ClockThứ Bảy, 25/01/2025 06:20

Ngày xuân còn phải có cuốn sách tết!

TTH - Cùng với bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai, đặc sản của Tết Việt, sau này còn có thêm báo xuân và… sách tết. Báo xuân cũng đã quen, nhưng sách tết thì vẫn khá lạ, dù nó đã ra đời từ gần 100 năm trước.

Ngày xuân, thăm Vọng CảnhNgày xuân xem võ cổ truyềnNgày xuân nhớ khúc Nam Cầm

Chính xác là 97 năm trước, vào mùa xuân Mậu Thìn 1928, giới đam mê sách cả nước ngỡ ngàng khi cầm trên tay cuốn sách rất lạ lẫm: Sách Xem Tết, do Tân Dân Thư Quán, một nhà sách lớn ở Hà Nội, ấn hành.

Cuốn sách tết đầu tiên do Tân Dân Thư Quán ấn hành. Ảnh: Tư liệu 

Cuốn sách tết đầu tiên

Cuốn “Sách Xem Tết” ấy hiện vẫn còn lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam. Qua đường dẫn trực tuyến, tôi đã xem được cuốn sách thú vị đó, trong bộ sưu tập sách Đông Dương của thư viện này. Cuốn sách được ấn hành với khổ sách thông thường, dày 84 trang (tính cả bốn trang bìa), in hai màu (mực đen và bìa hồng), toàn chữ; trong 7 trang quảng cáo thì mới có hình vẽ minh họa khá đẹp. Nội dung chủ yếu là: thơ, văn, tiểu phẩm hài; là sách đọc tết nên nội dung toàn nói chuyện xuân, chuyện tết và chuyện vui cười.

“Chỉ biết rằng bài văn mừng xuân trong quyển “Sách Xem Tết” này chẳng giống bài văn năm nào cả, vì mấy nghìn năm nay duy đến xuân này mới có “Sách Xem Tết” lần thứ nhất”. Đó là lời của Tân Dân Thư Quán trong bài mở đầu sách có nhan đề “Mừng xuân”. Như vậy, đây chính là cuốn “Sách tết” đầu tiên, mở đường cho một loại ấn phẩm đặc sắc trong lịch sử xuất bản của nước nhà.

Cuốn sách tết đầu tiên bán khá chạy, chưa in xong mà đã có nhiều người gửi thư xin mua - theo Tân Dân Thư Quán cho biết. Sang năm sau Kỷ Tỵ 1929, “Sách Xem Tết” tăng lên 100 trang, hình thức trang nhã và nội dung phong phú hơn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hoài Nam, “Sách Xem Tết” của Tân Dân ra được ba cái tết (1928 - 1930) thì đột nhiên vắng bóng trong hai năm liên tiếp 1931 - 1932. Vì bạn đọc “nhớ mong nhắc nhỏm, thúc giục bảo in ra, khiến cho Tân Dân xiết bao cảm kích” nên phải tái xuất vào Tết Quý Dậu 1933. Lúc này, Tân Dân Thư Quán đã trở thành Nhà xuất bản (NXB) Tân Dân lớn hàng đầu quốc gia. Bài vở cho sách tết Tân Dân là những cây bút hài hước nổi danh bấy giờ. Và tay “bỉnh bút” (người cầm bút viết văn, viết báo) cự phách viết đủ loại bài, quán xuyến toàn bộ cuốn sách vẫn là ông chủ Tân Dân Thư Quán - kịch tác gia Vũ Đình Long.

Cuốn sách tết thứ hai do Nam Ký Thư Quán ấn hành. Ảnh: Tư liệu 

Sách tết nở như hoa xuân

Sau cuộc “mở hàng mát tay” của nhà Tân Dân, sách tết trở thành món hàng tết bán chạy, nên các thư quán (nhà sách), thư xã (nhà xuất bản) trong cả nước đua nhau làm. Nhanh tay nhất là Nam Ký Thư Quán, một nhà sách ở Hà Nội, ngay cái tết năm sau (Kỷ Tỵ 1929) đã có ngay món hàng tết “Sách Chơi Xuân”. Anh làm “Sách Xem Tết” thì tôi làm “Sách Chơi Xuân”, cùng một loại hàng mà hai món hàng khác nhau nên thiên hạ đã mua sách của nhà Tân Dân rồi cũng muốn mua thêm cuốn của nhà Nam Ký. Thậm chí, “Sách Chơi Xuân” Kỷ Tỵ 1929 của Nam Ký còn tái bản đến hai lần.

