ClockThứ Năm, 09/01/2025 13:39

Bà con tiểu thương cần cảnh giác các chiêu trò lừa đảo

TTH - Dù có kinh nghiệm buôn bán lâu năm và thường xuyên được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo, nhưng một số tiểu thương kinh doanh hàng hóa, thực phẩm ở một số chợ trên địa bàn TP. Huế vẫn bị sập bẫy lừa chuyển tiền đặt hàng, mua hàng của các đối tượng xấu.

Cảnh giác với "quà mồi"Cẩn thận với các chiêu trò lừa đảo khi mua hàng thanh lýCảnh giác chiêu trò lừa đảo “đáo hạn ngân hàng lãi suất cao”

Chợ Đông Ba, nơi có nhiều tiểu thương kinh doanh hàng hóa, thực phẩm 

Mới đây, bà Nguyễn T.H. kinh doanh thực phẩm ở chợ Cống nhận được cuộc gọi điện thoại qua Zalo của một người đàn ông tự xưng đang công tác tại một đơn vị đóng tại địa bàn TP. Huế. Qua Zalo, người này nói rằng, được người bạn giới thiệu nên biết bà H. là chủ cửa hàng bán thực phẩm uy tín, chất lượng và muốn đặt mua hơn 50kg thịt heo, thịt gà để phục vụ cho lễ tổng kết của đơn vị vào cuối năm.

Để bà H. tin tưởng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, người đàn ông tiếp tục gửi hình ảnh trụ sở đơn vị kèm giấy công văn giới thiệu, giấy ra vào cổng có ghi địa chỉ đơn vị đóng tại TP. Huế, chữ ký của lãnh đạo được đóng dấu đỏ. Đối tượng liên tục gọi điện và nhắn tin qua Zalo bà H. với nội dung: “Nhờ chị giúp em với. Em đang cần gấp số thực phẩm để chuẩn bị cho buổi lễ tổng kết của đơn vị”; “Chị cố gắng giúp em. Xong việc, ngoài tiền mua thực phẩm, em sẽ chuyển cho chị ít tiền để cảm ơn”.

Trong lúc bà H. đang chuẩn bị đóng gói thực phẩm đi giao thì người đàn ông trên lại gọi điện và báo muốn đặt thêm 500 hộp thịt gà chất lượng ngon. Khi bà H. cho biết, cửa hàng đã hết thịt gà thì đối tượng nhắn cho bà địa chỉ kèm số điện thoại cửa hàng cung cấp thịt gà.

 Một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị cơ quan công an bắt giữ

Do đối tượng liên tục gọi điện nhờ bà H. mua đủ số thực phẩm, nếu không sẽ hủy đơn hàng, nên bà H. quyết định gọi điện theo số đối tượng cung cấp để đặt mua thịt gà; đồng thời, chuyển khoản nhiều triệu đồng tiền đặt cọc cho phía cung cấp thịt gà. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thành công, khoảng một giờ đồng hồ sau đó, bà H. gọi điện thoại lại cho đơn vị cung cấp thịt gà thì đầu dây bên kia đã khóa máy, không liên lạc được. Sau đó, bà H. đã trình báo sự việc bị lừa đảo lên cơ quan công an.

Với thủ đoạn tương tự, ngày 2/12/2024, bà Nguyễn Thị T.A. chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở chợ Đông Ba vay mượn để chuyển khoản hơn 50 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp để đặt mua thực phẩm. Trình báo với cơ quan công an, bà A. cho biết, đối tượng gọi điện qua Zalo để đặt mua thịt heo, thịt gà và sau đó đặt thêm 600 hộp thịt gà.

Khi bà A. nói cửa hàng không có số lượng lớn thịt gà như yêu cầu, thì đối tượng gửi cho bà A. tờ hóa đơn, trên đó có địa chỉ một công ty, số điện thoại đơn vị cung cấp thịt gà và nhờ bà A. đặt mua giúp. “Người này liên tục gọi điện và nhắn tin gửi hình ảnh giấy tờ, địa chỉ, số điện thoại qua Zalo cho tôi. Vì mong bán được hàng nên tôi đã làm theo yêu cầu, sau đó chuyển 54 triệu đồng theo số tài khoản công ty của người này để đặt mua thịt gà. Đến buổi chiều, khi tôi gọi điện thoại lại thì đối tượng đã chặn số thuê bao, lúc đó tôi mới biết mình đã bị lừa”, bà A. trình bày.

Nhận được tin báo của các tiểu thương, Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế đã chỉ đạo Công an phường Đông Ba và Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế vào cuộc, điều tra làm rõ.

Trung tá Châu Phúc Thắng, Trưởng Công an phường Đông Ba cho biết, thời gian qua, lực lượng đơn vị đã tích cực tuyên truyền, cảnh báo những phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet đến người dân và tiểu thương kinh doanh ở chợ Đông Ba để bà con cảnh giác. Thế nhưng, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng tâm lý của tiểu thương muốn bán được nhiều hàng hóa, nhất là vào thời điểm gần tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để giăng bẫy lừa, chiếm đoạt tiền của tiểu thương.

“Hiện, cơ quan công an đang tích cực điều tra làm rõ các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tiểu thương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo bà con tiểu thương, chủ các cửa hàng kinh doanh ở địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác. Tuyệt đối không tin, không làm theo hướng dẫn, không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng cho người lạ. Khi phát hiện đối tượng có hành vi lừa đảo hoặc bị lừa đảo bằng các thủ đoạn như trên, người dân cần trình báo đến cơ quan công an để được giải quyết”, lãnh đạo Công an TP. Huế khuyến cáo.

Bài, ảnh: MINH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh giác với bệnh Whitmore

Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas Pseudomallei) đã bị lãng quên, nhưng mới đây đã có trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Cảnh giác với bệnh Whitmore
Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Cảnh giác với nạn trộm cắp tại cơ sở kinh doanh

Theo dự báo từ Công an TP. Huế, tình trạng trộm cắp tại các cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm. Qua đó, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và tăng cường các biện pháp phòng, tránh để tự bảo vệ tài sản.

Cảnh giác với nạn trộm cắp tại cơ sở kinh doanh

TIN MỚI

Return to top