ClockThứ Tư, 03/01/2018 12:56

Nghệ thuật Trúc chỉ vươn ra thế giới

TTH - Poster liên hoan vở tuồng cổ “San Hậu” với chất liệu Trúc chỉ vừa đoạt giải thưởng American Graphic Design Award 2017 (Giải thiết kế đồ họa Mỹ) ở hạng mục Student design (sinh viên thiết kế), đã đưa nghệ thuật Trúc chỉ đĩnh đạc bước ra thế giới.

Thưởng lãm nghệ thuật trúc chỉ ở điện Long AnCùng em trải nghiệm sáng tạo trúc chỉ

Quảng bá truyền thống

Từ đồ án tốt nghiệp thiết kế cụm poster quảng bá đêm nhạc truyền thống “Nhạc của đình”, Đặng Thị Bích Ngọc (23 tuổi), sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng vừa tốt nghiệp năm 2017, đã tìm đến nghệ thuật Trúc chỉ, sau nhiều thử nghiệm với các chất liệu khác nhưng không thành công.

Bích Ngọc đang seo giấy ở vườn Trúc chỉ

Ngọc kể: “Trước khi biết đến Trúc chỉ, em đã thử nhiều phương án khi thiết kế đồ án tốt nghiệp, như: poster dưới dạng mảng màu đồ họa, poster chất liệu màu nước nhưng chưa thể lột tả hết chất truyền thống của đề tài. Tìm một chất liệu hay kỹ thuật nào đó mang tính truyền thống để làm bật đề tài thôi thúc em khăn gói ra Huế sau khi nghe bạn bè giới thiệu về Trúc chỉ. Em đã rất mừng khi thấy Trúc chỉ là phương án tốt nhất để thể hiện đề tài mình theo đuổi. Thật tuyệt vời khi quá trình làm giấy kết thúc là sự khởi đầu cho quá trình sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật”.

Khi ấy, Ngọc chỉ còn 1 tháng để hoàn thành đồ án trong khi chưa am hiểu nhiều về Trúc chỉ. Do thời gian quá gấp, Ngọc chưa thể hài lòng với đồ án của mình do phương thức thể hiện còn nhiều khiếm khuyết. Những tấm poster đồ án của Ngọc khi đưa lên mạng xã hội được họa sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông (hiện đang ở Mỹ) chú ý, đó là cơ hội để Ngọc quay trở lại Huế tiếp tục hoàn thiện đồ án tham dự một số cuộc thi quốc tế. Bằng con mắt của người đi trước, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông hướng dẫn Ngọc nghiên cứu, chuyển hướng đề tài, triển khai tìm hiểu và tiến hành phác thảo, thể hiện bằng nghệ thuật Trúc chỉ. 

Chuyển hướng sang giới thiệu nghệ thuật tuồng, cụ thể là tác phẩm “San Hậu” - vở tuồng cổ cung đình kinh điển của Việt Nam, Ngọc vẫn giữ nguyên ý tưởng ban đầu là sử dụng nghệ thuật tiếp biến truyền thống - Trúc chỉ để thể hiện cho đề tài nghệ thuật truyền thống. Bộ poster tập trung vào biểu đạt bốn khuôn mặt nhân vật đặc trưng cho tinh thần vở diễn: Khương Linh Tá - dũng tướng, bộc trực. Tạ Ôn Đình - phản Tề, dữ dằn. Phàn Định Công - lão tướng, trung can, nghĩa khí. Phàn Diệm - con trai tướng Phàn, cổ quái, phi thường.

Sau khi đã phác thảo bố cục, màu sắc, độ đậm nhạt... cần thực hiện bằng Trúc chỉ, Ngọc quay lại vườn Trúc chỉ (số 5 Thạch Hãn, TP. Huế) học các kỹ thuật làm bột giấy, kỹ thuật xeo giấy, kỹ thuật tạo áp lực nước... Không còn những bỡ ngỡ ban đầu nhưng việc điều chỉnh áp lực nước lên bề mặt giấy để tạo nên độ dày mỏng phù hợp cho tác phẩm không hề dễ dàng. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập Trúc chỉ và các cộng sự của anh, bộ poster của Ngọc hoàn thiện trong 2 tuần và gửi đi thi quốc tế. Sự nỗ lực của Ngọc được đền đáp khi tác phẩm ấy đã đoạt giải thưởng American Graphic Design Award 2017.

