Ông Đằng mở rộng hai cánh cửa, vươn vai làm vài động tác thể dục rồi bước ra sân. Nghe ông nhất quyết về quê ở một thời gian, các con trai đã kêu người dọn dẹp sửa sang vườn nhà nội tổ từ trước tết Nguyên đán, dù hàng tháng vẫn có người trông coi quét tước. Đã hết Tết nhưng mùa xuân vẫn như mới bắt đầu. Vườn cây nhiều hoa lá phảng phất quanh nhà những mùi hương ngọt ấm hây hẩy trong gió xuân. Lộc non lấm tấm phủ một sắc hồng dâu bóng mượt đầu cành như những bàn tay xòe ra vẫy chào. Ông chợt thấy lòng dịu lại trong cái cảm giác bình yên đến lạ. Hóa ra ông đã quá vô tâm khi quên rằng lâu lắm rồi chưa lần nào về đây mà không phải vội vàng vì công việc và gia đình. Phải ở lại nghỉ ngơi để ngồi lặng yên trước tách trà thơm hương mộc, hương sói, hay dạo bước trên lối đi vương nhiều lá mục mới thư thả sống với chính mình, nghiêng vai trút bỏ những nặng oằn gánh vác đã qua chưa lâu. Ông trở vào thắp nhang đốt trầm và ngồi trầm ngâm nơi bộ bàn ghế gỗ đã lâu không được ấm hơi người. Hôm qua anh con trai cả chở ông về cùng với mớ đồ dùng cá nhân ít ỏi đựng chưa đầy chiếc va li, nhưng chỉ ngồi lại với cha một lát đã phải trở lại thành phố chuẩn bị cho chuyến du lịch cùng gia đình nhỏ.
 |
|
Sau khi bà Đằng mất, ông đã xin nghỉ hưu sớm mấy năm. Và dù có bà vú trông trẻ nhưng ông cũng dành nhiều thời gian cho các cháu nhỏ, xem như đó là một cách bù đắp khi chúng thiếu vắng bàn tay chăm bẵm của bà nội. Người già yêu cháu cũng là lẽ thường. Nói cho công bằng thì ông Đằng chưa được gọi là già. Chỉ vì nhiều lý do chung riêng níu kéo buộc ông phải chọn cách rời bỏ chốn quan trường. Thời gian ngồi trước máy tính của ông đã thu bớt lại. Ông nhọc nhằn chạy theo bước chân nghịch ngợm và tiếng khóc cười của lũ cháu nhưng xem ra vẫn không vừa ý vợ chồng các con. Một phần bởi chúng nó nuôi dạy con theo cách vẫn được gọi là hiện đại. Huống chi ngày trước gia đình ông cũng vào hạng trung lưu, quanh năm có người ăn người làm, ông đâu phải đụng tay vào việc nhà nên giờ cũng lóng ngóng vất vả. Bị kéo vào bao nhiêu công việc vặt vãnh không tên, với ông bây giờ thì mưa nắng, trăng sao và những biến chuyển diệu kỳ của thiên nhiên hầu như đã quá xa vời, có chăng chỉ dành cho những người nhàn rỗi. Trong đầu và cả bên tai ông, cứ văng vẳng những bài hát thiếu nhi ngộ nghĩnh đáng yêu. Buồn cười nhất là điều đó đã trở thành quen thuộc và khiến ông thấy dễ chịu, có lúc lại đâm ghiền. Bạn bè thi thoảng gặp lại đều bất ngờ trước một ông Đằng đã đổi thay nhiều và nhanh đến thế.
Các cháu đi nhà trẻ mẫu giáo là lúc ông có thì giờ đọc sách hoặc gặp vài bạn già ngồi cà phê, tán gẫu dăm phút chuyện cũ chuyện mới cũng đủ quên đi ít nhiều buồn vui thế sự. Chỉ đến khi người bạn tâm giao mất đột ngột, ông mới thấy hụt hẫng. Lẽ ra người đi trước phải là ông, bởi sau khi biết mình phát bệnh, án tử xem như đã treo lơ lửng trên đầu, ông xin bác sĩ không nói điều này với các con mình. Tự ông đến gặp bác sĩ và tuân theo phác đồ điều trị. Chỉ có Vũ, một đồng sự thuộc phòng ban của ông biết rõ và thường đưa ông đi bệnh viện theo lịch hẹn. Vũ là người làng, ngày ông còn đạp xe cùng Khuê đến trường những năm cuối trung học, thỉnh thoảng nó vẫn tót lên sau xe đi nhờ đến trường tiểu học. Nó thường cám ơn anh Đằng bằng những trái ổi xá lị to như cái ấm trà hái trộm từ vườn nhà Khuê. Nói gì thì cô cũng là chị họ, trách chi thằng em trai nghịch ngợm hay bày trò.
Chẳng dè sau này Vũ lên tỉnh làm việc lại vào cơ quan, vào đúng bộ phận Đằng đang làm trưởng phòng. Hai anh em còn thân thiết hơn cả ngày xưa. Tâm sự đủ thứ, chỉ riêng chuyện làng cũ thì Vũ cứ lảng tránh vu vơ. Có Vũ, ông Đằng thấy yên lòng và không hiểu sao, lúc này ông lại muốn trở về quê. Ông lấy lý do là không muốn khuấy đảo cuộc sống các con để tự trấn an. Từ những ký ức xa xôi, ông cảm nhận rất mơ hồ là chỉ có nơi ấy, ông mới thực sự được trở lại chính mình một lần cho thỏa, ít ra là trong những ngày tháng cuối đời.
***
- Chị Khuê ơi, sáng nay có đi chợ không?
