 |
Nhiều tài khoản mạng xã hội tại TP. Huế đã lan truyền các thông tin giả, sai sự thật về nạn bắt cóc trẻ em |
Hậu quả khôn lường
“Hôm nay con mình đi học Trường Phạm Văn Đồng về đang đứng đợi mình đến đón, có một người mặc quần áo Grab đến nói là ba con đặt xe chú chở về. May mà con không lên xe… Nhờ mọi người chia sẻ mạnh tay, bọn buôn người càng ngày càng loạn”. Đó là nội dung do tài khoản mạng xã hội Facebook của anh Nguyễn Văn D. đăng tải vào tháng 2/2024. Chưa đầy 4 giờ đồng hồ, bài đăng đã thu hút được hàng nghìn lượt like, share và đã bị chủ nhân xóa đi do lo ngại vấn đến pháp lý. Tuy nhiên, nội dung trên đã kịp lan tỏa và được nhiều tài khoản, trang cộng đồng khác lan tỏa rộng rãi.
Một trường hợp khác, nội dung về người đàn ông lạ bỏ bùa mê học sinh để dẫn đi theo tại Trường tiểu học Phú Cát (quận Phú Xuân) cũng được nhiều tài khoản lan tỏa trên mạng xã hội Zalo, Facebook, gây hoang mang dư luận trong thời qua.
Chị Trần Minh Hoài Nhân (quận Thuận Hóa) chia sẻ: “Tôi có con nhỏ nên các thông tin về bắt cóc trẻ em xuất hiện tại TP. Huế khiến bản thân rất hoang mang, lo lắng. Dù nguồn tin chưa được kiểm chứng nhưng tâm lý chung của phụ huynh là lo ngại, e dè và cảnh giác”.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, trong tháng 2/2024, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Huế cũng đã phát hiện một số tài khoản mạng xã hội trên địa bàn đăng tải, chia sẻ thông tin có đối tượng thực hiện hành vi “bắt cóc”, “buôn người” gây hoang mang dư luận. Trên cơ sở đó, đơn vị đã điều tra làm rõ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng/người đối với 3 cá nhân về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gồm: Trần Thị Sơn N. (sinh năm 1988), Nguyễn Thị T. (sinh năm 1983) cùng trú tại phường Tây Lộc (quận Phú Xuân) và Nguyễn Văn D. (sinh năm 1983, trú tại phường Phú Hậu, quận Phú Xuân).
Tại cơ quan công an, 3 cá nhân trên đều thừa nhận hành vi đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội phản ánh việc “bắt cóc”, “buôn người” xảy ra tại địa bàn TP. Huế là thiếu chính xác. Động cơ là nhằm chia sẻ và cảnh báo chung đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, thông tin đăng tải mang tính suy diễn, không đúng bản chất sự việc, gây hoang mang trong dư luận, trong giáo viên và học sinh ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Xử lý nghiêm
Theo thông tin từ Công an TP. Huế, hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng đã được quy định và xử lý theo Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018. Cụ thể, tại Điều 8, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc sử dụng thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Tại Điều 9, Luật An ninh mạng năm 2018 cũng cấm các hành vi gồm: Đưa thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong Nhân dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Ngoài ra, các hành vi này có thể bị xử lý theo các chế tài hành chính hoặc hình sự như: Xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt có thể lên đến 100 triệu đồng (tùy mức độ vi phạm); xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có thể bị phạt tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài các hình thức xử phạt trên, người vi phạm có thể bị buộc công khai xin lỗi, cải chính thông tin; buộc xóa bỏ nội dung sai sự thật trên mạng. Đồng thời, nếu gây thiệt hại, có thể phải bồi thường dân sự theo quy định pháp luật.
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, người dân cần sàng lọc và thẩm định thông tin trên mạng xã hội; trong đó, tập trung vào việc kiểm tra nguồn gốc thông tin và tính xác thực của thông tin có đến từ những cơ quan, tổ chức đáng tin cậy hay không. Quan trọng nhất là mỗi công dân phải trang bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận diện và phòng tránh thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Điều này bao gồm việc luôn tỉnh táo, sáng suốt khi tiếp cận thông tin và không để bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin không chính xác.