ClockThứ Sáu, 29/07/2016 14:29

Châu Phi tự tin có thể xóa sổ bệnh sốt rét vào năm 2030

TTH.VN - Chính phủ các nước châu Phi tự tin có thể xóa sạch bệnh sốt rét trong vòng 15 năm tới, giữa bối cảnh các nghiên cứu cải tiến, trong đó bao gồm một loại vaccine chống lại căn bệnh này, đang được phát triển và thử nghiệm, Liên minh chống sốt rét của các nhà lãnh đạo châu Phi (ALMA) cho biết.

Bác sĩ đang lấy mẫu xét nghiệm sốt rét ở Châu Phi. Ảnh: Reuters

Lục địa Phi đã có nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống căn bệnh lây truyền qua muỗi này trong những thập kỷ gần đây, khi tỷ lệ tử vong tổng thể đã giảm 66% so với năm 2000. Tuy nhiên Châu Phi vẫn là khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trên thế giới, chiếm 88% các trường hợp mắc bệnh mới và 90% số lượng tử vong.

Trong năm 2015, khoảng 188 triệu người châu Phi mắc bệnh sốt rét và 395.000 đã thiệt mạng - nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, theo ALMA.

Tuần trước, Liên minh châu Phi đã thông qua một lộ trình nhằm xóa sổ căn bệnh này vào năm 2030 dưới sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trước đó, LHQ đã đưa nhiệm vụ chấm dứt dịch bệnh sốt rét trở thành một trong những mục tiêu phát triển bền vững của năm 2030.

Thư ký điều hành ALMA - bà Joy Phumaphi cho biết, các nhà lãnh đạo châu Phi "tương đối tự tin" có thể đạt được mục tiêu này khi một số sản phẩm chống sốt rét mới dự kiến ​​sẽ được bán trên thị trường trong từ 5-10 năm tới.

"Chúng tôi có vaccine mới, chúng tôi có phương pháp điều trị mới cho bệnh sốt rét, và chúng tôi còn có các loại thuốc trừ sâu mới," ông Phumaphi cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Hiện nay có hơn 30 loại vaccine sốt rét đang được phát triển. Năm ngoái, vaccine Mosquirix là vaccine chống sốt rét đầu tiên được các Cơ quan y tế châu Âu cấp phép chính thức. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng hiệu quả của nó vẫn còn hạn chế.

Một loại thuốc có thể quét sạch tất cả các ký sinh trùng trong cơ thể chỉ với một liều duy nhất cũng có thể trở thành hiện thực vào năm 2019, theo Quỹ Bill & Melinda Gates.

Các nhà nghiên cứu cũng đang nỗ lực phát triển một thuốc trừ sâu mới được sử dụng để phun trong nhà và trong màn ngủ, vì muỗi đã phát sinh đề kháng với những người từng nhiễm bệnh.

Đầu tư

Công nghệ không thôi là không đủ để đánh bại bệnh sốt rét, các chính phủ cũng cần phải chống tham nhũng và cải cách hệ thống y tế nước mình để đảm bảo nguồn lực được quản lý một cách hiệu quả, bà Phumaphi nhấn mạnh.

Cũng theo bà Phumaphi, các nước thành viên của ALMA, bao gồm 49/54 quốc gia châu Phi, có thể làm nhiều hơn nữa để cắt giảm chi phí bằng cách thường xuyên hợp tác để đặt hàng số lượng lớn các thiết bị và thuốc men.

Chi tiêu toàn cầu về bệnh sốt rét hiện đang ở mức 2,7 tỷ USD/năm. Để đạt được mục tiêu cắt giảm 90% trong các trường hợp mắc bệnh sốt rét vào năm 2030, khoản ngân sách này sẽ cần phải tăng lên đến 8,7 tỷ USD/năm, WHO nhận định.

Bà Phumaphi bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo cũng sẽ tiếp tục duy trì mức đầu tư như hiện tại. Washington là nhà tài trợ lớn nhất cho Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, đã đóng góp đến gần 11 tỷ USD từ năm 2002.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

TIN MỚI

Return to top