ClockThứ Sáu, 27/03/2020 06:45

Thương hiệu sản phẩm chăn nuôi & câu chuyện vươn tầm

TTH - Trong khi một số sản phẩm trồng trọt của nông dân trên địa bàn tỉnh ít nhiều được thị trường biết đến thì các sản phẩm chăn nuôi của người dân hầu như chưa có thương hiệu đúng nghĩa.

Phát triển ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Trang trại chăn nuôi gia cầm ở Quảng Điền có tiềm năng xây dựng thương hiệu sản phẩm

Định danh sản phẩm

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu với mọi mặt hàng là xu hướng tất yếu, riêng với sản phẩm chăn nuôi lại càng quan trọng, bởi đây là giải pháp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Một khi đã có thương hiệu, cơ hội để sản phẩm vươn tầm là rất lớn.

Bắt đầu câu chuyện nhãn hiệu, thương hiệu với thịt bò A Lưới – niềm tự hào của người dân vùng cao. Song, đến bây giờ, sản phẩm này vẫn chưa được công nhận nhãn hiệu tập thể. Dù rằng, đầu ra của sản phẩm được coi là đặc sản tương đối ổn định, ngoài bò tươi đáp ứng nhu cầu thị trường còn có các sản phẩm như: bò khô, bò một nắng. Nút thắt lớn nhất trong quá trình xây dựng nhãn hiệu thịt bò hiện nay là chọn được một đơn vị tư vấn chủ trì để tạo lập nhãn hiệu tập thể.

Thông tin từ Sở Khoa học & Công nghệ, thịt bò A Lưới đã được tỉnh phê duyệt, nằm trong danh mục xây dựng nhãn hiệu tập thể. Sở này cũng đang hỗ trợ dự án tạo lập thương hiệu cho sản phẩm. Điều đó có nghĩa, thịt bò A Lưới trong tương lai sẽ có nhãn hiệu tập thể. Song, để sản phẩm này thương mại hóa là câu chuyện khác, khi thực tế, tại vùng nguyên liệu, một số hộ tham gia còn tình trạng chăn nuôi thiếu sự quản lý, chăm sóc. Do trình độ, nhận thức của người nuôi nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế...

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh, đối với sản phẩm chăn nuôi, việc xây dựng thương hiệu không khó, tuy nhiên với quy mô, quy trình sản xuất của người dân hiện nay trên địa bàn tỉnh, dường như chưa đáp ứng được yêu cầu để ra đời một thương hiệu.

“Hiện, sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có thương hiệu bởi quy mô không lớn. Muốn có thương hiệu phải đảm bảo nhiều yếu tố như, nguồn gốc, quy trình sản xuất, chế biến và cả đầu ra của sản phẩm. Quá trình chăn nuôi của người dân chưa đáp ứng được điều này”, ông Khoa nói.

Tại Thừa Thiên Huế, không ít sản phẩm chăn nuôi được gọi là đặc sản, và đang được thị trường tiêu thụ khá tốt. Song, PGS. TS. NGND Nguyễn Đức Hưng - Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khá khó khăn, một thương hiệu muốn ra đời phải có quy trình và đứng vững trên thị trường không chỉ khu biệt nội tỉnh.

“Đối chiếu vào sản phẩm chăn nuôi của Thừa Thiên Huế, rất ít sản phẩm có quy mô lớn, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh. Dù tiềm năng để tạo ra chất lượng tốt rất lớn nhưng quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ bó hẹp khiến sản phẩm không thể định danh”, TS. Hưng chia sẻ.

Thương hiệu chỉ là điều kiện cần

Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hồ Thắng bảo, thương hiệu hay nhãn hiệu của một sản phẩm chỉ là một chuyện, khai thác tốt thương hiệu hay nhãn hiệu đó như thế nào mới là quan trọng. Mục đích cuối cùng của sản phẩm đó là đáp ứng được nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn.

“Tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Riêng lĩnh vực chăn nuôi đã có một số sản phẩm của cá nhân, doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu. Ngoài ra cũng có sản phẩm đang trong quá trình xây dựng như bò A Lưới, gà đồi Phú Sơn. Một thương hiệu được tạo ra phải qua một quy trình sản xuất chế biến nghiêm ngặt”, ông Thắng chia sẻ.

