ClockThứ Năm, 20/04/2023 15:44

Phát triển văn hóa đọc giữa thời đại số

TTH - Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 – năm 2023 sẽ chính thức khai mạc ngày 21/4 tại Quốc Tử Giám (TP. Huế) với rất nhiều hoạt động dành cho giới làm sách, người đọc sách và những ai đang nỗ lực khuyến đọc.

Chia sẻ niềm vui sưu tầm sách báo cho 300 học sinh Sách là động lực sống Trường THPT chuyên Quốc Học đạt giải nhất hội thi “Chia sẻ cuốn sách hay”

Câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc trước thời đại số như hiện nay luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Báo Thừa Thiên Huế ghi nhận ý kiến từ nhiều phía liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc và truyền cảm hứng đọc.

leftcenterrightdel
 Nhiều bạn trẻ tìm chọn cho mình những cuốn sách hay tại một hội sách từng diễn ra ở TP. Huế

Ông Nguyễn Quang Thạch (Người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn”): Tiếp tục nghiên cứu mô hình khuyến đọc

Xã hội chúng ta lại tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc thúc đẩy văn hóa đọc bởi game trực tuyến, tiktok, phim ảnh trên youtube phát triển ngày càng mạnh. Hình ảnh dễ thấy là học sinh, sinh viên cúi mặt vào điện thoại thông minh từ thành thị đến nông thôn. Trong khi đó, cấu trúc giáo dục chúng ta vẫn chưa thay đổi theo hướng danh mục sách học sinh phải đọc.

Bởi vậy, bên cạnh nối kết nguồn sách giúp các cá nhân làm tủ sách phục vụ cộng đồng, tủ sách đến lớp học, tủ sách đến giáo xứ, nhà chùa… để sách đến tay người đọc nhiều hơn, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu tạo mô hình khuyến đọc. Từ tháng 3/2022 đến nay, chúng tôi nối kết đưa sách đến lớp học 52 trường mầm non thuộc 12 tỉnh. Vận động trường học giúp trẻ mầm non được nghe sách hàng ngày như người Mỹ, Tây Âu... đã làm trong một trăm năm qua là việc chúng tôi làm từ năm 2014 đến nay.

Tôi vừa chia sẻ ý tưởng đưa 550 đầu sách của Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Do Thái, Ấn Độ đến từng lớp học từ mầm non đến cấp 3. Tôi đã tính toán, nếu đưa cho tất cả các trường học trên cả nước thì sẽ hết khoảng 4,6 triệu bản. Tôi cũng đã làm việc với một vài nhà sách, một cuốn sách khoảng 35.000 đồng là họ làm được, cộng với 15% tiền lợi nhuận, như vậy một cuốn sách sẽ có giá khoảng 40.000 đồng. Nhiều người tôi tiếp xúc đã sẵn sàng làm việc này. Hy vọng, việc này sẽ tiếp tục lan tỏa, khuyến khích sự đọc trong xã hội.

Chị Phan Bảo Hòa (Chủ không gian Hải Hạc Book): Nhu cầu đọc vẫn nhiều, nhưng thiếu không gian cho sách

Ở góc độ là người mê đọc, có thời gian làm truyền thông sách trước khi đến với việc kinh doanh sách, mình nhận thấy mọi người vẫn có nhu cầu đọc thậm chí nhiều nữa là khác. Vấn đề ở đây tại sao họ có nhu cầu, nhưng số người tìm tới sách giấy hiện nay chưa nhiều.

Quan sát ở nhiều độ tuổi mình thấy rằng, có người tìm đến sách vì yêu thích, có người để giải trí và có người vì nhu cầu khác. Với trẻ dưới 10 tuổi là lứa tuổi rất yêu thích sách nếu như có môi trường. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chúng ta đã thiếu môi trường cho sách. Ở đây mình muốn nhấn mạnh tới việc tổ chức không gian có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc mà hiện nay hầu như nhiều nơi ít để ý.

