, ăn tạm gói mì khi đói, nhưng tất cả lực lượng dân quân xã Phong Hòa đều không hề than thở, thay vào đó ai cũng làm việc hết công suất, chỉ mong giúp được nhiều hộ gia đình. “Vùng lũ thì khổ rồi, cũng là người dân trong xã nên chúng tôi biết cảnh nhà ngập lụt, lúa gạo ướt vất vả thế nào, nên chỉ mong giúp được bà con một tay, chỉ mong tất cả mọi người bình an vượt qua mùa mưa bão”, anh Ngô Hữu Đức, dân quân xã Phong Hòa chia sẻ.

Trung tá Trần Đình Thăng, Chính trị viên, Ban CHQS huyện cho biết: "Riêng huyện Phong Điền có hơn 900 ngôi nhà của người dân đã bị ngập, địa phương cũng đã tiến hành di dời trên 300 hộ dân của các địa phương Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu và Thị trấn Phong Điền đến vị trí an toàn, mưa lũ cũng đã làm nhiều tuyến đường huyết mạch gián đoạn, hàng chục hecta hoa màu bị thiệt hại. Do đó, Ban CHQS huyện huy động lực lượng thường trực, dân quân tại chỗ sẵn sàng phương tiện, quân số để giúp dân khi cần thiết".

Theo trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, hiện, Bộ CHQS tỉnh đã yêu cầu Ban CHQS các huyện thực hiện phương châm “4 tại chỗ” túc trực 100% quân số, sẵn sàng các phương tiện như ca nô, tàu, thuyền, áo phao và các vật dụng cần thiết ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Nhất là lực lượng dân quân, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng để kịp thời di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời chúng tôi cũng yêu cầu từng cán bộ, chiến sĩ khi tham gia thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối phải bảo đảm an toàn về người và phương tiện".

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi đầu vươn lên của thị xã trẻ Phong Điền

Ở phía bắc thành phố Huế, Phong Điền là vùng đất đã từng gian khó trong chiến tranh, người dân vẫn đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Hôm nay , Phong Điền đánh dấu bước chuyển mình từ huyện lên thị xã và là niềm tin yêu để người dân tự hào.

Khởi đầu vươn lên của thị xã trẻ Phong Điền
Xây dựng “thế trận lòng dân” ở các địa bàn trọng điểm

Chiều 5/12, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức hội nghị Quân chính tổng kết nhiệm vụ quân sự - quốc phòng (QS – QP) năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Xây dựng “thế trận lòng dân” ở các địa bàn trọng điểm
Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào

Ngày 24/10, tại tỉnh Salavan (Lào), đoàn Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại tá Lê Huy Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dẫn đầu tiến hành Hội đàm với Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan về việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) mùa khô 2024 - 2025. Thiếu tướng Phu Văn Phim Ma Chăn, Chỉ huy trưởng Chính trị, Trưởng Ban Công tác đặc biệt tỉnh Salavan tiếp và làm việc cùng đoàn.

Hội đàm phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024 - 2025 tại Lào

TIN MỚI

Return to top