Thừa Thiên Huế hiện đang có một số thương hiệu sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi của các doanh nghiệp như, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, heo hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm, gà giống của Công ty CP 3F… Những doanh nghiệp này xây dựng sản phẩm theo mô hình chăn nuôi dựa trên nền tảng khá vững chắc. Họ xây dựng được vùng nguyên liệu đủ để đáp ứng được mô hình sản xuất khép kín của riêng mình, từ đó tung ra những sản phẩm được xem là sạch, chất lượng. Ông Hồ Đăng Khoa cho rằng, đó là những mô hình theo giải pháp xây dựng chuỗi giá trị, mang tính tự phát.

“Xây dựng một thương hiệu cho một sản phẩm chăn nuôi tự phát không khó, nhiều doanh nghiệp đã làm được, nhưng để xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng đất, để rồi sản phẩm đứng chân được trên thị trường là điều không dễ. Hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện không ít trang trại, gia trại chăn nuôi nhưng tính bền vững không cao, và quy trình sản xuất chưa đủ đáp ứng việc xây dựng thương hiệu”, ông Khoa nói.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 (mở rộng) mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, dù có nhiều tiềm năng nhưng quy mô sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng còn nhỏ lẻ, vùng nguyên liệu tập trung không lớn khiến sản phẩm của các địa phương khó vươn xa. Ông Phương cho rằng, cần có những giải pháp về bảo tồn, phát triển nguồn giống chất lượng trước khi cho ra những sản phẩm chất lượng.

Để giải quyết bài toán xây dựng thương hiệu, TS. Nhà Nông học Lê Tiến Dũng nêu quan điểm, trước tiên cần giải quyết được bài toán đầu ra; sau đó tập trung xây dựng, phát triển những sản phẩm chủ lực. Khi sản phẩm có chỗ đứng nghĩa là đã có thương hiệu thì cần những giải pháp dài hơi để phát huy thương hiệu.

“Chúng ta cần chọn một vài sản phẩm đặc trưng của Huế để làm thương hiệu. Khi đã chọn được sản phẩm cần nghiên cứu sản xuất, bảo tồn nguồn giống, kế đến là quy trình sản xuất rồi chế biến, cuối cùng là bài toán thị trường. Thực tế, ngoài những doanh nghiệp có tiếng, sản phẩm chăn nuôi của Huế hiện chưa có một thương hiệu theo đúng bản chất”, TS. Dũng nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng tầm sản phẩm, kết nối tour tuyến thu hút khách

Cùng với việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP, quận Thuận Hóa xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm sản phẩm làng nghề.

Nâng tầm sản phẩm, kết nối tour tuyến thu hút khách
Kỳ vọng vươn tầm giá trị di sản văn hóa Huế

Trước vận hội mới, di sản văn hóa Huế giàu tiềm năng đứng trước ngưỡng lịch sử được cởi bỏ “tấm áo” gò bó để tỏa sáng giá trị lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới.

Kỳ vọng vươn tầm giá trị di sản văn hóa Huế
Công bố thành lập thị xã Phong Điền

Chiều 31/12, huyện Phong Điền long trọng tổ chức Lễ Công bố thành lập thị xã Phong Điền theo Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham dự buổi lễ, có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; cùng nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, huyện và Nhân dân trên địa bàn Phong Điền.

Công bố thành lập thị xã Phong Điền
Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

“Cay, ngon, sạch” - sản phẩm nước ớt và tương ớt của Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân do anh Tô Đông Thoạn, ở Vinh Xuân, Phú Vang sản xuất đã và đang được thị trường đón nhận. Hiện, chủ cơ sở sản xuất đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu riêng khi Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân vừa được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023”.

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân
Thông tin doanh nghiệp:
Thương hiệu Nhựa Việt Tiến khẳng định vị thế với sản phẩm chất lượng cao

Trong xu thế thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Nhựa Việt Tiến đã không ngừng đổi mới và phát triển, dần khẳng định vị thế với những sản phẩm nhựa chất lượng cao. Vậy điều gì đã làm nên sức hút và sự khác biệt của thương hiệu này? Cùng khám phá những yếu tố cốt lõi trong hành trình chinh phục người tiêu dùng của Nhựa Việt Tiến qua bài viết dưới đây.

Thương hiệu Nhựa Việt Tiến khẳng định vị thế với sản phẩm chất lượng cao

TIN MỚI

Return to top