ClockThứ Năm, 06/06/2024 19:58

Khánh thành công trình tu bổ di tích Châu Hương Viên

TTH.VN - Sau hơn 1 năm tu bổ, di tích Châu Hương Viên gắn liền với cuộc đời của thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (Nguyễn Phước Ưng Bình) - người có công rất lớn trong việc phát triển ca Huế - đã chính thức khánh thành, trở thành điểm đến văn hóa, đặc biệt với những ai yêu thích nghệ thuật ca Huế.

Dâng hương kỉ niệm 62 năm ngày mất nhà thơ Ưng BìnhTrùng tu Châu Hương Viên theo hướng bảo tồn thích nghiCòn “nợ” tiền nhânTôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn

 Lãnh đạo tỉnh tham dự và cắt băng khánh thành di tích Châu Hương Viên được bảo tồn, tu bổ

Lễ khánh thành công trình bảo tồn, tu bổ di tích Châu Hương Viên tại kiệt 355 Nguyễn Sinh Cung (phường Phú Thượng, TP. Huế) được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức vào chiều 6/6.

Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và công chúng yêu bộ môn nghệ thuật ca Huế.

Châu Hương Viên là công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa, nơi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống những năm cuối đời với thi ca. Di tích này được xếp hạng di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) cấp tỉnh vào năm 2019 và giao Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý.

Sau thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng, cuối tháng 3/2023, công trình được UBND tỉnh phê duyệt bảo tồn, tu bổ.

Cụ thể, tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ di tích gốc bao gồm nhà chính, nhà phụ, bình phong. Cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước và khu vực xung quanh khuôn viên; xây dựng hệ thống cấp thoát nước; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, chống sét, nhà vệ sinh… Tổng kinh phí cho đợt tu bổ này hơn 10 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, sau khi khánh thành bảo tàng sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, biến nơi đây trở thành một địa chỉ sinh hoạt của các câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch. Điều này cũng chính là niềm mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

 Nhiều tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời của danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị được trưng bày

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc bảo tồn, tu bổ di tích góp phần cải tạo không gian cảnh quan khu vực và là dấu ấn quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh, nhất là gắn với danh nhân Ưng Bình – người có công lớn trong phát triển thơ văn, tuồng, ca Huế…

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình là tên, hiệu là Thúc Giạ Thị). Ông sinh ra tại làng Vĩ Dạ, trong một gia đình hoàng tộc, có truyền thống văn chương. Năm 1904, Ưng Bình tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, đỗ đầu kỳ thi Ký Lục; năm 1909, đỗ cử nhân Hán học và bắt đầu con đường quan lộ.

Ưng Bình được bổ làm Tri Huyện, thăng Tri Phủ, rồi lần lượt thăng Viên ngoại, Thị lang, Bố Chánh Hà Tĩnh, Tuần Phủ Phú Yên, Phủ Doãn Thừa Thiên. Năm 1932, Ưng Bình đã tích cực tham gia vận động thành lập Hội An Nam Phật học Trung Kỳ. Năm 57 tuổi (1933), ông hồi hưu, được thăng hàm Thượng Thư Tri Sự. Lúc này tuổi đã lớn nhưng Ưng Bình vẫn tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, xã hội, được cử giữ chức Hội Trưởng Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ Trung Kỳ (1939-1940), bầu làm Viện Trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1940-1945), nhằm tranh thủ quyền dân sinh dân chủ cho dân nghèo.

Năm 1943, ông được thăng Hiệp tá Đại học sĩ, lần lượt được bầu làm chủ soái Vỹ Hương Thi Xã (1933-1945) và Hương Bình Thi Xã (1951-1961) cho đến cuối đời. Ưng Bình Thúc Giạ Thị qua đời tại Châu Hương Viên và được an táng trong khuôn viên nghĩa trang của gia đình tại phường Thủy Xuân, TP. Huế.

 Các nghệ sĩ CLB Ca Huế thính phòng biểu diễn ca Huế tại không gian Châu Hương Viên

Sinh thời, ông là một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế với di sản để lại cho đời gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán. Ông còn được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba. Không chỉ là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng, Ưng Bình còn là người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Nhờ những sáng tác, những làn điệu ca Huế của ông mà sinh hoạt ca Huế của người dân xứ Huế trở nên đặc sắc và được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

Năm 1933, sau khi rời chốn quan trường ông mua lại mảnh vườn để xây dựng Châu Hương Viên, gồm các công trình ngôi nhà chính 3 gian 2 chái, với tâm nguyện xây dựng nơi đây thành nơi dưỡng già. Lúc đầu, ông cho xây dựng một ngôi nhà rường ba gian hai chái, về sau xây dựng thêm một số công trình phụ trợ. Tất cả công trình trên nằm trong một khu vườn rộng, tĩnh lặng bên bờ sông Hương với tên gọi là Châu Hương Viên (hay vườn Châu Hương). Vì nhiều lý do mà công trình này xuống cấp trong thời gian dài sau đó được bảo tồn, tu bổ lại như ngày hôm nay.

NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Huế từ hôm nay, ngày 1/1/2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt.

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Được xem là đơn vị đi đầu cả nước và là hình mẫu về công tác bảo tồn, trùng tu di tích, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đã có những chia sẻ thú vị với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về hành trình phục hồi và phát triển các giá trị di sản để góp phần đưa Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top