ClockThứ Năm, 13/12/2018 08:55

Tiếp sức cho doanh nghiệp trong nước tăng tốc xuất khẩu

Một tín hiệu rất đáng mừng của nền kinh tế ở thời điểm cuối năm này là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy chưa thể khẳng định diễn biến này là bền vững, song đây là cơ sở để Việt Nam tái cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.

Tăng tốc liên tục trong 4 năm qua

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2007, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 42,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng sau 10 năm, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 28,5%. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp (DN) FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 57,2% năm 2007 lên 71,5% năm 2016.

“Cái bóng” của doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu đã lấn át doanh nghiệp nội địa khi khối này chiếm đến 72,6% trong con số xuất khẩu kỷ lục 214 tỷ USD mà Việt Nam đạt được năm 2017.

Xuất khẩu thủy sản là lĩnh vực mà doanh nghiệp nội địa đang chiếm tỷ trọng cao.

Thực tế này khiến không ít chuyên gia nhận định xuất khẩu Việt Nam thiếu tính bền vững. Quá phụ thuộc vào  doanh nghiệp FDI không chỉ khiến xuất khẩu trở nên nhạy cảm và bấp bênh trước những biến động của kinh tế thế giới, mà giá trị gia tăng Việt Nam thu được rất thấp.

Thế nhưng xuất khẩu trong nước gần đây đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ. Tại cuộc họp báo quý 3/2018 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải vui mừng cho biết: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước 9 tháng đầu năm đã tăng cao hơn tốc độ tăng của khối FDI. Cụ thể: Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hơn 51 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và tăng trưởng của khối FDI.

Đà tăng trưởng khả quan này tiếp tục được duy trì trong tháng 10 giúp cho 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước ước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8% (khối FDI chỉ tăng 13,2% so với cùng kỳ).

Nhìn lại số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy kết quả tích cực về mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước: Năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu tăng 5,5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%, năm nay dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng cao.

Có được kết quả khả quan này, một mặt là do sự giảm tốc của khối doanh nghiệp FDI, nhưng mặt khác là nhờ sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp nội địa.

Về mặt khách quan, trong tháng 10/2018, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 2,6% so với tháng trước, ước đạt 15,17 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô). Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện – mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm mạnh 21,4% so với tháng trước.

Về mặt chủ quan, một số lĩnh vực doanh nghiệp nội địa có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh bao gồm rau quả, sản phẩm gỗ, thủy sản, da giày…

Tất nhiên nếu tính con số tuyệt đối, doanh nghiệp trong nước vẫn phải nỗ lực rất nhiều để đuổi kịp các doanh nghiệp FDI khi khối này hiện nay vẫn chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Chú trọng gia tăng giá trị xuất khẩu

Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt tốc độ tăng trưởng cao, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải là nhờ nhiều yếu tố từ cả phía nội lực doanh nghiệp và từ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, công tác phát triển thị trường đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hàng hóa Việt Nam khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển nhiều thị trường mới.

Đầu tư vào khâu nguyên phụ liệu góp phần tăng giá trị cho sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam.

Về phía quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (chiếm tỷ lệ 55,5%). Đây là điều kiện rất thuận lợi để doanh nghiệp kinh doanh sản xuất và gia tăng xuất khẩu.

Trong số các ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dệt may và da giày là những ngành từ trước đến nay bị khối doanh nghiệp FDI chi phối. Tuy nhiên thời gian gần đây, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nỗ lực để tăng trưởng xuất khẩu, tập trung vào gia tăng giá trị xuất khẩu thay vì làm gia công như trước đây.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, gần đây các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng “ăn sâu hơn” vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân giải thích: “Chúng ta thấy rõ quy trình sản xuất ngành da giày là từ khâu nguyên phụ liệu, thiết kế, sản xuất, logistics, phân phối. Trong chuỗi đó, Việt Nam đang làm tốt nhất ở khâu sản xuất vì điểm mạnh của chúng ta vẫn là nguồn lao động, cũng như chi phí nhân công tốt, có lợi thế cạnh tranh. Nhưng ngược lại nó lại làm sản phẩm của ta có giá trị gia tăng thấp”.

Để tăng giá trị cho sản phẩm, việc đầu tiên, Chính phủ đã đầu tư, phát triển khâu nguyên phụ liệu tại Việt Nam, hiện đã chiếm 55%, điều này vừa giúp giảm tỷ trọng nhập khẩu, vừa góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo quy tắc xuất xứ để hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Thứ hai là khâu thiết kế sản phẩm. Trước đây, mẫu mã mà các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chủ yếu do các nhà đặt hàng nước ngoài mang đến. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động khâu thiết kế mẫu mã mặc dù không phải tất cả các doanh nghiệp đều làm được điều này.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, bài toán đặt ra không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà với cả các doanh nghiệp FDI và các quốc gia cùng sản xuất giày dép, quần áo giống Việt Nam như Trung Quốc và Indonesia, đó là quyết liệt giành lấy khách hàng quốc tế.

“Để tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp không chỉ thụ động gia công toàn bộ các khâu như trước đây mà cùng với khách hàng tham gia nghiên cứu phát triển các vật liệu mới, mẫu mã mới do các nhà máy tạo ra và được khách hàng chấp nhận. Đó là một trong những giá trị gia tăng giúp ta ăn sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giữ chân khách hàng”, bà Thanh Xuân cho hay.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường
Bóng rổ Huế cần sự tiếp sức

Bóng rổ Thừa Thiên Huế đang cần sự tiếp sức từ những giải đấu mang tầm quốc gia để có sự phát triển xứng tầm.

Bóng rổ Huế cần sự tiếp sức
Nâng bước cho học sinh đến trường

Sáng 23/8, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam tổ chức chương trình trao học bổng nhân dịp đầu năm học mới.

Nâng bước cho học sinh đến trường
Chỉ thị 40 “tiếp sức” cho tín dụng chính sách ở Hương Trà

Cùng với nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn được tỉnh phân bổ, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã góp phần không nhỏ giúp Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Trà có thêm nguồn lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chỉ thị 40 “tiếp sức” cho tín dụng chính sách ở Hương Trà
“Tiếp sức” cho những người hoàn lương

Quá trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới, ổn định cuộc sống, mưu sinh, phát triển kinh tế, của những người từng lầm lỡ, giờ không còn đơn độc, nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng rất nhân văn của Đảng và Nhà nước.

“Tiếp sức” cho những người hoàn lương

TIN MỚI

Return to top