ClockThứ Tư, 22/05/2024 06:17
Tín dụng phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia:

Vốn cần, nhưng chưa đủ - Bài 2: Sức mạnh từ những "cánh tay nối dài"

TTH - Không thể phủ nhận, nguồn vốn có vai trò chiến lược trong nâng cao thu nhập, định hình các mô hình phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu, song muốn nguồn vốn này phát huy được hiệu quả cũng như có tác động dài hơi, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều phía.

Vốn cần, nhưng chưa đủ - Bài 1: Khi cần câu “đủ mồi”

Nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người dân phát triển kinh tế 

Không để “cái khó bó cái khôn”

Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bằng và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, thay đổi cách thức làm kinh tế của đồng bào, các hộ khó khăn là điều không dễ. Như cách nói “cái khó bó cái khôn” và để thay đổi tư duy của họ cần cả một quá trình dài.

Bà Hoàng Thị Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Tà Roi, xã A Ngo, huyện A Lưới chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong hoạt động của tổ khi tiếp cận hỗ trợ người dân chính là yếu tố tâm lý. Người dân nhất là đồng bào có tư duy kinh tế chưa cao, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thấp, ngại vay vốn để phát triển kinh tế. Vì thế, để tiếp cận các mô hình kinh tế mới, tạo dựng được thói quen tiết kiệm hàng tháng… là điều không dễ. Để giúp người dân tiếp cận vốn và tận dụng nguồn vốn hiệu quả, mỗi cán bộ tổ phải thật sự gần gũi với tổ viên, nắm bắt tâm lý cùng người dân vượt qua khó khăn, vừa là tấm gương trong phát triển kinh tế cũng như sử dụng vốn vay phải hiệu quả. Từ đó, cán bộ tổ mới có thể hướng dẫn, định hướng hỗ trợ hội viên trong tận dụng lợi thế của các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hội viên phát triển kinh tế.

Thực tế triển khai hoạt động tín dụng chính sách cũng chứng minh điều đó. Bởi với phương thức cho vay chủ yếu thực hiện ủy thác một số nội dung qua các tổ chức chính trị xã hội (chiếm 99,9% tổng dư nợ), các tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể được xem là các cánh tay nối dài, giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.

Câu chuyện nâng cao chất lượng hoạt động cho vay của tổ, hội vì thế cũng được chi nhánh NHCSXH quan tâm. Các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể cấp huyện, cấp xã họp giao ban định kỳ tại điểm giao dịch xã để tập huấn, hướng dẫn. Thông qua cầm tay chỉ việc giúp ban quản lý tổ, hội hiểu, thành thạo quy trình thủ tục, các chương trình tín dụng… để hướng dẫn lại tổ viên.

Việc kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện cũng tạo điều kiện phát huy sức mạnh của hoạt động tín dụng chính sách. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Ban đại diện NHCSXH cấp huyện được bổ sung thêm thành viên là chủ tịch UBND cấp xã. Chủ trương này đã góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.

Ông Hồ Chính Bê - Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, huyện A Lưới chia sẻ: Toàn xã có hơn 1.200 hộ dân, trong đó 95% là đồng bào dân tộc Tà Ôi. Vì thế, việc phát triển tín dụng chính sách trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng không chỉ nâng cao đời sống người dân, mà còn có ý nghĩa chiến lược về mặt chính trị. Nhận thức được điều này, Đảng ủy, chính quyền xã Lâm Đớt luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động NHCSXH, thường xuyên chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc cho NHCSXH. Riêng với trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, ông thường xuyên chỉ đạo các bộ phận liên quan tiến hành rà soát, bổ sung danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, phê duyệt hồ sơ vay vốn, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đúng theo nội dung được phân công.

Nhiều ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vốn ưu đãi 

Đa dạng thêm nguồn vốn

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và nguồn vốn vay thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng. Không chỉ dừng ở hoạt động chỉ đạo, điều hành, HĐND, UBND các cấp còn dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn vay vốn theo đúng tinh thần của Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 171,1 tỷ đồng sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay cùng với nguồn vốn của Trung ương, tăng 6,3 lần so với trước khi có Chỉ thị. Trong đó, ngân sách tỉnh chuyển sang 101,6 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 69,5 tỷ đồng.

Ngoài, cân đối các nguồn ngân sách thống nhất từ tỉnh đến huyện, các xã cũng đã tận dụng các nguồn vốn huy động ủy thác qua NHCSXH để cho vay phục vụ các chương trình, mục tiêu của địa phương. Chi nhánh và chính quyền các cấp cũng đang tăng cường công tác thông tin tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm từ tổ chức và cá nhân, đa dạng hóa các hình thức tiền gửi tiết kiệm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại buổi lễ phát động “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo" đã nhấn mạnh, tín dụng chính sách, an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, ban ngành, tổ chức và cá nhân. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động, tranh thủ các nguồn vốn tạm thời chưa sử dụng, vốn quyên góp, ủng hộ, tiền gửi không kỳ hạn của các cơ quan, tổ chức và cá nhân gửi tiết kiệm tại NHCSXH. Chi nhánh NHCSXH tỉnh phải tăng cường tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, bổ sung tăng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác hàng năm sang NHCSXH để đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Lồng ghép phát huy hiệu quả vốn vay

Không chỉ phối hợp chuyển tải nguồn vốn đến người dân, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương phát động các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách như: các mô hình chăn nuôi, trồng trọt; phát triển thương mại dịch vụ. Các chương trình mục tiêu quốc gia đã được lồng ghép với chương trình kinh tế - xã hội khác như: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… giúp người dân có định hướng tốt hơn trong sử dụng nguồn vốn.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh - bà Phạm Hương Giang, chi nhánh đã, đang và sẽ tăng cường công tác phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng đề án chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương sang để cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Quá trình cho vay cũng chú trọng giải ngân phù hợp với thời vụ sản xuất; hướng dẫn kiến thức làm ăn cho hộ vay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; chuyển giao khoa học công nghệ để người dân sử dụng hiệu quả vốn vay. Tuân thủ và giám sát chặt chẽ quy trình cho vay ngay từ bước kiểm tra, thẩm định trước khi cho vay. Trong quá trình cho vay, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm tạo thành mạng lưới kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng và tín dụng chính sách nói chung.

Bài, ảnh: Trung Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng

Năm 2024 chứng kiến bước thụt lùi của các mục tiêu tiếp cận năng lượng. Báo cáo Theo dõi SDG7 (Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 7 về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý) cho thấy, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, khả năng tiếp cận điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.

2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng
Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình đến thăm NHCSXH tỉnh nhân dịp quyết toán niên độ năm 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top