ClockThứ Tư, 28/06/2017 13:41
Chống cháy cho kiến trúc di tích Cố đô Huế:

Phòng ngừa là yêu cầu hàng đầu

TTH - Hệ thống công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích Cố đô Huế chủ yếu được làm bằng gỗ, tuổi thọ cao lại gắn liền với những cánh rừng thông nên nguy cơ hỏa hoạn luôn thường trực. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế không thể chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Tập huấn dập lửa khi có sự cố cháy

Tình huống giả định: Tại phòng làm việc ở tầng 1 của Trung tâm BTDTCĐ Huế xảy ra cháy do hệ thống điện bị sự cố. Thời điểm cháy, do không có người và cũng không có hệ thống báo cháy tự động nên khi đám cháy phát triển, lan khói lên tầng 2 – nơi có 30 người đang tham gia một cuộc họp, thì mới được phát hiện và báo động. Mọi người nhanh chóng tìm cách thoát theo lối cầu thang bộ. Do hoảng loạn chen lấn và bị ngạt khói nên có 5 người bị mắc kẹt, không có khả năng tiếp tục di chuyển. Ngay khi có báo cháy, lực lượng PCCC cơ sở nhanh chóng có mặt để xử lý nhưng các nỗ lực đều không hiệu quả. Hậu quả, chỉ có 3 trong số 5 người mắc kẹt được đưa ra ngoài an toàn, lửa vẫn cháy lan và phải khẩn cấp gọi lực lượng chuyên nghiệp đến cứu...

Gần 200 cán bộ và người lao động thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế tham gia xử lý sự cố cháy trong đợt bồi dưỡng kỹ năng PCCC năm 2017. Với sự hỗ trợ của Cảnh sát PCCC tỉnh, các học viên còn được thực hành kỹ năng xử lý sự cố cháy ngay khi phát hiện cháy, như: cắt điện, cấp báo, tự thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, huy động lực lượng tại chỗ và lực lượng hỗ trợ; bồi dưỡng kiến thức tổ chức cứu chữa một vụ cháy, đội hình chữa cháy cơ bản, kỹ năng sử dụng của các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị tại cơ sở và sự cấp thiết và những yêu cầu khắt khe trong công tác PCCC đối với quần thể di tích Cố đô Huế.

Trong 20 năm trở lại đây, đã có 7 vụ cháy xảy ra quanh khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế, may mắn là hầu hết chỉ xảy ra ở những cánh rừng nằm trong di tích và khu vực tiếp giáp, được chữa cháy kịp thời, chưa lan đến các kiến trúc. Mặc dù vậy, tại các điểm di tích Huế, nguy cơ xảy ra cháy luôn tiềm ẩn, do nhiều nguyên nhân: phần lớn công trình đều bằng gỗ, công trường thi công trùng tu ngổn ngang dây điện và những lớp dăm gỗ dày; nhiều công trình kiến trúc nằm xen lẫn giữa các khu dân cư; hệ thống cây xanh cổ thụ có chiều cao lớn, dễ “nhận” truyền sét, khói hương…

Tăng cường khả năng đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách và các công trình kiến trúc trong khu di sản Cố đô Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Định kỳ hàng năm, hai bên trao đổi thông tin về tình hình cháy, nổ trên địa bàn; huấn luyện nhân lực, tổ chức thực tập, diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết các tình huống, các vụ việc cháy, nổ và sự cố, tai nạn xảy ra. Tăng cường khả năng phòng cháy tại các điểm di tích, một mặt Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức lắp đặt hệ thống báo phòng chống cháy, tập huấn kỹ năng sử dụng cho lực lượng tại chỗ. Mặt khác, tích cực phát dọn các đường ranh cản lửa, đường đi lại an toàn trong rừng cảnh quan, phát dọn thực bì, cảnh báo vùng cấm nguy hiểm và bố trí thiết kế các đường dẫn nước đến các khu vực rừng cảnh quan để tăng cường công tác phòng chống cháy rừng.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ, càng ngày công tác PCCC tại các điểm di tích càng được quan tâm và chấn chỉnh thường xuyên, do nhiều công trình được trùng tu đưa vào sử dụng, lượng du khách tham quan ngày một nhiều hơn. Ngoài phương án PCCC chung cho toàn đơn vị, mỗi điểm di tích đều có phương án riêng phù hợp với hiện trạng công trình, khu vực. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm PCCC không chỉ được thực hiện đối với lực lượng tại chỗ của trung tâm mà còn được đẩy mạnh tuyên truyền đối với cả du khách, người dân và các cơ quan, đơn vị trong khu vực có di tích.

“Chúng tôi đặt nhiệm vụ phòng ngừa và khả năng xử lý tình huống ngay khi mới xảy ra sự cố lên hàng đầu trong PCCC cháy. Chỉ có làm tốt công tác phòng ngừa mới đảm bảo không để xảy ra sự cố cháy. Trong trường hợp có cháy, ngay khi sự cố xảy ra, ngoài lực lượng tại chỗ được huy động tối đa còn huy động thêm lực lượng hỗ trợ ở các điểm lân cận và người dân trong khu vực. Quan trọng nhất là yêu cầu dập lửa ban đầu, không để cháy lan và giảm thiểu mọi thiệt hại”, ông Nam nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ vững an ninh trên địa bàn di tích

Là một trong những địa bàn quan trọng của thành phố Huế, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) luôn được quận Phú Xuân xem là nhiệm vụ hàng đầu để gìn giữ nét đẹp của một đô thị di sản.

Giữ vững an ninh trên địa bàn di tích
Khi nhà giáo nghiên cứu văn học nghệ thuật và kiến trúc

Trong lễ trao tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Cố đô lần thứ VII năm 2024, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) đã có đến 5 giảng viên xuất sắc giành được giải B tại các chuyên ngành văn học, văn nghệ Dân gian và kiến trúc.

Khi nhà giáo nghiên cứu văn học nghệ thuật và kiến trúc
Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng

Ngày 2/1, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa TP. Huế đã tiến hành họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và thông qua nội dung, phương án điều chỉnh hồ sơ các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng
Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

TIN MỚI

Return to top