ClockThứ Năm, 26/05/2022 13:30

Gỡ khó việc thu phí tự động không dừng

TTH - Được đánh giá có nhiều tiện ích, nhưng do còn một số bất cập trong cách thức thực hiện nên hoạt động thu phí không dừng (ETC) đối với các phương tiện ô tô khó đạt được đúng tiến độ, cần sớm tháo gỡ.

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án thu phí tự động không dừngTừ ngày 1/2, xe qua trạm BOT đường bộ được giảm giá

Tùy mỗi phương tiện để chọn vị trí dán thẻ để không xảy ra sự cố lúc qua trạm thu phí không dừng

Nhiều người còn băn khoăn

Hiện trên thị trường có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (cung cấp thẻ Etag) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (Viettel cung cấp thẻ ePass). Thời gian qua, ngành GTVT đã có nhiều giải pháp đưa vào sử dụng hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí BOT trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ này vẫn còn thấp.

Ở Thừa Thiên Huế, có hai trạm thu phí giao thông là Phú Bài (TX. Hương Thủy) và bắc hầm đường bộ Hải Vân (Lăng Cô, Phú Lộc). Tại trạm Phú Bài mỗi ngày có hơn 13.500 lượt phương tiện qua lại, nhưng số sử dụng ETC chỉ khoảng 56%. Trạm bắc Hải Vân mỗi ngày có hơn 10.000 lượt phương tiện qua lại, nhưng số sử dụng ETC đạt khoảng 60%.

Anh Lê Văn Tuân (Vinh Hà, Phú Vang) cho biết, mua ô tô từ 5 năm nay nhưng không đi đâu nhiều nên chưa tiếp cận với dịch vụ ETC. Mới đây nghe bạn bè nói đến Trạm thu phí Phú Bài để được hỗ trợ nhưng ngại đường xa, trong khi đó chưa quy định ràng buộc nên anh chưa nghĩ đến.

Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế cho rằng, dịch vụ ETC là tiện ích nhiều mặt, trong đó ưu điểm lớn nhất giảm thời gian chờ đợi mỗi lần xe qua trạm, do đó 100% phương tiện của đơn vị ông đã tham gia. Tuy nhiên, sự tiện ích này hiện chưa nhiều phương tiện cá nhân mặn mà bởi thỉnh thoảng họ mới qua lại trạm.

Một số DN vận tải ở TP. Huế có nhiều phương tiện hiện băn khoăn, muốn sử dụng ETC phải đóng trước một số tiền không nhỏ, trong khi hoạt động vận tải đang gặp khó khăn bởi sau một thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19.

Một lái xe tuyến cố định liên tỉnh tại TP. Huế chia sẻ một số bất cập khi sử dụng ETC. Nhiều xe đã được dán thẻ đúng vị trí nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp lỗi không nhận thẻ Etag tại một số trạm trên Quốc lộ 1A hoặc đi đường cao tốc. Lái xe này nói, vị trí dán thẻ hiện chưa tiện, nhiều lái xe chọn dán lên kính lái để hạn chế việc bong tróc do thời tiết. Tuy vậy, nếu gặp kính xe dán phim cách nhiệt loại tráng phủ kim loại thì dễ bị nhiễu sóng, máy không thể đọc thẻ khi qua trạm. Với những xe dán phim cách nhiệt loại này bắt buộc dán ở đèn xe, nhưng dán ở đèn xe thì có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát...

Cần sớm có giải pháp quyết liệt

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, sau 7 năm triển khai dịch vụ ETC, đến nay có gần 3 triệu xe trên tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC, đạt khoảng 65%. Theo thống kê của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, ở Thừa Thiên Huế có khoảng 40.430 ô tô thì mới có gần 28.000 xe đã dán thẻ (có thể đã nạp tiền sử dụng hoặc chưa). Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ đến cuối tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện phải được dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC. Mốc thời gian không còn nhiều, trong khi lượng phương tiện chưa sử dụng dịch vụ này còn rất lớn.

Ông Lê Tam Kha, Đội trưởng cung cấp dịch vụ ETC tại Trạm Thu phí giao thông Phú Bài (Công ty TNHH Thu phí tự động VETC) phân tích, chủ phương tiện chưa mặn mà với việc sử dụng ETC một phần do thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến. Nhiều chủ phương tiện, DN vận tải còn chưa hiểu rõ lợi ích của dịch vụ ETC. Để tạo điều kiện cho người dân sử dụng ETC, ngoài hoạt động truyền thông hiện nay đơn vị vừa triển khai dán thẻ tại trạm thu phí, đồng thời phối hợp với các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc để hỗ trợ khách hàng thực hiện các bước mở tài khoản, dán thẻ Etag khi tiến hành đăng kiểm phương tiện và miễn phí đăng ký tài khoản cho các chủ xe.

Với các phương tiện sử dụng ETC gặp sự cố khi qua trạm, ông Kha đề xuất chủ phương tiện cần tiếp cận tại các địa chỉ cung cấp dịch vụ để dán lại thẻ và không thu phí những trường hợp này. Đồng thời khuyến cáo, khi phương tiện đã sử dụng ETC không nên lưu thông quá nhanh qua các trạm, mà di chuyển với vận tốc chừng 30km/h và giữ khoảng cách khoảng cách tối thiểu giữa hai xe để không cản tầm nhìn của hệ thống nhận diện thẻ của phương tiện. Lúc đó, barrier tại trạm đóng mở, xe qua lại an toàn.

Đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, hiện tại Thừa Thiên Huế, ngoài điểm tư vấn dán ở điểm dừng ở trạm thu phí giao thông bắc hầm Hải Vân và Phú Bài, đơn vị triển khai tại Trung tâm Đăng kiểm Thừa Thiên Huế (tại 2 địa chỉ là TP. Huế và TX. Hương Trà), hoặc chủ phương tiện có thể tìm kiếm thông tin trên website của công ty hoặc qua đường dây nóng để được hỗ trợ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có cuộc làm việc với Bộ GTVT về vướng mắc đối với việc triển khai dịch ETC và bất cập tại một số dự án BOT giao thông. Phó Thủ tướng cho rằng, quá trình triển khai ETC đạt kết quả tích cực nhưng nhiều nơi vẫn còn bất cập. Do vậy, yêu cầu các đơn vị liên quan phải sớm có giải pháp, quyết liệt đẩy nhanh triển khai hệ thống ETC, nhất tại các dự án đường cao tốc, không để chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. “Sau 31/7, nếu dự án nào chưa triển khai ETC phải tiến hành “xả trạm", có chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm tiến độ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Trong đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông có mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông từ Nghị định 168
Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

Thời điểm cuối năm này, các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đang tập trung cao độ, phối hợp với nhà thầu thi công tăng tốc tiến độ thi công các hạng mục, dự án nhằm chạy “nước rút” về khối lượng giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án giao thông chạy “nước rút” thi công, giải ngân

TIN MỚI

Return to top