ClockThứ Bảy, 30/03/2024 11:32

A Lưới nỗ lực xóa nhà tạm

TTH - Huyện miền núi A Lưới tập trung triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và phấn đấu thoát khỏi 74 huyện nghèo của cả nước trước năm 2025. Hiện nay, huyện đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc giaHơn 7 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm hộ nghèo A LướiĐảm bảo tiêu chí nhà ở để xóa nghèo ở A Lưới

 Cụ Hồ Văn Hữu trước ngôi nhà mới được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Những ngày này, đi đến các khu dân cư ở xã Hồng Kim hay bất kỳ xã nào ở huyện A Lưới, mọi người đều có thể bắt gặp những hình ảnh xây dựng nhà cửa hối hả. Một không khí chưa từng thấy ở huyện A Lưới. Những ngôi nhà khang trang đang dần được hình thành cùng sự đổi thay lớn từ những người dân nơi đây.

Ghé nhà cụ Hồ Văn Hữu (dân tộc Pa Cô, thôn A Tia 1, xã Hồng Kim), cụ niềm nở giới thiệu căn nhà còn thơm mùi mới được hỗ trợ 60 triệu đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Cụ Hữu mạnh dạn vay ngân hàng chính sách xã hội thêm 40 triệu đồng để cất nhà. “Đến cái tuổi “gần đất xa trời” đã có một nơi chốn vững chãi để an trú tuổi già”, cụ Hữu không giấu được nỗi xúc động.

Gia đình ông Trần Văn Can, xã Hồng Thủy không khỏi vui mừng với căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng cho gia đình. Ngôi nhà ước tính gần 125 triệu đồng. Trong đó, với 60 triệu đồng hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, gia đình ông vay mượn thêm gần 65 triệu đồng nữa để xây dựng ngôi nhà như hiện nay. Giấc mơ yên ấm trong ngôi nhà vững chãi của gia đình ông Can đã thành hiện thực.

“Giờ đây, gia đình tôi đã có nơi ở mới, có chốn ra vào, không còn sợ cái mưa, cái nắng. Từ đó, tôi mong muốn tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, để có thêm cái ăn, cái mặc, phấn đấu làm sao để thoát nghèo”, ông Trần Văn Can nói.

Ông Trương Công Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết: Chương trình xóa nhà tạm đã giúp cho người dân huyện A Lưới an cư, ổn định nhà ở. Từ khi có nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 các hộ dân cũng đã mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Điều này giúp huyện từng bước thoát khỏi huyện nghèo trên cả nước, hướng đến huyện A Lưới ngày càng phát triển, đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ các nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình 1719, đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa khoảng 2.600 nhà ở cho các hộ dân. A Lưới phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 4.500 đến 5.000 nhà ở được xây mới và sửa chữa. Mục tiêu này rất lớn và thật sự đột phá cho hình ảnh của một huyện miền núi, dân tộc thiểu số ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, đến thời điểm này, huyện đã phê duyệt hỗ trợ trong giai đoạn 1 năm 2024 thuộc Chương trình MTQG 1719 là 1.008 trong tổng số 3.959 ngôi nhà. Đợt 2, năm 2024, huyện tiếp tục rà soát và phê duyệt hỗ trợ những hộ dân còn lại để giải quyết xong chương trình xóa nhà tạm giúp bà con nhân dân ổn định nhà ở, yên tâm phát triển kinh tế cũng như tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo của cả nước.

Với những thành công của năm 2023, hướng đến giai đoạn tiếp theo của năm 2024, huyện A Lưới đang làm tốt nhiệm vụ xóa nhà tạm, hỗ trợ thoát nghèo cho những hộ dân khó khăn. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa khi huyện A Lưới đang trong quá trình thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo toàn quốc, mở ra một giai đoạn xây dựng và phát triển mới ở địa phương miền núi, dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

TIN MỚI

Return to top