ClockThứ Hai, 01/06/2015 10:14

“Chính phủ công khai, minh bạch sẽ tạo niềm tin với người dân"

TTH.VN - Đại biểu Nguyễn Thái Học: "Công khai, minh bạch để người dân tiếp cận thông tin, kiểm tra, giám sát và đó là cơ sở của niềm tin từ người dân với Chính phủ".

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 được các đại biểu Quốc hội đánh giá có nhiều điểm tiến bộ. Đặc biệt là việc bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc rất quan trọng như công khai hóa, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; khung số lượng cấp Phó…

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Đại biểu Nguyễn Thái Học- Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên về một số nội dung quan trọng của dự luật. 

 
Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu tại Hội trường Diên Hồng

PV: Dự thảo luật trình Quốc hội lần này bổ sung quy định công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Đại biểu đánh giá như thế nào?

ĐB Nguyễn Thái Học: Có thể nói rằng yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đòi hỏi mang tính khách quan. Xu hướng phát huy dân chủ, tiến bộ của xã hội đi liền với công khai, minh bạch.

Trong hoạt động của mình mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ càng công khai, minh bạch những việc liên quan điều hành, chỉ đạo trên các lĩnh vực thì người dân càng có điều kiện để tiếp cận thông tin, kiểm tra, giám sát và đó là cơ sở của niềm tin từ người dân với Chính phủ.

Do đó Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này cần thiết kế những điều luật mang tính bắt buộc, để rồi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, cơ quan hành chính nhà nước các cấp chủ động có những báo cáo trước Quốc hội cũng như trên mạng thông tin, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

PV: Có ý kiến nói rằng cái yếu của chúng ta là trách nhiệm không rõ. Theo đại biểu, dự luật lần này bên cạnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn thì đã làm rõ được trách nhiệm chưa?

ĐB Nguyễn Thái Học: Thực ra vấn đề công khai, minh bạch trong điều hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bao hàm cả trách nhiệm. Công khai, minh bạch cái đúng, cái tốt là để người dân ủng hộ và phát huy. Nhưng cái tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng phải làm rõ do đâu và ai chịu trách nhiệm.

Sự điều hành của Bộ ngành thời gian vừa qua bên cạnh những mặt tích cực cần phát huy thì vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Đáng lưu ý là nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài và chậm khắc phục nhưng chưa thấy phê bình, xác định trách nhiệm, khiển trách một ai. Đây chính là vấn đề kỷ luật, kỷ cương.

Trong báo cáo của Chính phủ năm nào cũng có câu “kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm” trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả trong cải cách hành chính Nhà nước chưa nghiêm, tài chính ngân sách chưa nghiêm, đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa nghiêm… Như vậy trách nhiệm có hay không và nếu có thì ở đâu, người nào, lại chưa rõ.

PV: Đại biểu chia sẻ gì về băn khoăn “lạm” cấp Phó và trách nhiệm người đứng đầu không rõ?

ĐB Nguyễn Thái Học: Cấp Phó nhiều hay ít tùy thuộc vào quy định của chúng ta. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu, là cấp Trưởng.

Nhiều cơ quan, đơn vị tôi thấy cấp Phó không nhiều nhưng người ta điều hành vẫn tốt. Đó là vai trò của người đứng đầu. Do đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu là cần thiết.

Phải quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và gắn với nghĩa vụ của người đứng đầu. Anh làm tốt thì được khen thưởng, ghi nhận, còn không tốt thì phải quy trách nhiệm cho cấp Trưởng ở những lĩnh vực, việc mà anh phụ trách.

Thưởng phạt phải nghiêm minh và kỷ luật, kỷ cương phải bình đẳng từ người lãnh đạo cũng như cán bộ, chuyên viên. Nhưng lâu nay có thực tế mà người ta nói là “nhẹ trên nặng dưới”.

PV: Một nội dung rất lớn trong dự Luật Tổ chức Chính phủ là sự phân cấp để tránh chồng chéo công vụ. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

ĐB Nguyễn Thái Học: Yêu cầu phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương được đề cập khá lâu rồi. Vấn đề ta có thực hiện được hay không và thực hiện như thế nào.

Dự luật lần này có đề cập nhưng cái mà tôi quan tâm là khi Luật đã thể chế hóa thì việc thực hiện như thế nào cho nghiêm. Đôi khi ta cứ quy định nhưng lúc tổ chức thực hiện lại không nghiêm rồi việc đâu lại vào đó.

Về ý kiến nói rằng lâu nay Trung ương lo quá nhiều việc mà đáng lẽ việc đó giao cho địa phương, tôi nghĩ vấn đề này phải xem xét, phân tích, đánh giá tùy thuộc vào từng lĩnh vực, từng địa phương.

Vấn đề đặt ra là nơi nào làm không tốt phải rõ trách nhiệm, kể cả trách nhiệm của Trung ương đối với địa phương. Chúng ta vẫn chưa siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, trong đó có kỷ luật giữa cấp trên và cấp dưới.

PV: Không rõ việc được phân cấp, phân quyền cũng dẫn đến không rõ trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dồn việc cho cấp dưới, thưa đại biểu?

ĐB Nguyễn Thái Học: Tình hình chung là có sự xuê xoa, không rõ ràng về mặt thẩm quyền cũng như trong quá trình thực hiện nghĩa vụ. Luật từ thực tế này phải có sự điều chỉnh để phân cấp, phân quyền rõ hơn.

Việc đánh giá quá trình triển khai thực hiện thời gian qua thấy còn hạn chế thì cần phải thể chế hóa trong luật. Luật tạo ra nền tảng, cơ sở, khuôn khổ pháp lý, nhưng như tôi đã nói, điều quyết định vẫn là tổ chức thực hiện.

Với quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Chính phủ như luật hiện hành mà Bộ trưởng làm tốt thì vẫn phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Tôi thấy nhiều Tư lệnh ngành vẫn thể hiện tốt vai trò trên lĩnh vực phụ trách. Vấn đề là do con người chứ không phải hoàn toàn do luật.

PV: Xin cảm ơn Đại biểu!.

Ngọc Thành (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Cần đảm bảo quyền lợi người mua vé số

Chiều 10/1, Văn phòng UBND thành phố cho biết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương vừa có những chỉ đạo liên quan đến vụ việc vé số bị rách không đảm bảo điều kiện nhận thưởng.

Cần đảm bảo quyền lợi người mua vé số

TIN MỚI

Return to top