Từ hai nhà Tân Dân và Nam Ký mở đường, sách tết nở rộ như hoa xuân trên cả nước, suốt những năm từ 1930 – 1945. Đây cũng là thời kỳ mà văn chương Việt Nam ra đời tổ chức Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ Mới - những trào lưu cách tân văn chương nằm trong cuộc cách mạng duy tân văn hóa nước nhà.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hoài Nam và của giới chơi sách, có thể thấy cả vườn hoa sách tết nở rộ trên khắp ba miền, nhiều nhất là Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Bắc Kỳ ngoài sách tết của Tân Dân và Nam Ký, còn có: Sách mùa xuân xem tết Quý Dậu 1933 của Nhật Nam thư xã (Hà Nội); Sách tết Đời Nay 1941 của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Sách tết vui cười 1942 của Huỳnh Văn Tài; Sách tết Nhâm Ngọ 1942 - Một Trời Xuân của NXB Lê Cường (Hà Nội), Sách tết Nắng Xuân năm 1942 của NXB Minh Cường, Thơ Văn Mùa Xuân của NXB Đại La in năm 1943…

Nam Kỳ có: Sách coi Tết Canh Ngọ 1931 (Sài Gòn); Sách Xem Tết Chào Xuân Quý Dậu 1933 của Tùng Khanh - nhà in Cao Bình (Chợ Lớn); Sách Xuân Đinh Sửu 1937 nhà in Mekong (Sa Đéc); Sách Tết Nam Kỳ Nhâm Ngọ 1942 của Trần Kim Chi… Trung Kỳ vốn im ắng cũng tham gia chợ sách tết, với: Sách Chơi Xuân Đinh Sửu 1937 Nắng xuân in tại Quy Nhơn của Nguyễn Trọng Trí (Hàn Mặc tử); Ngày Xuân Đinh Sửu 1937 của Thái Lai tùng thư (Thanh Hóa)…

Sau năm 1945, sách tết thoái trào. Cuốn sách tết cuối cùng, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hoài Nam, “có lẽ là Sách Xuân Mậu Tuất của NXB Xây Dựng in vào năm 1958”. Tuy nhiên, chúng tôi có tìm thấy cuốn sách “Bé mừng tết mới” Xuân Kỷ Hợi 1959 của NXB Kim Đồng với tranh bìa con heo bay rất ngộ nghễnh. Giới sưu tập sách chưa tìm thấy thêm cuốn sách tết nào từ sau thời điểm này.

 Sách tết đang hồi sinh

Sách tết đã tái sinh

Hơn nửa thế kỷ vắng bóng, khiến người ta quên rằng từng có cuốn sách tết trên giá sách của người Việt một thời. Cho đến 60 năm sau, Công ty Đông A và NXB Văn học đã tái sinh bằng cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019. Cũng như Sách Đọc Tết hồi năm 1929, cuốn sách tết tái sinh này được người yêu sách cả nước đón nhận như một món hàng tết lạ lẫm và độc đáo.

 “Xuất phát từ mong muốn nối dài truyền thống làm sách tết chưa xa nhưng đã có một thời kỳ gián đoạn, cuốn sách tết này sẽ tái hiện lại không khí của ngày Tết trong quá khứ và hiện tại, ở các miền đất nước trên đất liền và nơi biển xa, qua hoài niệm và trong những cảm xúc tươi mới của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đương đại. Các họa sĩ vẽ minh họa và trình bày Bắc Trung Nam với nhiều cách thể hiện khác nhau cũng góp sức để cố gắng làm sống lại một không khí sách xưa”. Đó là lời mở đầu Sách Tết Kỷ Hợi 2019 và cuốn sách đã thực hiện được điều mong mỏi đó. Công ty Đông A đã ra đều đặn sách tết hàng năm. Đến nay, bộ sưu tập sách tết của Đông A đã lên đến 7 cuốn.