Nghệ thuật tôn vinh nghệ thuật

Ngọc lý giải, tuồng là loại hình di sản của quốc gia nên bộ môn nghệ thuật này là tiếng nói thiêng liêng cần được giữ gìn và quảng bá. Bộ thiết kế nhằm tôn vinh văn hóa Việt bằng cách kết hợp một loại hình nghệ thuật truyền thống với một loại hình nghệ thuật mới được tiếp biến từ truyền thống: Nghệ thuật tuồng và Nghệ thuật Trúc chỉ. Sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật đã làm nên sự khác biệt và đặc trưng của thiết kế này.

Trong nghệ thuật tuồng, mỗi nét vẽ trên khuôn mặt đều thể hiện tính cách riêng của nhân vật, đồng thời mang đậm tính đồ họa. Hơn nữa, thiết kế poster về đề tài sân khấu luôn cần có hiệu ứng ánh sáng đặc trưng. Khai thác triệt để điều này, Ngọc dùng sắc độ của kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ/trucchigraphy để khắc họa và hiện hình phô diễn bằng hiệu ứng xuyên sáng của Trúc chỉ, tạo được hiệu ứng sân khấu.

Ngọc chia sẻ: “Là một người trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống, em chọn đề tài này với mong muốn thể hiện "chất" trẻ, làm mới nghệ thuật truyền thống để đưa nó đến với mọi người. Hiểu được ý nghĩa sơ khai ban đầu mà Trúc chỉ tạo ra, là nghệ thuật tiếp biến truyền thống nên em chọn nghệ thuật Trúc chỉ làm phương tiện chính để thể hiện đề tài, bởi giữa 2 loại hình nghệ thuật này có chung ý niệm đều là tiếp biến truyền thống và làm mới truyền thống. Chúng tôn vinh lẫn nhau, thể hiện rõ nhất tinh thần tiếp biến truyền thống trong bối cảnh đương đại của nghệ thuật truyền thống”.

Với Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, thành công của Bích Ngọc là một trong những thành tựu đánh dấu sự trưởng thành của Trúc chỉ trên con đường xây dựng giá trị của một loại hình nghệ thuật mới. Nó cũng là dấu mốc đầu tiên để Trúc chỉ bước ra thế giới bằng giải thưởng đĩnh đạc. Với giải thưởng này, những “người của Trúc chỉ” và Bích Ngọc bắt gặp nhau ở năng lượng sáng tạo khi cùng nhau giới thiệu văn hóa Việt ra với thế giới qua việc tham gia một cuộc thi sáng tạo chuyên nghiệp.

Họa sĩ Phan Hải Bằng tâm đắc: “Chúng tôi rất phấn khởi vì những dự định, ấp ủ, hoài bão xây dựng nên một loại hình nghệ thuật mới tiếp biến từ truyền thống đã có những thành tựu đầu tiên, bắt đầu những bước đi đầu tiên có thể hòa nhập với các giá trị có tính chất toàn cầu. Điều đó càng khiến chúng tôi tự tin hơn với công việc đang làm, tự tin với định hướng: Không bao giờ cắt đứt với sợi dây quá khứ mà luôn nhắc nhở nền tảng truyền thống là cốt lõi, bệ đỡ tốt nhất cho những sáng tạo mà chúng tôi đang theo đuổi”.

Graphic Design USA là tạp chí thiết kế đồ họa dành cho cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp, nằm trong top tạp chí thiết kế hàng đầu của USA, xuất bản từ 1963, có uy tín trong giới nghề nghiệp. Cuộc thi thiết kế của Tạp chí Graphic Design USA là cuộc thi nằm trong top 15 các cuộc thi thiết kế US và Bắc Mỹ. Cuộc thi do Tạp chí Graphic Design USA tổ chức lần này quy tụ gần 10.000 tác phẩm tham gia.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên (HSV) Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2025), từ ngày 9/1-18/2, HSV và Đoàn Thanh niên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025.

60 tác giả tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2025
Háo hức chờ… đếm ngược

Thời tiết đẹp, trời lạnh nhưng không mưa nên hàng ngàn người dân, du khách đã có mặt từ rất sớm để chờ đợi được hòa mình vào chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025. Sự háo hức của hàng ngàn khán giả hơn hẳn mọi năm bởi đây cũng là thời điểm họ sẽ đếm ngược đến giây phút Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương.

Háo hức chờ… đếm ngược
"Đại sư phụ" nghệ thuật nhà mồ

Người Cơ Tu tại huyện Nam Đông luôn tự hào về lớp nghệ nhân tài hoa, những người vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề điêu khắc nhà mồ. Ông Phạm Xuân Tin (thôn 4, xã Thượng Long) được xem là “đại sư phụ” của nghệ thuật này.

Đại sư phụ nghệ thuật nhà mồ
Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

TIN MỚI

Return to top