ClockThứ Ba, 25/10/2022 15:35

Phòng dịch sau mưa lũ

TTH - Ngoài phòng, chống thiên tai, khôi phục sản xuất, công tác khám, chữa bệnh, phòng dịch sau mưa lũ đóng vai trò quan trọng không kém. Những loại bệnh thường xuất hiện do tác động từ ô nhiễm môi trường được ngành y tế đặc biệt lưu tâm.

Đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau lũ

Người dân hỗ trợ cán bộ y tế về cơ sở phòng dịch

Nhận thông tin, bác sĩ (BS) Hoàng Ngọc Tuấn, Trạm Y tế Quảng An (Quảng Điền) tức tốc lên thuyền vượt chặng đường ngập nước 2km về thôn An Xuân Đông, nơi xuất hiện 3 ca sốt xuất huyết. Quảng An là khu vực thấp trũng, nhiều vùng ngập khi mưa lũ về. Ngay khi nước hạ, BS. Tuấn tiếp cận địa bàn, phối hợp với khu dân cư thau vét bọ gậy, phun thuốc ở khu vực này.

Ông T. P. một hộ dân ở An Xuân Đông cho hay, ông khá âu lo khi nhà có hai người sốt xuất huyết. Thấy cán bộ y tế đến, ông hỏi han về căn bệnh này và huy động gia đình thực hiện các bước vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, phòng dịch theo hướng dẫn.

Đó chỉ là một trong nhiều tình huống các bác sĩ Trạm Y tế Quảng An triển khai phòng dịch sau lũ rút. Quảng An có gần 1.500 hộ/2.200 hộ nước vào nhà đợt mưa bão vừa qua. 6 trường học và 2 ngôi chợ cũng ngập. BS. Hoàng Ngọc Tuấn chia sẻ: “Trên cơ sở kế hoạch phòng dịch, anh chị em đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần. An Xuân Đông là thôn xuất hiện sốt xuất huyết sau mưa lũ. Bên cạnh xử lý vệ sinh môi trường, hóa chất phòng dịch, chúng tôi phối hợp với địa phương nhắc nhở người dân nâng cao ý thức. Bà con rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo sức khỏe cho cá nhân, cộng đồng”.

Tại Lộc Trì – vùng rốn lũ Phú Lộc bị ngập hoàn toàn 8 thôn trong đợt mưa lũ trung tuần tháng 10. Khối lượng công việc cần xử lý sau khi nước hạ đối với cán bộ trạm y tế khá nhiều. "Mọi người hoạt động tối đa công suất. 6 thôn nước vừa rút là anh chị em có mặt. Tập trung nhân lực, hóa chất về 3 thôn bị ngập nặng nhất (Đông Lưu, Đông Hải, Lê Thái Thiện), ưu tiên xử lý nguồn nước, dọn môi trường và truyền thông phòng dịch”, BS. Cái Quang Nghiệm, Trưởng Trạm Y tế Lộc Trì (Phú Lộc) nói.

Ngoài chủ động trong phòng chống, khắc phục hậu quả sau mưa bão; vệ sinh môi trường - phòng dịch được các cơ sở y tế toàn tỉnh đặc biệt lưu tâm. Tất cả các trung tâm y tế thành phố, huyện, thị đều xây dựng phương án từ trước, có phân công, phân nhiệm và kiểm tra theo dõi. Đồng thời các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch tiếp theo, ứng phó với thời tiết cực đoan thời gian tới.

Theo Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền, trong số 11 trạm y tế, xã Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Thành thuộc vùng thấp nhất, phần lớn các trạm đều được tầng hóa nên không có thiệt hại lớn. Trung tâm huy động 2 đội cấp cứu lưu động, 2 đội phẫu thuật, 2 tổ phòng chống dịch – xử lý môi trường sau bão lụt; cấp gần 200 kg cloramine B 25%, hơn 41.000 viên Aquatab về cơ sở. Khoa Liên chuyên khoa Kiểm soát bệnh tật – Y tế công cộng và An toàn thực phẩm được giao nhiệm vụ phối hợp với các trạm theo dõi, giám sát xử lý môi trường, khắc phục hậu quả mưa bão. Phụ trách Khoa này lập nhóm zalo nắm công việc, cập nhật tiến độ và trao đổi hàng ngày với các trạm y tế nhằm kịp thời xử lý các tình huống khi cần.

Trên tinh thần nước rút đến đâu, xử lý đến đó. Cán bộ các trạm phối hợp cùng cán bộ y tế thôn, ban chỉ đạo các địa phương, kích hoạt hệ thống truyền thanh nhằm truyền thông rộng rãi trong cộng đồng. “Vấn đề lưu tâm sau lũ lụt ngoài vệ sinh môi trường, phòng bệnh tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ… chúng tôi lưu ý bệnh sốt xuất huyết vì đã xuất hiện một số ca bệnh ở Quảng Vinh, Quảng An, thị trấn Sịa", ThS. BS. Nguyễn Hoài Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho hay.

Mới đây, đoàn cán bộ Sở Y tế tổ chức kiểm tra tình hình ứng phó mưa bão và các phương án khắc phục, xử lý hậu quả sau lũ lụt tại huyện Phú Lộc. ThS. BSCKII. Hoàng Trọng Quý - Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các trạm y tế quan tâm đến việc xử lý vệ sinh môi trường chợ, trường học, bếp ăn tập thể… Cung cấp đầy đủ hóa chất và hướng dẫn người dân xử lý an toàn nguồn nước sinh hoạt. Giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh có nguy cơ cao xảy ra sau lũ lụt.

Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm phối hợp với các địa phương đưa thông tin tờ rơi - nhiều hình ảnh hướng dẫn xử lý nguồn nước, phun khử khuẩn vùng rác ứ đọng. Lưu ý các bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa… xuất hiện sau mưa lũ do tác động từ môi trường. Trung tâm cũng giao các phòng, ban chuyên môn chủ động bám cơ sở và triển khai các giải pháp xử lý kịp thời tùy đặc thù địa bàn.

Bài, ảnh: Linh Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Cùng với việc chia tách quận ở thành phố Huế (cũ) khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai trung tâm y tế cũng có sự thay đổi tương ứng. Theo chủ trương chung, hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân vẫn được đảm bảo.

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Việc số hóa cuộc sống hiện đại cùng sự ra đời của các công nghệ mới đã hoàn toàn thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Trong thập kỷ qua - đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng với tốc độ chưa từng có, biến thương mại điện tử thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường
Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

TIN MỚI

Return to top