ClockThứ Bảy, 07/06/2025 11:45

Để thay đổi thói quen đốt rơm rạ

HNN - Mới đây, một số nông dân tại các địa phương trên địa bàn TP. Huế đã bị lực lượng chức năng phạt hành chính vì đốt rơm rạ trên đồng gây ô nhiễm môi trường (ONMT). Các nông dân cho rằng, họ bị phạt là đúng, nhưng trước mắt, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân để thay đổi thói quen, rồi sau đó xử phạt cũng chưa muộn.

Nông dân Hương Thủy nói không với đốt rơm rạ trên đồngHương Trà: Xử phạt 5 trường hợp đốt rơm rạ Giải quyết vấn nạn đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa: Không để đến hẹn lại… kêu

Người dân có thói quen đốt rơm rạ sau khi thu hoạch xong 

Thói quen không tốt

Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân năm 2025, để kịp cày ải đất chuẩn bị cho vụ mới, nhiều nông dân trên địa bàn TP. Huế có thói quen đốt rơm rạ ngay giữa đồng. Việc làm này của các nông dân đã gây khói bụi, ONMT. 

Tại phường Hương Chữ (TX. Hương Trà), 5 nông dân khi đang đốt rơm rạ giữa đồng đã bị chính quyền địa phương và ngành chức năng phát hiện, xử phạt hành chính (XPHC) 2,5 triệu đồng/người. Tiếp đó, tại phường Dương Nỗ (quận Thuận Hóa), 4 nông dân cũng bị chính quyền địa phương và ngành chức năng XPHC vì hành vi đốt rơm rạ giữa đồng…

Thực tế, việc người nông dân đốt rơm rạ giữa đồng sau mỗi kỳ thu hoạch lúa là thói quen lâu nay. Theo người trồng lúa, việc đốt rơm rạ đỡ đi một phần chi phí thu gom để tiếp tục cày ải, chuẩn bị cho vụ trồng lúa mới.

Người trồng lúa cho rằng, khoảng thời gian từ thời điểm kết thúc vụ Đông Xuân đến gieo sạ vụ Hè Thu rất ngắn, chỉ 10 đến 15 ngày. Nếu lượng rơm rạ trên đồng chưa được dọn sạch, máy cày sẽ bị vướng, không cày sâu đất được, ảnh hưởng đến sự phát triển của hạt giống khi gieo sạ. Đó là lý do để không ít nông dân trồng lúa tại nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế có thói quen đốt rơm rạ trên cánh đồng ngay sau khi thu hoạch.

Để hạn chế, tiến tới bỏ thói quen đốt rơm rạ trên cánh đồng gây ONMT, chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên đốt rơm rạ; tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được việc làm này. Đa phần, người trồng lúa thấy người này đốt rơm rạ được, thì mình cũng đốt được. Cứ thế, việc tràn lan khói bụi, ONMT vì đốt rơm rạ mỗi khi mùa thu hoạch xong càng trở nên phổ biến.

“Để hạn chế tình trạng người dân đốt đồng, địa phương đã lập hai tổ tuần tra và hợp đồng 10 máy cuốn rơm nhằm giải quyết nhu cầu xử lý rơm rạ sau thu hoạch của người dân. Thế nhưng, địa phương vẫn có người bị xử phạt hành chính do đốt rơm rạ gây khói bụi, ONMT”, ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa chia sẻ.

Không chỉ là xử phạt hành chính

Từ thực tế ở Dương Nỗ, các địa phương khác trên địa bàn TP. Huế cũng cần thành lập những tổ tuần tra nhắc nhở, xử lý người dân cố tình đốt rơm rạ trên đồng; đồng thời, phối hợp với các HTX nông nghiệp để hợp đồng máy cuộn rơm phục vụ nhu cầu người dân mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa.

Qua tìm hiểu, không phải địa phương nào cũng có số lượng máy cuốn rơm nhiều như ở Dương Nỗ, mà mỗi địa phương chỉ có từ 2 đến 3 máy cuộn rơm. Vì vậy, nếu người nông dân có nhu cầu cũng sẽ không đủ máy cuộn rơm dẫn đến việc đốt đồng tràn lan là điều khó tránh khỏi.

Chính quyền địa phương cần tính toán hỗ trợ người trồng lúa trong việc thu gom rơm rạ, kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở. Nếu người dân tiếp tục cố tình đốt rơm rạ gây ONMT, cần xử lý để răn đe với những hộ dân khác, từ đó bỏ dần thói quen đốt rơm rạ của người dân.

Ngoài ra, các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ được Sở Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ đến các địa phương có diện tích trồng lúa lớn và cử cán bộ kỹ thuật phối hợp hướng dẫn trực tiếp người dân cách sử dụng hiệu quả chế phẩm cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới bỏ dần thói quen đốt rơm rạ. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là XPHC, mà làm thay đổi được thói quen không đốt rơm rạ sau mỗi kỳ thu hoạch lúa của người dân.

Ngày 5/5/2025, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh đã ký Công văn số 5178/UBND-NN về việc hạn chế đốt rơm, rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ONMT.

Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa xảy ra trên địa bàn; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thiết lập đường dây nóng và đẩy mạnh ứng dụng Hue-S để tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức về tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng để kịp thời có biện pháp xử lý.

Nghị định 45 ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về XPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Tại khoản 1, Điều 41 của Nghị định quy định, xử phạt tiền từ 2,5 - 3 triệu đồng đối với hành vi đốt rơm rạ ngoài trời.

Khói từ việc đốt rơm rạ chứa các khí độc hại, gây ra các bệnh về đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đốt rơm rạ làm mất đi chất hữu cơ trong đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Khói mù từ việc đốt rơm rạ gây hạn chế tầm nhìn, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông…

Bài, ảnh: TÂM ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

DU LỊCH VĂN HÓA - DI SẢN:
Thế mạnh cũng phải thay đổi

Văn hóa, di sản là điểm mạnh, “xương sống” của du lịch Huế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh phát triển du lịch và sự ra đời của các xu hướng du lịch mới, du lịch Huế không chỉ đầu tư cho các loại hình du lịch bổ trợ mà còn phải tự làm mới du lịch văn hóa, di sản để đáp ứng nhu cầu du khách.

Thế mạnh cũng phải thay đổi
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, phục vụ

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 vào ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải đổi mới căn bản tư duy từ thụ động, tập trung vào quản lý “không quản lý được thì cấm” sang tư duy “chủ động, linh hoạt để kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Thay đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, phục vụ
Vượt khó để thay đổi cuộc sống

Vợ chồng anh Lê Ka Rơn, chị Hồ Thị Ngữ, người dân tộc Pa Cô (ở thôn 4, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới), từ nghèo khó đã bứt phá, trở thành hộ gia đình kinh tế vững chắc nhờ mạnh dạn và biết chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Vượt khó để thay đổi cuộc sống
Cuốn cẩm nang tạo cho trẻ thói quen đọc sách

Vừa qua, cuốn sách “Cùng con làm bạn với sách” của tác giả Hoàng Trọng Thủy được giới thiệu, chia sẻ ở nhiều workshop, buổi nói chuyện về sách. Đây được xem là cuốn cẩm nang dành cho các bậc phụ huynh trong nỗ lực giúp con có thói quen và tạo niềm đam mê đọc sách.

Cuốn cẩm nang tạo cho trẻ thói quen đọc sách

TIN MỚI

Return to top