ClockChủ Nhật, 05/01/2025 07:04

Động lực mới cho di sản Huế

TTH - Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Kinh đô văn hóa sáng tạo Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

 Biểu diễn Nhã nhạc cung đình phục vụ du lịch

Kết nối quá khứ và tương lai

Với lợi thế là một vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, Huế sở hữu kho tàng di sản UNESCO đặc biệt phong phú và đa dạng, tạo nên một lợi thế độc nhất trong việc phát triển đa ngành. Với 8 di sản thế giới được UNESCO vinh danh; trong đó, có 6 di sản của riêng mình, Huế nắm giữ vị thế đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế Hoàng Việt Trung, lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc, là hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh… “Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác”, ông Trung nói. Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.

Trên cơ sở đó, kinh tế di sản (Heritage Economy) tại Huế không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ các giá trị văn hóa, kiến trúc, và cảnh quan đặc trưng, mà còn hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên các di sản, thúc đẩy du lịch di sản, tạo nguồn thu bền vững để tái đầu tư cho bảo tồn và sáng tạo giá trị kinh tế mới từ những nét đẹp truyền thống.

Tại diễn đàn quốc tế “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại Huế” mới đây, Chủ tịch viện Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc - AURI, TS. Reigh Young Bum cho rằng, để bảo tồn di sản văn hóa quý giá của Huế, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế địa phương, cần sự tiếp cận một cách sáng tạo đó là kết hợp của kinh tế xanh và công nghệ thông tin.

Tổ hợp bảo tàng: “Mỏ vàng” cho kinh tế văn hóa

Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản văn hóa làm nền tảng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, giải pháp chiến lược, theo các chuyên gia, đó là kết hợp giữa kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số.

“Huế nên thành lập một tổ hợp bảo tàng kết hợp trung tâm thương mại và không gian sáng tạo”, ông Reigh Young Bum đề xuất. Nó không đơn thuần là nơi trưng bày các hiện vật lịch sử mà còn trở thành không gian sống động, tái hiện thời gian và lịch sử thông qua công nghệ và trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, bảo tàng có tầm quan trọng lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phố. Như London - một trong những thành phố văn hóa hàng đầu thế giới, đã thành công nhờ sở hữu 250 nhà hát và 25 bảo tàng miễn phí hàng đầu, thu hút tới 20 triệu khách quốc tế mỗi năm. Đây là bài học quý mà Huế có thể tham khảo.

Vì vậy, theo Chủ tịch AURI, một hệ sinh thái văn hóa toàn diện không chỉ thúc đẩy du lịch lịch sử mà còn tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động sáng tạo. Đây chính là cách để Huế tích lũy vốn xã hội, tạo ra một không gian mà mọi người có thể làm việc, sáng tạo và kết nối.

Nhìn ra thế giới, các thành phố như Paris, New York, London không chỉ nổi bật nhờ di sản, mà còn biết cách “kích hoạt” những giá trị đó qua sáng tạo và công nghệ. Trong đó, Paris nổi tiếng với các bảo tàng sống động như Louvre, với việc sử dụng công nghệ tương tác giúp du khách hiểu sâu hơn về tác phẩm nghệ thuật. Hay Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại New York, là điển hình ứng dụng công nghệ AR, tạo trải nghiệm đặc biệt thu hút du khách mọi lứa tuổi. Hoặc London, với các bảo tàng miễn phí như British Museum đã tạo dựng hình ảnh một thành phố văn hóa và thân thiện, đồng thời thúc đẩy doanh thu từ các dịch vụ đi kèm như quà lưu niệm, ẩm thực. “Huế hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng những mô hình này, đồng thời kết hợp với đặc thù văn hóa Việt Nam để tạo ra sự khác biệt”, TS. Reigh Young Bum hiến kế.

Sức hút cho du lịch

Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản còn tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo. Những sáng kiến này không chỉ bảo tồn giá trị di sản mà còn mang đến sức hút mới cho du lịch.

Theo ông Hoàng Việt Trung, các mô hình để phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số có thể dựa trên 5 trụ cột mà Huế đang sở hữu, bao gồm: Phát triển không gian di sản y học của Thái Y Viện (với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phục vụ du khách cùng các sản phẩm đi kèm); Khai thác hệ thống thủy đạo Kinh thành (tổ chức các tour du lịch sinh thái trên sông, kết hợp tái hiện lịch sử, có thể tăng sức hút cho Huế); Khai thác không gian Thượng thành (để hình thành các tour du lịch trải nghiệm); Tăng cường giáo dục di sản và tổ chức festival văn hóa cùng các festival chuyên đề (về nhã nhạc, võ thuật, lễ hội cung đình... ); ứng dụng công nghệ số và bảo tàng số trên nền di sản (tái hiện các công trình đã mất hoặc nghi lễ cung đình mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách và tạo ra doanh thu từ vé tham quan trực tuyến). Ngoài ra, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2025 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Huế khai thác hiệu quả hơn nữa kho tàng di sản văn hóa hiện có.

Cố đô Huế không chỉ là “bảo tàng sống” của văn hóa Việt, mà còn có tiềm năng trở thành trung tâm sáng tạo và kết nối quốc tế. “Với sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kinh tế di sản sẽ là cánh cửa mở ra một tương lai mới cho Huế: Hiện đại, năng động, nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” của vùng đất Cố đô.

Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn văn hóa Huế

Văn hóa Huế tuy chỉ là một đường vân, một mảng màu, một góc riêng trong bức tranh đa sắc của văn hóa Việt Nam nhưng cũng sống động, lộng lẫy, bao la và đằm sâu. Tự biết sức mình nên tôi chỉ chọn những gì cụ thể, mắt thấy tai nghe về văn hóa Huế, những nét riêng có và dĩ nhiên Đẹp của người Huế viết ra đây để chúng ta có thể tự hào.

Giữ gìn văn hóa Huế
Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế

Tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 và trước thời điểm Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, báo chí đã thông tin nhiều sự kiện tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế, trong đó có buổi ra mắt cuốn sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) – một góc nhìn” (100 năm văn học Huế) tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao 23-25 Lê Lợi – ngôi biệt thự đẹp nhất bên sông Hương có từ trước 1945.

Thêm một công trình khẳng định giá trị văn hóa Huế
Động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Năm 2024, với chủ đề “Đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, chủ động, sáng tạo”, phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh phát triển toàn diện, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả thiết thực, vững chắc; tạo động lực to lớn, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh...

Động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Động lực từ “ngôi nhà” Nhân Đạo

Tập trung phát triển sản xuất song song với đẩy mạnh công tác nâng cao tay nghề cho người lao động, Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nhân Đạo trực thuộc Hội Người mù (HNM) TP. Huế (gọi tắt là HTX Nhân Đạo) đã duy trì hoạt động hiệu quả, từ đó tạo sinh kế bền vững cho nhiều hội viên khiếm thị.

Động lực từ “ngôi nhà” Nhân Đạo
Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

TIN MỚI

Return to top