ClockThứ Sáu, 21/07/2017 13:26

Nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng

TTH - Cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh phân bố nhiều nơi dọc các sông Hương, Ô Lâu, Bồ, Tả Trạch, Hữu Trạch, Truồi và các sông nhánh khác theo 2 dạng: bãi bồi ven bờ và ở lòng sông.

Khu vực cấm đổ nhưng vẫn ngổn ngang đất đá và rác thải xây dựng ở phường Thủy Biều (TP. Huế)

Hiện nay, có 11 mỏ được cấp phép khai thác với diện tích 36,08ha và tổng trữ lượng 970.839 m3. Những giấy phép được cấp thăm dò, khai thác và sử dụng chủ yếu ở các khu vực sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng công trình trên địa bàn.

Tuy nhiên, lượng cát về lâu dài sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, việc khai thác sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, tác động dòng chảy và hệ lụy do những bất cập, thiếu đồng bộ trong quản lý khai thác.

Theo số liệu tính toán về cung cầu qua các giai đoạn trong Quy hoạch khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2011-2020, trữ lượng cát bãi bồi và cát lòng sông đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 2021, trữ lượng cát bãi bồi và cát lòng sông không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Vì vậy, việc tìm phương án, giải pháp để thay thế sử dụng vật liệu cát xây dựng bằng các loại vật liệu khác là yêu cầu tất yếu cần phải thực hiện.

Sở Xây dựng từng nghiên cứu đề tài chọn vật liệu hỗn hợp cát mịn, đá mi nghiền để phối trộn chế tạo bê tông và vữa, thay thế cát lòng sông. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, những nguồn nguyên vật liệu thay thế này có thể dùng trong xây dựng các công trình dân dụng, đường giao thông nông thôn, công trình xây dựng.

Đề tài nghiên cứu này được đánh giá khả thi vì qua điều tra, cát mịn được khai thác tại một số địa phương có trữ lượng lớn, khoảng 18,37 triệu m3 và trữ lượng các mỏ đá làm vật liệu xây dựng gần 49,5 triệu m3. Ngoài ra, còn có hơn 8,86 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp đã được cấp mỏ khai thác có thể phục vụ thay thế cho việc hạn chế, thay thế sử dụng cát tự nhiên dùng để san lấp.

Còn một nguồn nguyên vật liệu khác có thể nghiên cứu, xem xét để thay thế cát tự nhiên phục vụ cho san lấp là một lượng lớn xà bần được thải ra từ các công trình cũ. Hiện nay, nhiều địa phương rất đau đầu về việc xử lý tình trạng đổ xà bần bừa bãi, ảnh hưởng đến hệ thống công trình giao thông, sông, hồ, ao, kênh mương thoát nước công cộng...

Một số khu vực như ở làng Đại học Huế, khu Đông Nam Thủy An, phường An Đông, An Tây, Thủy Biều..., rải rác đâu đâu cũng có những bãi rác xây dựng được tập kết ngổn ngang, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường sống. Đến nay, bãi xử lý chất thải xây dựng vẫn chưa được quy hoạch, trong khi, nhu cầu thực sự của người dân lại rất cần.

Thời gian tới, trong quá trình xây dựng quy hoạch, tìm kiếm địa điểm tập kết, xử lý chất thải xây dựng, nên chăng cần nghiên cứu tận dụng nguồn thải này để tái phục vụ cho các công trình xây dựng, nhằm giảm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời hạn chế tiêu tốn quỹ đất, ảnh hưởng môi trường, cảnh quan.

Mới đây, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, khảo sát thị trường, kinh nghiệm từ các tỉnh để tham mưu UBND tỉnh ban hành lộ trình, phương án thay thế vật liệu cát xây dựng bằng các loại vật liệu khác phù hợp; có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nhà đầu tư tham gia đầu tư và ưu tiên áp dụng đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách để dần tiến tới áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.

Hoài Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top