Thể thao

“Tham vọng” của Jujitsu

ClockChủ Nhật, 20/04/2025 13:57
HNN - Không phải bộ môn trọng điểm, nhưng môn võ Jujitsu đang cho thấy tiềm năng của mình khi đạt được một số thành tích nhất định ở đấu trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để bộ môn này đặt tham vọng trong việc cạnh tranh 1 suất dự SEA Games 33 cuối năm nay.

Jujitsu Thừa Thiên Huế mơ cùng Hoài ThươngVĐV Jujitsu của Huế giành 4 chiến thắng quan trọng tại Giải Jujitsu vô địch và vô địch trẻ châu Á năm 2024

 Một buổi tập luyện của Jujitsu Huế. Ảnh: Chu Tuấn

Trưởng thành từ phong trào

“Sinh sau đẻ muộn”, lại hoạt động theo dạng phong trào nên hành trình của Jujitsu Huế thời điểm mới ra mắt (năm 2016) khá chật vật và đối diện với không ít hoài nghi.

Lý do, nếu như các bộ môn khác hoạt động chuyên nghiệp, đào tạo VĐV theo 3 tuyến: năng khiếu, trẻ và đỉnh cao bài bản, thì Jujitsu thời điểm ấy chưa thành lập bộ môn, VĐV toàn dân “tay ngang”, chủ yếu là sinh viên, bác sĩ, giáo viên, doanh nhân… Họ đến với Jujitsu để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân do môn võ này được đánh giá rất thực dụng nhờ có khả năng cận chiến tốt.

Nhưng sau chừng 4 năm tập luyện, Jujitsu đã tạo nên bất ngờ khi tham gia 2 giải vô địch toàn quốc và đem về 16 huy chương các loại. Đáng chú ý, nếu năm 2019 chỉ giành 1 HCB, 1 HCĐ thì ở lần tham gia tiếp theo, Jujitsu Huế có cú nhảy vọt với 14 huy chương (1 HCV, 4 HCB, 9 HCĐ).

Với 16 huy chương qua 2 giải Quốc gia, Jujitsu Huế như được tiếp thêm động lực. Họ khát khao được tiếp tục cống hiến, đem thành tích về cho quê nhà. Cũng trong thời điểm này, những người làm thể thao Huế bắt đầu có cách nhìn cũng như động thái để Jujitsu hoạt động bài bản, có định hướng và chiến lược để hướng đến chuyên nghiệp.

Ngoài các thành viên cũ, ở những giải đấu mà Jujitsu Huế tham gia đều có sự hỗ trợ lực lượng của các VĐV từ 2 bộ môn: Judo, vật. Điều này đã giúp Jujitsu Huế ngày càng khẳng định vị trí của mình trên bản đồ Jujitsu Quốc gia lẫn khu vực.

“Jujitsu còn gọi là Nhu thuật Brazil. Tiền thân của Jujitsu là Judo, nhưng về kỹ thuật lại có nhiều điểm tương đồng với vật. Ngoại trừ địa chiến (đánh nằm) là các đòn thế giữa vật và Jujitsu giống khoảng 30% do Jujitsu chú trọng khóa, siết… thì ở phần đánh đứng, các kỹ thuật bốc, gồng, đè… của 2 môn này gần như tương đồng”, HLV trưởng bộ môn Jujitsu Huế Chu Minh Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, việc áp dụng chiến thuật như kiểu “đi tắt, đón đầu” này chỉ có thể sử dụng trong một thời gian ngắn, bởi khách quan mà nói, do Jujitsu vẫn là môn mới du nhập, nên thời điểm từ năm 2016 đến khoảng năm 2020, Jujitsu Huế lẫn Jujitsu Việt Nam chủ yếu vẫn đang dùng các đòn thế của vật, Judo để thi đấu theo luật của Jujitsu chứ chưa phải Jujitsu đúng nghĩa. Và điều này sẽ gây bất lợi cho VĐV nếu tham dự các giải đỉnh cao của khu vực, châu lục.

Yếu tố này, cộng thêm việc Jujitsu sẽ có mặt tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 nên Huế quyết định thành lập bộ môn Jujitsu để trên cơ sở này huấn luyện, đào tạo VĐV bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Cơ sở để “tham vọng”

Cũng từ việc được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, Jujitsu Huế đã có 5 VĐV được triệu tập lên tuyển Quốc gia cũng như có bước nhảy vọt về thành tích ở những đấu trường lớn.

