|
Tặng áo quần cho trẻ sơ sinh người Lào tại Trung tâm Y tế huyện |
“Khi đi ôm cái bụng, khi về nở nụ cười”
Các Khoa Nội Tổng hợp - Nhi, Sản, Phục hồi chức năng nhận nhiều BN Lào nhất so với các khoa, phòng khác. Tại Khoa Nội Tổng hợp - Nhi, thời điểm chúng tôi đến có hai bệnh nhân (BN) người Lào lớn tuổi đang nằm viện.
Ông Quỳnh T., 64 tuổi, bản Tăng Cơ, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan bị tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản. “Đau, mệt chịu không nổi, có lúc kiệt quệ nên mới tính chuyện đi viện. Ở Sa Muội mưa to, phải nhờ mấy người trong bản chở giúp. Đi từ sáng thì trưa mới đến nơi để khám”, ông T. kể. Sau gần một tuần nằm điều trị đúng thuốc, đúng bệnh, sức khỏe ông T. ổn định hơn.
Chung phòng với ông T. là BN Hồ V. P., 66 tuổi, cùng tỉnh Salavan. “Bụng tôi đau suốt mấy ngày. Đêm đến uống nước rất nhiều lần rồi đi tiểu suốt. Sau đó người mệt mỏi, sút cân nhanh. Thấy lo quá nên gia đình chở đi tìm bác sĩ ngay. Lần đầu nằm viện được chăm sóc chu đáo, được cho ăn uống và tặng áo quần cho cả người nhà mang về. Gia đình tôi rất biết ơn”, ông P. xúc động.
BSCKI. Hồ Thanh Lễ, Khoa Nội Tổng hợp – Nhi, người trực tiếp điều trị cho hai BN người Lào chia sẻ: “Đây là những mặt bệnh nổi bật thường gặp ở người lớn tuổi. Hàng ngày, ngoài uống thuốc, chúng tôi còn truyền thông giáo dục sức khỏe và tư vấn chế độ sinh hoạt phù hợp, một số điều nên tránh đối với người mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp nhằm tránh biến chứng về sau. Khi người bệnh xuất viện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và hẹn tái khám”.
Lần thứ hai nằm viện, chị Lê T.N., 31 tuổi, bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông vừa hạ sinh một bé gái bụ bẫm. Lần mang thai trước, chị N. đã liên hệ người nhà chở đến TTYT A Lưới. “Thấy dấu hiệu gần sinh là mình gọi điện thoại cho chị gái ở A Lưới sang chở xe máy, mang theo đồ đạc nhập viện. Có đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc từ đầu đến cuối không phải lo, nhỡ đâu có vấn đề gì về sức khỏe cũng nhờ cán bộ y tế kiểm tra luôn. Cháu sinh ra được tặng áo quần mới, các cô hướng dẫn cho bú đúng cách, nuôi con bằng sữa mẹ, mình cảm ơn bệnh viện ở đây lắm. Khi đi ôm cái bụng, khi về nở cụ cười”, chị N. chia sẻ.
Chị Phan Thị Thơi, Điều dưỡng trưởng Khoa Sản TTYT A Lưới chỉ tay vào kho áo quần, đồ dùng cho trẻ sơ sinh được các nhà hảo tâm gửi đến và cho hay: “Không chỉ các bà mẹ người Lào, những sản phụ khó khăn đều được tặng đồ dùng cần thiết khi hạ sinh. Chúng tôi điều trị, chăm sóc các bà mẹ đều như nhau, không phân biệt người Lào hay người Việt Nam”.
Hỗ trợ và sẻ chia
A Lưới có đường biên giới dài hơn 81km với nước CHDCND Lào; trong đó, bản Ka Lô, Sê Sáp (Sê Kông) có gần 150 hộ, bản Cô Tài (Salavan) có hơn 70 hộ dân. Phần lớn, thôn, buôn, bản người Lào sống vùng giáp biên giới thiếu thốn nên việc hỗ trợ về mặt y tế đa số dựa vào TTYT A Lưới. Bên cạnh hệ thống y tế còn có trạm y tế dân y và quân dân y, Bệnh xá Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 thuộc Quân khu 4 cùng tham gia hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn Lào.
Theo BSCKII. Hồ Bách Thắng, Giám đốc TTYT huyện A Lưới, các mặt bệnh người Lào thường gặp là viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng, tắc ruột… Năm 2023, đơn vị tiếp nhận 371 BN, năm 2024 khám và điều trị cho hơn 400 BN người Lào. Tổng chi phí điều trị năm 2024 khoảng 400 triệu đồng, năm sau đều tăng hơn so với năm trước đó. Một người điều trị kéo theo người nhà chăm nuôi, ăn uống sinh hoạt… nên suất ăn của BN và người nhà đến từ Lào đều miễn phí.
Trong rất nhiều ca bệnh đến điều trị, cấp cứu tại TTYT huyện, BS Thắng nhớ nhất là một thanh niên sốc nhiễm trùng do vỡ ruột thừa, tình trạng nguy kịch. Nếu chuyển về cấp cứu ở BVTW Huế sẽ không kịp nên ê-kíp do BSCKII. Hồ Bách Thắng trực tiếp phẫu thuật, kịp thời cứu sống bệnh nhân. “Thi thoảng, anh thanh niên này vẫn ghé qua A Lưới chơi, thấy khỏe khoắn yêu đời lắm”, BS. Thắng nhớ lại.
Chỉ đạo về mặt chuyên môn, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trường hợp bệnh nặng, không di chuyển được, TTYT A Lưới sẽ cử xe cấp cứu liên hệ các quân y biên phòng xã đến trực tiếp nhà người bệnh xử trí và đưa đến TTYT điều trị. Nhìn chung, quân y các đồn biên phòng cùng với TTYT huyện đã phối hợp nhịp nhàng trong quy chế thực hiện hỗ trợ điều trị cho người dân nước bạn thời gian qua”.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, không chỉ cấp ngân sách điều trị miễn phí hàng năm cho TTYT huyện, dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi, lãnh đạo các cấp đều thăm, hỗ trợ, tặng quà, thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm y tế cho các làng, bản nước bạn. Dịp lễ, tết, ngày hội… các đoàn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân Khu 4 đều tổ chức các đợt thăm, khám, chữa bệnh, tặng quà cho Nhân dân các bản giáp biên giới Việt Nam, Lào”.
Những nỗ lực chính quyền các cấp thời gian qua cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa các địa phương trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng vùng biên. Không chỉ giảm bớt gánh nặng cho người dân nước bạn trong chăm sóc y tế, việc khám và điều trị miễn phí còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng giữa hai dân tộc Việt - Lào trên dải đất phía tây thành phố.
L. Tuệ