ClockChủ Nhật, 18/03/2018 06:15

Nỗ lực vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái nông thôn

TTH - Trong khuôn khổ khoá họp lần thứ 62 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên Hiệp quốc (CSW62) đang diễn ra từ ngày 12-23/3, với chủ đề "Những thách thức và cơ hội trong việc đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nông thôn", Tổng thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết, LHQ vừa bắt tay vào một sáng kiến để giải quyết cấu trúc quyền lực do nam giới chi phối trong hàng ngũ của mình.

Nếu phụ nữ tỏa sáng, kinh tế có tỏa sáng theo?Saudi Arabia & quyết định lịch sử: cho phép phụ nữ lái xeThoát nghèo từ vốn vay qua kênh phụ nữVị thế của phụ nữ ngày càng khẳng địnhTruyền thông chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa) tại khoá họp lần thứ 62 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ LHQ (CSW62). Ảnh: UN Women

Đi đầu

"Cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới là một cuộc đấu tranh gay go và chắc chắn là khó khăn hơn khi chúng ta nhìn từ quan điểm của các Chính phủ và các tổ chức. Vì vậy, xã hội dân sự thực sự đang đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Nếu không có sự lãnh đạo và áp lực của xã hội dân sự, tôi không chắc chúng ta đang ở nơi nào hiện nay”, ông Guterres nói trong một cuộc thảo luận tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), một sự kiện được tổ chức bên lề CSW62.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, tổ chức này phải đạt được bình đẳng giới, bắt đầu từ các cấp phía trên; đồng thời cho hay, Văn phòng điều hành của ông hiện có tỷ lệ nhân viên là 56% đối với nữ giới, so với 44% đối với nam giới.

Ở cấp độ quản lý cấp cao nhất, bình đẳng giới đã đạt được hồi tháng trước, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử của LHQ, với 23 nữ giới so với 21 nam giới. Ông Guterres nói: "Đây là biểu tượng rõ ràng rằng, khi tôi nói về bình đẳng giới, nó không chỉ là một ý định”.

Vào tháng 4 tới, ông dự kiến tăng tỷ lệ các điều phối viên thường trú nữ từ mức 47% hiện nay lên 50%. Mục tiêu tiếp theo của bình đẳng giới là đội ngũ các Đại diện đặc biệt và các Đặc phái viên, trong đó chỉ có 1/3 tổng số các vị trí do nữ giới nắm giữ.

Trong một động thái liên quan, Tổng thư ký Guterres cũng vừa ban hành một lộ trình để đạt được sự bình đẳng giới đầy đủ vào năm 2028, và cũng đang yêu cầu tất cả các cơ quan và ban ngành của LHQ trình bày kế hoạch của họ. Ngoài ra, mục tiêu của ông cũng nhằm đạt được bình đẳng giới ở vị trí lãnh đạo của các bộ phận tới năm 2021.

"Thời điểm quan trọng"

Diễn ra vào "thời điểm quan trọng đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái", khoá họp lần thứ 62 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ LHQ lắng nghe các lời kêu gọi để hỗ trợ nữ giới, nhất là những người ở các cộng đồng nông thôn.

Tổng thư ký LHQ khẳng định, họ thường là xương sống của gia đình và cộng đồng, quản lý đất đai và tài nguyên. Việc hỗ trợ những phụ nữ này là điều cần thiết để hoàn thành cam kết toàn cầu của chúng ta, nhằm xóa bỏ nghèo đói và tạo ra một thế giới an toàn, bền vững hơn trên một hành tinh lành mạnh.

"Tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em gái đồng nghĩa với việc thay đổi những bất bình đẳng dẫn đến phân biệt đối xử và bạo lực. Phân biệt đối xử với nữ giới gây tổn hại cho các cộng đồng, các tổ chức, công ty, các nền kinh tế và xã hội. Đó là lý do tất cả nam giới nên ủng hộ các quyền của nữ giới và bình đẳng giới”, ông Guterres nhấn mạnh.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC), bà Marie Chatardova cho rằng, Ủy ban Địa vị Phụ nữ LHQ là một công cụ quan trọng để tăng cường khuôn khổ quy phạm toàn cầu đối với việc trao quyền cho nữ giới và thúc đẩy bình đẳng giới.

Tiếp đó, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miroslav Lajcak lưu ý, việc thu hút sự chú ý đối với phụ nữ nông thôn là một nguồn chính của sự đổi mới; ông giải thích rằng, việc trao quyền cho họ sẽ mang lại lợi ích cho mọi người và những gì họ cần là sự hỗ trợ của chúng ta, để biến ý tưởng của họ thành hiện thực.

Khẳng định bình đẳng giới là "một ưu tiên cấp bách", ông Lajcak khuyến khích Ủy ban Địa vị Phụ nữ LHQ tiếp tục tiến hành công việc đầy quan trọng của mình.

Với cùng quan điểm, Giám đốc Điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), bà Phumzile Mlambo-Ngcuka nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trung trong năm nay đối với phụ nữ nông thôn.

"Sự tập trung này nói lên cam kết của chúng ta để giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại là: nghèo đói, bất bình đẳng… và chấm dứt bạo lực, phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, bất kể họ sống ở đâu, hay họ sống như thế nào, chúng ta không bỏ lại ai phía sau", bà Mlambo-Ngcuka nói thêm.

Được biết, CSW62 là kỳ họp lớn nhất của LHQ về bình đẳng giới, thu hút sự tham gia của khoảng 6.000 đại biểu, các nhà lãnh đạo toàn cầu, các tổ chức phi Chính phủ, những người trong các khu vực tư nhân, các đối tác của LHQ và các nhà hoạt động trên khắp thế giới.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ UN News & UN Women)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ nói không với thuốc lá điện tử

Sáng 18/1, Trung tâm Vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung bộ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Huế và Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức “Lễ phát động hội viên phụ nữ hưởng ứng việc thực hiện quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng năm 2025”. Đến dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ; bà Trần Thị Kim Loan, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố; TS. Shane Francis Fairlie, Phụ trách truyền thông của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số ban, ngành trên địa bàn thành phố Huế cùng hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ.

Phụ nữ nói không với thuốc lá điện tử
Phụ nữ chợ Đông Ba chia sẻ vì cộng đồng

Dù công việc buôn bán khá bận rộn, nhưng nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) chợ Đông Ba vẫn sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng.

Phụ nữ chợ Đông Ba chia sẻ vì cộng đồng

TIN MỚI

Return to top