Bên cạnh xuất sắc giành 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, gần nhất là năm 2024, Jujitsu Huế giành được 64 huy chương các loại, trong đó có 1 HCV giải vô địch Quốc gia, 2 HCV giải vô địch trẻ châu Á, 1 HCV giải vô địch & vô địch trẻ cúp bãi biển thế giới, 3 HCV giải vô địch & vô địch trẻ Đông Nam Á... Còn những tháng đầu năm 2025, thầy trò HLV Chu Minh Tuấn cũng giành được 2 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ tại giải vô địch trẻ châu Á (Thái Lan).

Hiện ở tuyển Jujitsu Huế có thể chỉ ra 2 gương mặt tiềm năng nhất là Hoài Thương và Văn Sửu, trong đó, Hoài Thương là VĐV đã giành 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ tại giải Jujitsu vô địch & vô địch trẻ châu Á 2024, và 1 HCV, 2 HCĐ tại giải vô địch trẻ châu Á 2025. Còn về Văn Sửu, sau HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, VĐV này còn xuất sắc giành HCV giải vô địch Quốc gia và HCV giải vô địch Đông Nam Á 2024.

Đáng tiếc, do tuổi còn khá trẻ (SN 2011) nên Hoài Thương khó thể đảm đương việc tìm kiếm 1 suất tham dự SEA Games 33. Trọng trách này được kỳ vọng vào Văn Sửu - VĐV đang vào độ chín với thế mạnh là các đòn tay tốc độ cùng kỹ năng địa chiến khá hoàn thiện.

Như đã nói, khởi đầu với không ít khó khăn lẫn hoài nghi, nhưng đến hiện tại, Jujitsu Huế đã và đang cho thấy những bước đi vững chãi của mình. Bên cạnh những thành tích đạt được, những gương mặt tiềm năng như Văn Sửu, Hoài Thương, bộ môn này còn có không ít VĐV với nhiều kỳ vọng như Tuyết Như, Trọng Nghĩa, Anh Thiện…

Và đây chính là cơ sở, là nền tảng để Jujitsu Huế hiện thực hóa tham vọng của mình không chỉ ở việc cạnh tranh 1 suất tham dự SEA Games, mà còn ở những đấu trường lớn như Đại hội Thể thao toàn quốc, các giải khu vực, châu lục… trong thời gian tới.

Hàn Đăng
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

200 người tham gia chạy cùng người khuyết tật

Sáng 23/6, Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (Viện ACDC) phối hợp với Sở Y tế thành phố, Hội Người khuyết tật (NKT) – Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi TP. Huế đồng tổ chức sự kiện "Chạy cùng người khuyết tật: Không khoảng cách - Không giới hạn" năm 2025 tại bãi biển Thuận An (phường Thuận An, quận Thuận Hóa).

200 người tham gia chạy cùng người khuyết tật
Lần đầu cho Cao Pendant Quang Vinh

Huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik mới đây đã công bố danh sách 23 tuyển thủ sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự trận đấu với Malaysia tại vòng loại Asian Cup 2027 vào ngày 10/6 tới, với điểm nhấn là lần đầu lên tuyển của cầu thủ Việt kiều Cao Pendant Quang Vinh.

Lần đầu cho Cao Pendant Quang Vinh
Gập ghềnh đường đến SEA Games

Dù được đánh giá “sáng cửa” trong việc giành HCV, nhưng hành trình chinh phục đỉnh cao của tuyển vật Huế tại SEA Games 33 không hề dễ dàng...

Gập ghềnh đường đến SEA Games
Sambo - “mỏ vàng” chờ khai thác

Sambo không có mặt tại SEA Games 33 là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, SEA Games 33 không phải là cuối cùng, cũng như không phải là mục tiêu duy nhất của Sambo Huế.

Sambo - “mỏ vàng” chờ khai thác
Dự án Quảng trường Văn hóa Thể thao thành phố:
Vướng mặt bằng, xin “dời” tiến độ

Do vướng mặt bằng, điều chỉnh, bổ sung thiết kế, cũng như thời tiết thi công không thuận lợi, công trình Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh (nay là TP. Huế) phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành.

Vướng mặt bằng, xin “dời” tiến độ
Return to top