Hình thức nền nã, đẹp rực rỡ như vườn hoa xuân ba miền, nội dung đậm đà phong vị Tết Việt, có thể nói sách tết của Đông A vẫn nổi bật nhất trên tủ sách tết hiện nay. Sau khi Đông A mở đường trở lại cho sách tết, các NXB và công ty sách đã nhập cuộc rộn ràng làm hàng tết, như: NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ Việt Nam, Thái Hà Books, Công ty văn hóa truyền thông Sống, Cánh Cam Books, Mai Hà Books, Tri thức trẻ Books, Công ty Đinh Tị, Lion Books… Tết năm nay, hàng sách tết có thêm Mùa Mới - sách tết của NXB Hội nhà văn, bộ sách “Tết trong tim mình - Xin chào Tết ơi!” của NXB Hà Nội.

Theo nhận định của giới xuất bản và phát hành, sách tết đang có dấu hiệu chững lại, vì một số khó khăn, nhưng cái khó nhất vẫn là do số người đọc sách chưa nhiều, nên người mua sách còn ít. Sao vậy nhỉ? Sao người mình có thể bỏ ra vài triệu để mua chai rượu, vài chục triệu để sắm một cái tết, mà lại ngại bỏ ra vài trăm ngàn đồng để mua một cuốn sách tết rực rỡ hoa lá, đậm đà phong vị!?

Sách tết Huế có không?

Tôi đã đặt câu hỏi đó với giới chơi sách, giới nghiên cứu, và thông tin vẫn chưa rõ ràng. Lục tìm trong kho tư liệu thì thấy bìa của hai cuốn, nhiều khả năng là sách tết của Huế. Đó là cuốn Vì Xuân của NXB Librairie de la capitale (Kinh đô thư quán), in tại nhà in Tiếng Dân, bìa không ghi rõ xuân năm nào. NXB Librairie de la capitale có địa chỉ tại 80 đường Gia Long (tức đường Phan Đăng Lưu bây giờ). Cuốn sách “Những nét đan thanh” thuộc Ngân Sơn tùng thư do nhà in Đắc Lập xuất bản. Cũng không ghi rõ sách tết hay mùa xuân nào, nhưng tranh bìa (của họa sĩ Phi Hùng) có cành hoa mai và bình bút cùng cuộn giấy thấy rõ hình ảnh của mùa xuân. Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và hẹn bạn đọc một dịp khác sẽ trình bày tỏ tường hơn.

 

Minh Tự
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Tết ở Grand Prairie

Lễ hội đón Tết cổ truyền của người Việt đã làm sáng bừng Asia Times Square tại Grand Prairie (Texas) vào các ngày cuối tuần từ 17/1 đến ngày 2/2. Sự kiện hàng năm này đã thu hút hàng nghìn du khách, cùng nhau chào đón năm mới Ất Tỵ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất cờ hoa.

Tết ở Grand Prairie
Cùng người nghèo đón Tết an vui

Những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, MTTQ các cấp trên toàn TP. Huế lại tất bật với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm lo Tết cho hộ nghèo và các đối tượng xã hội thuộc diện khó khăn.

Cùng người nghèo đón Tết an vui
Quận Thuận Hóa, huyện Phú Lộc tổ chức gặp mặt, chúc Tết Ất Tỵ 2025

Chiều 23/1, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Thuận Hóa tổ chức gặp mặt chúc Tết cán bộ chủ chốt là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Quận ủy viên, đại biểu HĐND Quận, đại diện các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp cùng lãnh đạo các phường, trường học… trực thuộc nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng và đón Xuân Ất Tỵ 2025.

Quận Thuận Hóa, huyện Phú Lộc tổ chức gặp mặt, chúc Tết Ất Tỵ 2025
Chợ Tết

Thời buổi trung tâm thương mại, siêu thị mini mọc khắp nơi và tiện ích số len lỏi sâu vào mọi ngõ ngách, việc sắm sửa Tết của mỗi gia đình đã vô cùng tiện lợi. Nhưng, không gian chợ Tết vẫn là một điều gì đó vô cùng hấp dẫn đối với những tín đồ hoài cổ - những người luôn nhớ về những mùa Tết xưa cũ gắn với mẹ, với bà và với những tháng năm còn lắm nhọc nhằn.

Chợ Tết

TIN MỚI

Return to top