ClockThứ Bảy, 28/07/2018 07:00

Sống dậy ký ức một thời oanh liệt

TTH.VN - Được dàn dựng công phu với nhiều hoạt cảnh, chương trình truyền hình trực tiếp “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây – Đường qua A Lưới” do UBND huyện A Lưới phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế tổ chức tối 27/7, đã tái hiện lại các nhân vật lịch sử, những trận đánh ác liệt, những hy sinh và đóng góp to lớn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Mở màn chương trình, sân khấu được dàn dựng đã tái hiện sinh động cảnh núi rừng A Lưới trong thời kỳ kháng chiến. Các trận địa, hầm hào, lửa rừng… được mô phỏng công phu; bao thanh niên trai gái, nam thanh, nữ tú là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi A Lưới dũng cảm theo nhau vượt mưa bom, bão đạn gùi hàng, tải lương thực tiếp tế ra tiền tuyến. Tất cả như đang hiện hữu về đất và người A Lưới anh hùng cách đây hơn 43 năm về trước.

Tái hiện hình ảnh thanh niên A Lưới vượt mưa bom, bão đạn gùi hàng, tải lương thực tiếp tế ra tiền tuyến

“Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Đường qua A Lưới” được xây dựng trên hồi ức của nữ anh hùng LLVTND Hồ Kan Lịch thông qua các hoạt cảnh tái hiện ký ức về một thời chiến đấu khốc liệt, hào hùng, những khoảnh khắc làm nên lịch sử và cả những câu chuyện tình yêu thời chiến.

Cốt chuyện lấy hình ảnh của 3 chú cháu gia đình anh hùng Hồ Vai, Hồ Kan Lịch và Hồ A Nun làm nhân vật xuyên suốt, chương trình tái hiện hình ảnh 3 người anh hùng từ khi còn nhỏ theo cha mẹ lao động sản xuất, làm nương rẫy, đến lúc thanh niên, thành chiến sỹ du kích...

Các phân cảnh đi vào mô tả sự trọng yếu của tuyến đường 559 qua A Lưới, sự ác liệt đánh phá của địch và nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường; khai thác các câu chuyện, nhân vật, các đơn vị của Đoàn 559 và những người dân A Lưới tham gia mở đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

Điểm nhấn của chương trình là phân cảnh khắc họa di tích lịch sử Đồi A Bia tại xã Hồng Bắc - nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích với quân đội Mỹ ngày ấy. Qua đó, để tìm lại những vết tích chiến tranh một thời oanh liệt của quân và dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc anh em A Lưới nói riêng.

Già làng Cu Xết, nguyên Xã đội trưởng xã Hồng Bắc, người từng tham gia các trận đánh ác liệt ở A Lưới, đang xem chương trình bày tỏ: "Chiến tranh đã lùi xa, những những hình ảnh tái hiện này đã gợi lại ký ức hào hùng trên tuyến đường Trường Sơn năm nào". Già làng Cu Xết bồi hồi nhớ lại: "Trong thời kỳ kháng chiến, để chuẩn bị sức người, sức của chi viện kịp thời cho các chiến trường, ngay từ những năm 1966, Quân uỷ Trung ương đã chủ trương xây dựng một số hầm chứa vũ khí, quân trang, quân dụng gần tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, cụm địa đạo Động So - A Túc ra đời từ đó. Sự tồn tại của cụm địa đạo Động So - A Túc đã đảm bảo yêu cầu về vật chất kỹ thuật cho bộ đội ta trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968; đồng thời là trạm trung chuyển một khối lượng hàng hoá lớn, kịp thời cho các chiến trường miền Nam. Nơi đây gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của tuyến đường mang tên Bác, là niềm tự hào của quân và dân A Lưới anh hùng".

Hoạt cảnh tái hiện đám cưới anh hùng Kan Lịch

Được dàn dựng công phu với nhiều hoạt cảnh, chương trình còn khắc họa các câu chuyện cảm động của những người lính năm nào. Đó là hoạt cảnh đám cưới của nữ anh hùng Kan Lịch, do nhiệm vụ hành quân chiến đấu, chồng của nữ anh hùng đã không có mặt trong ngày đám cưới ấy. Anh Hồ Viết Luân, diễn viên đóng vai người chồng Kan Lịch lúc thanh niên, chia sẻ: “Qua câu chuyện mới thấy được sự hy sinh của người lính thật cao cả đến dường nào…”.

Xuyên suốt chương trình là những câu chuyện lịch sử, những chiến công oanh liệt mà thầm lặng của quân và dân ta. Đặc biệt là những người lính đã chiến đấu, hy sinh tại chiến trường A Lưới. Tất cả được kể qua những hoạt cảnh, những ca khúc ngợi ca người chiến sỹ cách mạng do các nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng thể hiện như nhạc sỹ Lê Minh Sơn, NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức… tạo cảm xúc cho người xem về một thời hoa lửa.

Những ca khúc ngợi ca người chiến sỹ cách mạng

Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây” được thực hiện như một lời tri ân sâu sắc gởi đến các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, cựu chiến binh nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh Liệt sỹ. Chương trình được thực hiện dưới dạng chương trình nghệ thuật, ở đó có những bài ca cách mạng, có những tiết mục nghệ thuật, mô tả lại quá khứ hào hùng của quân và dân đã chiến đấu trên con đường Trường Sơn qua A Lưới. Những câu chuyện được kể bằng các nhân chứng lịch sử đã đi qua khốc liệt của chiến tranh, trải qua những năm tháng gian khổ, hy sinh, ác liệt. Đó như một lời tri ân sâu sắc gởi đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, và những người còn nằm lại trên mảnh đất A Lưới này".

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

TIN MỚI

Return to top