|
Châu Á chào đón năm mới 2025 với nhiều cơ hội đầu tư. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Bên cạnh đó, thương mại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tăng 8,1% vào đầu năm 2024, và các mối quan hệ kinh tế song phương được dự báo sẽ tiếp tục mạnh mẽ với việc ký kết một số thỏa thuận, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc 3.0.
Các nền kinh tế châu Á đang sẵn sàng hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng kinh tế dài hạn. Trong đó, những động lực tăng trưởng dài hạn như tăng chi tiêu vốn, phi carbon hóa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể mang lại mức thu nhập cao hơn ở các thị trường này. Ngoài ra, những chính sách cải cách đang được thực hiện trong các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán ở châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản.
Những “gã khổng lồ” của châu Á
Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản nằm trong số những nền kinh tế năng động và có ảnh hưởng nhất thế giới. Ba “gã khổng lồ” này chiếm hơn 60% chỉ số chứng khoán MSCI AC châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Trung Quốc, sáng kiến hoán đổi nợ gần đây của chính phủ dự kiến sẽ cải thiện khả năng tăng chi tiêu của các thành phố, để kích thích tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan chính phủ, như những doanh nghiệp viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải, và tiêu dùng.
Trong khi đó, các chính sách cải cách đang diễn ra, quá trình đô thị hóa gia tăng và sự thay đổi chuỗi cung ứng ở Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu nhập của quốc gia này trong dài hạn. Các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trong lĩnh vực tài chính, viễn thông và chăm sóc sức khỏe tại Ấn Độ có giá trị hấp dẫn hơn so với các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ hơn.
Đối với Nhật Bản, đợt tăng giá của thị trường chứng khoán có thể mở rộng trong năm 2025, mang đến nhiều cơ hội hơn cho các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ, vốn đang được hưởng lợi từ tiêu dùng gia tăng và các cải cách doanh nghiệp đang được triển khai.
Ngoài ra, theo nhận định của ông Vis Nayar, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý đầu tư Eastspring Investments, các biện pháp kích thích dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế và khuyến khích chi tiêu hàng tiêu dùng không thiết yếu. “Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng, và tiêu dùng tại Malaysia; trong các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính tại Indonesia; và trong cổ phiếu tài chính, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin tại Việt Nam”, ông Vis Nayar nói thêm.
Tiếp đó, cổ phiếu khách sạn, bán lẻ và hàng không tại Thái Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ thu nhập khả dụng tăng và sự phục hồi của du lịch, trong khi việc tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ có lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ.
Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI)
Các công nghệ AI tạo sinh (Gen AI) có khả năng chuyển đổi hoặc có thể làm gián đoạn các ngành công nghiệp, đồng thời có tác động sâu sắc đến năng suất, tăng trưởng và lợi nhuận.
Đối với tiềm năng của AI, các nhà đầu tư đã phản ứng rất nhiệt tình, như đã được ghi nhận từ hiệu suất của Magnificent 7 (một nhóm gồm 7 công ty công nghệ lớn là: Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon.com, Nvidia, Meta Platforms, và Tesla) trong năm vừa qua.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động hơn, các nhà đầu tư sẽ cần cẩn trọng hơn về cách đa dạng hóa và quản lý rủi ro, và theo Giám đốc đầu tư của Eastspring Investments, khu vực châu Á mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội tiếp cận lĩnh vực AI.
Hiện nay, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã thiết lập các chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ phát triển chip và linh kiện bán dẫn cao cấp để xử lý và phân tích dữ liệu. Các công ty đóng gói và thử nghiệm tiên tiến tại Malaysia cũng được hưởng lợi từ làn sóng này.