ClockThứ Ba, 25/07/2023 17:17

Cần bài trừ nạn mê tín dị đoan

TTH - Trước hết, chúng ta phải phân biệt mê tín dị đoan với tín ngưỡng thuần túy. Mê tín là tin bậy, tin vào những điều vô lý, thiếu cơ sở khoa học; tín ngưỡng là một lòng tin có tính chất triết lý và luân lý. Đồng bóng là mê tín, bùa phép là mê tín, bói toán dưới các hình thức cũng là mê tín, còn cầu nguyện tụng kinh thuộc về tín ngưỡng. Tín ngưỡng dựa trên một căn bản tư tưởng có hệ thống khác với mê tín.
leftcenterrightdel
 Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (ảnh minh họa). Ảnh: B. Phước

Một điều đáng chú ý là, tín ngưỡng chân chính bao giờ cũng trái với mê tín. Thời xa xưa ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, các nhà nho chính tông cho việc bài trừ mê tín là một bổn phận của người có học. Đức Khổng Tử lúc lâm chung, trả lời các môn sinh khi họ muốn đi cầu thần thánh cho ngài sống thêm rằng: “Đời ta là một lời cầu nguyện rồi”. Bản Kinh dịch lúc mới xuất hiện chỉ là một vũ trụ quan của ngài. Bản ấy vẫn biết thấm nhuần những tư tưởng siêu hình. Nhưng chúng ta đừng lầm. Chỉ vì về sau người ta lợi dụng nó làm một cuốn sách bói toán mà thôi. Thời nhà Trần, đất nước có lúc gặp nạn mê tín dị đoan hoành hành, đến mức Phật Hoàng Trần Nhân Tông phải ra lệnh phá bỏ đi 5.000 dâm từ (tức những nơi thờ thần bậy bạ). Công giáo hay Phật giáo cũng vậy. Polyeucta, một giáo sĩ Công giáo, đã hy sinh để phá bỏ mê tín và đạo Phật đã khuyên bảo mọi người nên cầu nguyện thần siêng năng, thần cần kiệm, thần từ bi, thần lao động… hơn là cầu nguyện thần gió, thần sông.

Lẽ tất nhiên, trong tín đồ của tôn giáo cũng có người chưa thấu triệt hay hiểu sai giáo lý, đem tín ngưỡng của mình chạm gần đến mê tín, có khi nhào trộn để thành u u minh minh, chẳng rõ ra làm sao. Việc thờ phụng tổ tiên, thần, thánh, theo chính nghĩa của nó chỉ là một lối tỏ lòng biết ơn các đấng tiền nhân có công đời sau, người ta giết heo, giết bò tế lễ để cầu tài, cầu phước là chính chứ ông bà tổ tiên hưởng đâu được gì. Đọc kinh, cầu nguyện chỉ là phương pháp thanh tâm, thế mà có người xem như một lối cầu ân huệ. Lão giáo, lúc đầu ở Trung Hoa có đôi chút giáo lý; thế rồi về sau, nó đã biến thành một phương tiện sinh nhai cho một hạng bịp đời, lừa dân mê tín; người ta bày ra lắm trò lố lăng như cúng ma quỷ, cúng quan sát, hình nhân thế mạng, lên đồng lên bóng lập lòe. Chúng ta cần phải phân biệt như vậy để tránh những sự hiểu lầm, có hại cho tự do tín ngưỡng, quyền lợi tinh thần rất thiêng liêng của con người.

Đã đến lúc, phải triệt để bài trừ mê tín và những sự biểu lộ lố lăng của nó. Trong thời Pháp thuộc hay Nhật thuộc, mê tín dị đoan được khuyến khích. Đó là chính sách ngu dân của đế quốc. Chuyện cũ ở tỉnh nọ có một ông huyện xuất thân là một cử nhân văn khoa và luật khoa, đã từng qua Pháp du học, lại hô hào dân cầu đảo cho hết bom đạn đế quốc kìm hãm chúng ta vào vòng đem tối, để cho chúng nó tha hồ cỡi cổ dân ta. Ngày nay khác rồi, dân tộc Việt Nam phải tiến lên, và muốn tiến lên tiến nhanh thì phải quẳng cái ách mê tín lẽo đẽo trên lưng, trong đầu ta đi. Đó cũng là một vấn đề danh dự quốc gia và lối ứng xử văn hóa của mỗi người dân trong toàn xã hội.

Nạn mê tín hàng năm làm chúng ta mất một số tiền lớn, ấy là chưa kể tới thời gian và công sức. Chỉ một chuyện ma chay kéo dài, chuyện đốt vàng mã của một gia đình thôi mà mỗi năm ít nhất cũng lên đến bạc triệu, có nhiều nhà lên đến hàng chục triệu đồng. Chúng ta đương cần tiền để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cuộc sống, phát triển đất nước. Bài trừ được mê tín dị đoan, chúng ta có thể dành một số tiền lớn cho công cuộc ấy.

Thời đại dân chủ, xây dựng một xã hội công bằng, mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng không phải là hoạt động mê tín dị đoan, chúng ta cần phải mềm dẻo, không thể dùng lối bắt buộc mà dùng lối thuyết phục. Cần dùng thực hành mà giải thích, chứng minh cụ thể giữa các địa phương, tập quán xã hội. Ngoài ra còn có thể dùng những phương pháp gián tiếp như đánh thuế thật cao những món đồ vô ích, cầu cho bọn hung thần ma quỷ như vàng mã, nghề bói toán, địa lý, bấm độn hết đất sống, trả lại sự bình yên cho xã hội.

Hiện nay, ở vùng nông thôn vẫn còn nhiều người dân nghèo mê tín mù quáng để cho bọn hung thần ma quỷ hoạt động công khai. Đã mấy mươi đời, chúng báo hại dân ta nhiều lắm rồi, một gia đình nghèo xơ nghèo xác đôi khi phải bán nhà bán cửa để dời mồ hay cúng hà bá, dâng sao giải hạn. Mà thực tế càng cúng càng nghèo khổ. Đó là chưa kể những tệ hại cho vệ sinh chung gặp lúc có bệnh dịch lại cúng vái, cầu đảo. Bọn hung thần ma quỷ, mê tín dị đoạn còn ngự trị trong ta ngày nào là sự tiến hóa còn chậm thâm nhập vào đó ngày ấy.

Trong việc tích cực bài trừ mê tín dị đoan, cũng như trong việc chống thù trong giặc ngoài, chống nghèo nàn lạc hậu, chống tham nhũng lãng phí theo chủ trương của Đảng những người trí thức, các vị quan chức chính quyền, các đoàn thể chính trị, đoàn viên, thanh niên lĩnh phần lớn trách nhiệm này.

Dương Phước Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bài trừ tệ nạn “đỏ, đen” dịp cuối năm

Dịp cuối năm và tết Nguyên đán thường là thời điểm tội phạm tổ chức đánh bạc hoạt động mạnh trở lại, đòi hỏi lực lượng công an vào cuộc đấu tranh quyết liệt hơn nữa.

Bài trừ tệ nạn “đỏ, đen” dịp cuối năm

TIN MỚI

Return to top