Vũ vừa bước vào sân đã cao giọng gọi chủ nhà. Con chó vàng từ bụi chè tàu nhà bên cạnh tuôn sang, nhảy chồm lên sủa ỏm khiến anh quay lại cười:
- Cái thằng! Mi cũng ưa nịnh hàng xóm hả?
Chị Khuê nách lưng thúng nếp từ hiên bếp bước ra:
- Cả người cả chó, làm cái chi mà náo loạn nhà tui lên rứa?
Nắng sớm hắt xiên nhuộm vàng một bên mái tóc còn óng mượt của người chị đã chông chênh ở ngưỡng xế chiều. Vũ nhìn chị mình bằng ánh mắt tươi vui pha chút ái ngại. Dễ chừng cũng hơn ba chục năm nay người phụ nữ đơn độc này chỉ về làng mỗi năm hai lần, tháng Chạp đến ra Giêng và tháng Tám âm lịch. Bởi đó là những ngày hương khói kỵ giỗ cho ông bà và thân sinh.
Vũ ngồi bệt xuống thềm nhà, lùa từng vốc gạo nếp vào mấy cái túi bóng. Những hạt nếp mơn man dưới bàn tay một cảm giác mìn mịn, êm êm. Mùi hương nhẹ của loại nếp thơm dẫn anh về một không gian, và cả thời gian của những ngày thơ bé. Những đêm sân nhà chị Khuê rộn ràng chuẩn bị cúng giỗ, mấy o mấy thím đến tíu tít sàng sảy, giã quết, chuyện trò đến khuya. Ba mẹ chị mất sớm nhưng lại là con trưởng, nên chị được bà nội nuôi nấng chăm bẵm cho ăn học tử tế. Các o và chú thím cũng cưng quý cô cháu gái nên không để chị vất vả từ việc bếp núc đến ruộng trưa. Thấy chị và anh Đằng cùng lớn lên và học hành thân thiết với nhau, Vũ đã thầm mong chị có một chỗ dựa ấm áp sau khi bà nội mất. Nhưng chị Khuê đã sớm nhận ra sự khập khiễng giữa hai gia đình, mà đúng ra thì chị lúc đó đâu còn có gia đình. Cho nên mọi chuyện đã không có sự bắt đầu. Sau mấy năm đi học và đi làm xa, lần đầu tiên chị về ở lại ăn Tết lâu nhất cũng đúng vào dịp nhà anh Đằng có đại hỷ. Rằm tháng Giêng năm đó, hai chị em ngồi ngắm trăng trước hiên nhà. Vũ đã đủ lớn để hiểu được những lặng yên đầy gió bão trong lòng chị...
***
Từ chiều đến xâm xẩm tối, ông Đằng thấy người mệt đi từng chặp. Chị Ngọ, người giúp ông cơm nước và đôi ba chút việc nhà đã về từ lúc trăng chưa mọc. Ông định nhờ chị ở lại chốc lát nhưng Vũ đã gọi điện nói sẽ đến, nên ông cũng thôi, yên tâm ngồi bên chiếc bàn con nhìn ra cửa sổ. Khu vườn đang chìm trong chút ánh sáng yếu ớt của chạng vạng và những bóng cây ngả màu tối như muốn lặn vào khoảnh khắc ảm đạm của một hoàng hôn muộn màng, hiu hắt.
Nhưng chỉ một lúc, trăng đã lên từ phía hàng cau trước ngõ, tròn đầy rực rỡ. Trời không mây nhưng không gian bàng bạc như sương khiến ông có cảm giác thân mình đang nhẹ hẫng và bay lên, bay lên mãi...
- Anh Đằng! Anh Đằng ơi!
Ông mở choàng mắt, cảm nhận bàn tay ai đang chạm hờ trên mặt mình. Và tiếng gọi trong vút như tiếng hát lanh lảnh sau hàng chè tàu ngày nào. Ánh trăng phủ tràn qua song cửa, sáng ngời trên khuôn mặt thanh tú, chập chờn trước mắt ông.
- Anh ngủ mơ thấy gì mà cười nhiều vậy?
Vũ đến ôm vai ông nói tiếp, nhỏ giọng hơn:
- Có gì không ổn à? Cần em gọi bác sĩ không?
Ông Đằng dụi mắt nhìn quanh. Rõ ràng ông vừa nghe thấy, và cả nhìn thấy. Chẳng lẽ là ảo giác?
Vũ đỡ ông ngồi ngay ngắn, rót cho ông tách nước ấm rồi bước ra hiên. Ông đưa mắt nhìn theo và một lần nữa lại dụi mắt. Trong ánh trăng Nguyên tiêu sáng bạc hòa quyện đất trời làm một, ông thấy rõ ràng một ánh mắt đang nhìn về phía mình. Vũ cười rổn rảng:
- Em xin lỗi đã mời khách đến mà chưa hỏi anh.
Ông Đằng đứng dậy, như không hề có những cơn mệt vớ vẩn lúc chiều, bước tới đưa tay ra trước:
- Khuê!...
Chị ngồi xuống chiếc ghế đối diện, vẫn không nói gì. Như mấy mươi năm xưa đã chưa nói gì. Chỉ có ánh trăng là nói giúp họ những gì cần nói lúc này.
Vũ lại là người hồi hộp nhất. Anh lấp liếm sự hồi hộp đó bằng chút lo lắng:
- Lúc nãy nếu hai chị em không đến kịp e là không hay rồi. O Ngọ chỉ đến giúp ban ngày, còn đêm hôm thì biết làm sao. Em nghĩ là chúng ta phải sắp xếp lại...
Và anh bước xuống sân đi dạo trong vườn trăng. Đêm Nguyên tiêu ở làng lâng lâng hương vườn, và chan hòa trong không gian tĩnh lặng đó là âm thanh của muôn loài đang rộn ràng gọi tiếng yêu thương.