|
Đồng USD. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN |
Trước đó, trong 3 tháng cuối năm 2024, khối lượng cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt 164 tỷ USD, con số này đánh dấu hiệu suất quý IV mạnh nhất trong 3 năm, theo dữ liệu do Bloomberg thống kê. Đây là động lực mang đến một khởi đầu mạnh mẽ cho năm 2025.
“Triển vọng lãi suất ổn định và chu kỳ bầu cử kết thúc ở một số nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động M&A và chi tiêu vốn. Chúng tôi đang kỳ vọng khối lượng tài chính sẽ tăng mạnh”, ông Andrew Ashman, Giám đốc bộ phận cho vay khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Barclays nhận định.
Cũng theo dữ liệu do Bloomberg cung cấp, khối lượng cho vay năm 2024 đã giảm 4,6% xuống còn 590 tỷ USD ở châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản, mức thấp nhất hàng năm kể từ năm 2020.
Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ M&A đã tăng trong quý vừa qua với khối lượng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước lên 14 tỷ USD, nâng tổng số tiền hàng năm lên 35 tỷ USD.
Trong một lưu ý liên quan, ông Scott Austin, Giám đốc thị trường vốn cho vay Australia và hợp vốn PF châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui cho biết: “Với triển vọng rõ ràng hơn về nền kinh tế và lãi suất, các nhà tài trợ và các bên mua lại có thể tin tưởng và tự tin hơn trong việc định giá đối với các giao dịch mua tiềm năng, nhờ tâm lý cải thiện xung quanh những vấn đề như lạm phát, chi phí lao động và sức mạnh thị trường cơ bản”.
Trong khi đó, làn sóng các khoản vay Samurai, khi các công ty nước ngoài huy động nợ bằng đồng yên, có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh người đi vay tìm cách cắt giảm chi phí tài trợ và đa dạng hóa cơ sở tiền tệ. Các công ty ở châu Á ngoại trừ Nhật Bản đã ký kết một khoản kỷ lục 1,2 nghìn tỷ yên tại các cơ sở như vậy trong năm 2024.
Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những thị trường chính đối với các khoản vay ở khu vực châu Á vào năm 2025, bất chấp những thách thức kinh tế của quốc gia này. Các giao dịch nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng hơn 4 lần lên mức kỷ lục 58,7 tỷ nhân dân tệ hồi năm ngoái.
Hoạt động cho vay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động tái cấp vốn, chi tiêu vốn hoặc để tài trợ cho nhu cầu tăng trưởng, theo nhận định của ông Amit Lakhwani, Giám đốc toàn cầu về hợp tác cho vay tại Ngân hàng Standard Chartered.
Trong khi triển vọng của thị trường cho vay khu vực châu Á tương đối tươi sáng, các chủ ngân hàng vẫn thận trọng về những “cơn gió ngược” tiềm ẩn có thể phát sinh trong năm 2025. Điều này bao gồm các tín hiệu thay đổi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất và thuế quan thương mại.
“Người đi vay và người cho vay sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và sẽ hiệu chỉnh lại khi cần thiết, sau khi bất kỳ chính sách hoặc biện pháp nào được đưa ra”, ông Amit Lakhwani, Ngân hàng Standard Chartered nói thêm.