ClockThứ Hai, 16/10/2017 13:01

Người Việt Nam đầu tiên được Quốc tế vinh danh “Anh hùng chống mù lòa”

TTH - Cuối tháng 9 vừa qua, bác sĩ CK II Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Huế đã được giải thưởng “Eye Health Heroes-Anh hùng trong phòng chống mù lòa”, do Tổ chức Phòng chống mù lòa Thế giới (IAPB) trao tặng tại Nepal. Chia sẻ với Báo Thừa Thiên Huế sau khi được IAPB vinh danh, bác sĩ Phạm Minh Trường bày tỏ:

Bác sĩ CKII Phạm Minh Trường khám mắt cho bệnh nhân

Cũng như những thành viên trong gia đình, tôi cảm thấy tự hào, rất vui vì được nhận giải thưởng cao quý “Anh hùng chống mù lòa” do IAPB ghi nhận. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp gửi thư, gọi điện chúc mừng, chia sẻ niềm vui này với tôi và gia đình.

Bác sĩ có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của giải thưởng này?

Giải thưởng được tổ chức IAPB tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận và vinh danh những cá nhân đã có đóng góp lớn và tạo ra những sự khác biệt thực sự trong việc khôi phục thị lực, phòng chống mù lòa. Dịp này, có 15 người trên thế giới và tôi là bác sĩ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam đang làm việc trong bệnh viện công lập được nhận giải thưởng này. Giải thưởng không đánh giá cao về giá trị vật chất nhưng có tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phòng chống mù lòa trên thế giới.

Như ông nói, giải thưởng này là vinh danh những đóng góp lớn và tạo sự khác biệt trong công tác phòng chống mù lòa. Vậy, ông có thể chia sẻ thêm những công việc, hoạt động thời gian qua mà cá nhân đã làm?

Tôi là bác sĩ từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo hoạt động trong lĩnh vực nhãn khoa ở Thừa Thiên Huế. Sau khi BV Mắt Huế thành lập vào năm 2005, tôi được tín nhiệm là giám đốc. Nhận thấy những khó khăn của đơn vị trong những ngày đầu mới thành lập và cảm nhận bà con nghèo không chỉ ở địa phương mà ở khu vực miền Trung bị bệnh tật về mắt khá lớn nên tôi rất trăn trở. Quyết tâm hành động theo trái tim mách bảo, tôi tìm hiểu, tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương, địa phương; đồng thời, mạnh dạn kết nối các tổ chức trong, ngoài nước qua hơn 10 năm nay.

Được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, như CBM (Đức), FHF (Úc) và Orbis (Hoa Kỳ), tôi đã quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế cho đơn vị. Hiện nay, Bệnh viện Mắt Huế trở thành một trong những đơn vị chuyên khoa về mắt hàng đầu của cả nước. Hàng năm, BV khám hơn 50.000 lượt, điều trị nội trú và phẫu thuật khoảng 5.000 bệnh nhân; trong đó nhiều trường hợp khó phải áp dụng kỹ thuật cao như cắt dịch, mổ bán phần sau… mà trước đây các bệnh này phải điều trị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, BV Mắt đã xây dựng được Trung tâm chăm sóc mắt thân thiện, cung cấp nhiều dịch vụ điều trị bệnh mắt trẻ em, người già với chất lượng cao.

Không chỉ thế, tôi đã xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới; xây dựng mạng lưới truyền thông chăm sóc, giáo dục bảo vệ mắt và mạng lưới hoạt động thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với các tổ chức quốc tế đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế trường học và y tế xã, huyện; huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cho trẻ em, người già; xây dựng quan hệ đối tác với các tỉnh lân cận để bệnh nhân chuyển tuyến…

Ông có lời khuyên nào với các bạn trẻ đang mong muốn tham gia vào hoạt động nhãn khoa hiện nay?

Hơn 30 năm hành nghề và nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, đến nay, tôi thấy bản thân vẫn cần phải học hỏi và nghiên cứu. Ngành nào cũng cần phải học, nhưng ngành y, càng học, càng đọc và có nhiều cơ hội giao lưu quốc tế càng thấy quá rộng lớn, kiến thức là vô hạn. So với thế hệ chúng tôi, các bạn trẻ hiện nay có nhiều điều kiện học tập và nghiên cứu. Đất nước ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, các bạn trẻ lại càng có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ thuật với nhiều nước có nền y học tiên tiến. Các bạn có vô số cơ hội tiếp xúc thầy giỏi, môi trường học tập và nghiên cứu tốt hơn rất nhiều so với trước đây, trong đó có nguồn tài liệu, sách tham khảo phục vụ cho công việc nghiên cứu.

Theo tôi, để có được thành công, bạn phải có lòng đam mê nghề nghiệp, đam mê sáng tạo, tìm tòi vượt khó. Thành công không tự đến, thành công chỉ đến với bạn khi chính bạn phải “khổ công” và nắm bắt các cơ hội diễn ra chung quanh mình..

Ông có thể chia sẻ những công việc, kế hoạch mà ông đang ấp ủ ?

Điều tôi trăn trở nhất và luôn tự thôi thúc mình là tiếp tục khôi phục thị lực cho các em và người già có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, tôi phối hợp thành lập 4 trung tâm khúc xạ chất lượng cao tại các huyện, thị xã; phối hợp Hội Người cao tuổi chăm sóc mắt cho người già. Sắp đến, hoạt động này tiếp tục phủ sóng trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung để được khám, điều trị các bệnh về mắt cho trẻ em và hình thành được mạng lưới chăm sóc mắt liên hoàn từ cộng đồng đến BV. Ngoài ra, tiếp tục kết nối với các tổ chức trong, ngoài nước đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ ở BV Mắt Huế vừa hồng vừa chuyên, đạt chuẩn quốc tế, xây dựng BV Mắt Huế phát triển lớn mạnh, có thương hiệu ở Việt Nam.

Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Minh (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam

Ngày 22/1, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Huế, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào) do Đại tá Khăm Phạ May – Xay Phu Ban, Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ nhiệm kỹ thuật làm trưởng đoàn, đến chúc Tết cổ truyền Việt Nam, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan chúc Tết cổ truyền Việt Nam
Để khách hạng sang “rút hầu bao”

Tài nguyên văn hóa, du lịch cùng những tiềm năng về du lịch là yếu tố thu hút các dòng khách hạng sang đến Việt Nam nói chung, Huế nói riêng. Thế nhưng, để những vị khách này “chi tiền” cho hoạt động du lịch, đòi hỏi phải có những dịch vụ xứng tầm cùng nhiều giải pháp khác.

Để khách hạng sang “rút hầu bao”

TIN MỚI

Return to top