Ngoài ra, điều mình cũng trăn trở đó là không gian cho sách quá ít khi mà ra đường vẫn còn quá ít hiệu sách, hoặc có hiệu sách nhưng bán văn phòng phẩm là chủ yếu. Vì thế, mình hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa chính sách để hỗ trợ những đơn vị kinh doanh sách nhỏ đến lớn, có nhiều hơn nữa không gian sách, để sách đến được với nhiều người.

Bà Hoàng Thị Kim Oanh (Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh): Ứng dụng công nghệ thúc đẩy văn hóa đọc

Để phát huy và thúc đẩy văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số như hiện nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết còn định hướng bổ sung nguồn tài nguyên thông tin số để phục vụ bạn đọc.

Trong đó, công tác xử lý biên mục các tài liệu được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ các công đoạn xử lý tài liệu trên phần mềm quản lý thư viện điện tử như tra cứu và tìm sách trực tuyến, dịch vụ khai thác tài liệu sách điện tử, đăng ký và cấp thẻ trực tuyến. Thư viện cũng đã ứng dụng những công cụ hữu hiệu và tiện ích hay trên không gian mạng để đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, truyền thông về thư viện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và sự cần thiết của việc đọc sách.

Cùng với đó, đổi mới, cải tạo không gian, cơ sở vật chất tại các phòng đọc, kho sách, tài liệu để tạo thuận lợi cho bạn đọc học tập, nghiên cứu. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, cuộc thi liên quan đến sách và văn hóa đọc, hỗ trợ hệ thống thư viện địa phương, vận động mở rộng các tủ sách cơ sở để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang: Văn hóa đọc là sự tự thân, tự giác

Chúng ta cần xác định rằng văn hóa đọc bao gồm nhiều hành vi, như: đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện, bên cạnh đó là hoạt động xuất bản, in ấn... Nhưng cốt yếu nhất vẫn là hành vi đọc sách. Những năm gần đây, việc cổ súy, phát triển văn hóa đọc được chú trọng, được các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, định hướng chính sách, phong trào, sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội và sự tham gia của mỗi cá nhân. Nhưng như đã nói ở trên, đọc sách hướng đến mỗi cá nhân hội tụ đầy đủ thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc thì lúc đó văn hóa đọc mới phát huy giá trị của nó. Đọc sách chính là cách để xây dựng xã hội học tập một cách bền vững nhất.

Tôi nhận thấy rằng, chúng ta đã quan tâm nhiều đến văn hóa đọc, cụ thể hóa bằng chính sách, các hoạt động, chương trình kích thích, cổ súy văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc, tiến tới hình thành văn hóa đọc trong xã hội. Chúng ta đã có Ngày sách Việt Nam 21/4 hằng năm, chưa kể đến nhiều hoạt động khác của các cá nhân, tổ chức. Và cần ý thức rằng văn hóa đọc là sự tự thân, tự giác, nó gắn với ý thức trách nhiệm, cầu tiến của mỗi cá nhân, thay vì là hoạt động phong trào, đến hẹn lại lên rồi sau đó chìm vào với những tất bật, lo toan.

Do đó, muốn thúc đẩy văn hóa đọc phải đến từ việc giáo dục văn hóa đọc. Giáo dục văn hóa đọc cũng như giáo dục con người phải gắn với gia đình, nhà trường, xã hội, định hình từ thời thơ ấu đến trưởng thành. Vì thế, cần phải có một chiến lược giáo dục văn hóa đọc sâu rộng, phổ biến hơn nữa, làm sao để mỗi người dân hiểu được giá trị của văn hóa đọc như một phẩm chất, một yếu tố kiến tạo tri thức, nhân cách và làm hưng khởi quốc gia. Đồng thời, phá bỏ những thành kiến không đáng có về văn hóa đọc, tăng cường sự hấp dẫn của sách, làm giảm những tương tác khác với các hình thức lấp đầy thời gian nhàn rỗi như lướt điện thoại, internet, mạng xã hội, chơi game… Đó không phải là việc đơn giản. Thế nên, cần cả sự quyết tâm của chính quyền, cộng đồng xã hội, trường học, gia đình và những cá nhân tâm huyết dành nhiều thời gian, hoạt động để cổ súy, xây dựng văn hóa đọc ngay từ bây giờ và mãi về sau.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top