ClockThứ Bảy, 23/11/2019 06:45
NHÂN NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11)

Di tích chờ bảo vệ, đầu tư tôn tạo

TTH - Thừa Thiên Huế có hệ thống di tích đồ sộ trong đó, những di tích chưa được xếp hạng không được quan tâm đúng mức. Ngay cả việc đầu tư trùng tu cho các di tích đã được xếp hạng cũng còn khiêm tốn.

Châu Hương Viên & ước nguyện hồi sinh

Châu Hương Viên trong cảnh hoang phế

Xuống cấp, hoang phế 

Vốn là tư thất của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Châu Hương Viên (355 đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế) là thi đàn của “Hương Bình thi xã”, là nơi ngâm thơ, đàn ca, hát xướng của các bậc tao nhân, mặc khách năm xưa. Qua thời gian, hiện Châu Hương Viên trong cảnh hoang phế, đổ nát.

Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế, bày tỏ: “Nhìn căn nhà hoang phế, chúng tôi không khỏi xót xa. Văn nghệ sĩ chúng tôi luôn ao ước Châu Hương Viên được trùng tu, sống lại với nét văn hóa đậm hồn Huế như xưa”.

Một tin vui với những người quan tâm là vào ngày 24/10, Hội đồng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã thống nhất thông qua hồ sơ xếp hạng Châu Hương Viên là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để bảo vệ, trùng tu phục hưng công trình này.

Trước đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến thăm Châu Hương Viên và chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm có phương án trùng tu địa chỉ văn hóa này.

Câu chuyện của Châu Hương Viên không phải là duy nhất. Một nhóm kiến trúc sư trẻ từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đến Huế khảo sát, nghiên cứu những di sản kiến trúc ở Huế và vùng phụ cận (nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế) đang dần bị mai một, như: Biệt thự của Thượng thư Ưng Thông tọa lạc tại số 66 Nguyễn Sinh Cung, phường Vĩ Dạ; Miếu Đại Càn (số 115 Hùng Vương, TP. Huế); đình Giáp Thượng (thôn Vân Thê, xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy); đình phường Phú Vĩnh (đường Lịch Đợi, phường Phường Đúc)…

Sau đó, dự án nghệ thuật đa phương tiện “Về Huế” của nhóm được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Mỹ thuật Huế hồi tháng 7, là câu chuyện về những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, kiến trúc mỹ thuật bị lãng quên và hoang phế. Đây là những công trình được xây dựng bởi cộng đồng, đang trong tình trạng xuống cấp nghiệm trọng, cần được bảo tồn, trùng tu.

Kiến trúc sư Nguyễn Yến Phi, người đưa ra ý tưởng thực hiện dự án chia sẻ: Huế - một thành phố nổi tiếng với những di sản văn hoá quý báu, cũng vấp phải những khó khăn không nhỏ trong việc bảo tồn những di sản kiến trúc địa phương, cả đã và chưa được công nhận. Nhiều công trình kiến trúc địa phương như đình làng, miếu, nhà cổ hay các công trình thời Pháp thuộc bị bỏ hoang hoặc phá hủy.

Yến Phi bày tỏ băn khoăn: “Khi khảo sát, chúng tôi phải tìm tới những người già, những người quan tâm tới di sản bởi nhiều người, đặc biệt là người trẻ, cũng không còn biết tới những di sản nằm ngay trong cộng đồng của mình. Dự án là những cố gắng của nhóm kiến trúc sư, nghệ sĩ, những người bạn yêu quý Huế nhằm ghi chép lại, khơi gợi sự chú ý cũng như đối thoại trong cộng đồng nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị kiến trúc quý báu này trước khi nó bị mất đi”.

Tăng cường công nhận và bảo vệ di tích

Là vùng đất văn hóa, có hệ thống di sản đồ sộ nhưng công tác kiểm kê, đánh giá và công nhận di tích của Thừa Thiên Huế vẫn ở mức thấp so với các địa phương khác trong nước.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, có khoảng 1.000 di tích được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận (79 di tích cấp tỉnh, 87 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt).

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trước mắt, cần phải tập trung tổng kiểm kê, đánh giá phân loại hệ thống di tích, tăng cường công nhận những di tích có giá trị để pháp luật bảo hộ, đồng thời có định hướng trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Việc đầu tư tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích cấp tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. 10 năm qua, đầu tư cho công tác bảo tồn các di tích nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Chính quyền địa phương ở một số nơi coi di tích, di sản được công nhận là "gánh nặng". Công tác bảo vệ, trùng tu di tích chưa được chú trọng, nhiều nơi xem đó là trách nhiệm của ngành văn hóa.

Tại một số di tích đã được công nhận, dù đã phân cấp quản lý nhưng trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn di tích thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên môn, chính quyền địa phương với người sử dụng khai thác. Điều này dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, xây dựng trái phép, lấn chiếm hoặc bỏ mặc cho các di tích xuống cấp hư hỏng. Hàng loạt di tích đình, chùa, miếu… đang trong tình trạng như vậy.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh trăn trở: “Hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thừa Thiên Huế, trừ quần thể di tích triều Nguyễn đã vượt qua thời kỳ cứu vãn, đang được bảo tồn, phát huy ổn định, thì nhiều di tích khác có nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi cần có sự kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và đầu tư hợp lý, nhằm huy động nguồn lực xã hội, kết hợp công tư, xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong đời sống đương đại”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền: Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp

Do đầu tư xây dựng đã lâu cùng với những đợt mưa dồn dập gần đây, nhiều tuyến đường liên xã, phường và tỉnh lộ (TL) ở thị xã Phong Điền xuống cấp, hư hỏng nặng làm mất an toàn giao thông (ATGT) cho người, phương tiện lưu thông.

Phong Điền Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp
Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng

Ngày 2/1, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa TP. Huế đã tiến hành họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và thông qua nội dung, phương án điều chỉnh hồ sơ các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng
Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

TIN MỚI

Return to top