ClockThứ Ba, 20/07/2021 14:14

Đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường

TTH - Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình cung ứng hàng hoá tại một số địa phương trong nước về Huế gặp khó khăn, song các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vẫn chủ động được nguồn cung hàng hoá thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ người dân.

Nhiều giải pháp ổn định thị trườngTăng cường các biện pháp đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng

Các loại trái cây từ các tỉnh phía Nam được bày bán nhiều tại các siêu thị

Tăng số lượng dự trữ

Tại Siêu thị Big C Huế - một trong 3 đơn vị bán lẻ quy mô lớn đóng trên địa bàn TP. Huế, nguồn hàng dự trữ và kinh doanh tại siêu thị vẫn dồi dào và đa dạng chủng loại. Cùng với các loại lương thực, thực phẩm, đồ hộp và rau củ quả, hiện siêu thị đang triển khai chương trình “Bán hàng không lợi nhuận” nhằm tiêu thụ nông sản cho các địa phương có dịch, như vải Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương), khoai lang tím (Vĩnh Long), hành tím (An Giang) và các loại bí xanh, bí phấn (Bắc Kạn)…

Theo lãnh đạo Big C Huế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quy trình vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là hai địa phương cung ứng hàng hoá chủ lực cho siêu thị là TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển kéo dài, song với sự chủ động từ các đợt dịch trước cũng như kế hoạch dự trữ hàng hoá của hệ thống Big C nên hiện hàng hoá cung ứng tại siêu thị vẫn dồi dào và đảm bảo mức giá tốt đến với người tiêu dùng.

Hiện, đơn vị luôn lưu kho hơn 50 tấn hàng hoá các loại, bao gồm 23 tấn gạo tẻ, 6 tấn thủy, hải sản, 5 tấn thịt gia súc, gia cầm, 10 tấn rau củ quả… Đối với các mặt hàng thiết yếu, đơn vị cam kết không tăng giá do hệ thống Big C Việt Nam đã ký kết hợp đồng thu mua với các nhà cung cấp từ đầu năm 2021 nên hàng hoá vẫn giữ bình ổn, không tăng giá theo giá xăng dầu hay diễn biến của dịch COVID-19. 

Tại 2 siêu thị lớn là Co.opMart, VinMart và một số cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, số lượng hàng hoá không thiếu, đảm bảo cung ứng cho thị trường khi nhu cầu tăng lên gấp 2 hoặc 3 lần so với ngày thường.

Chị Nguyễn Thị Thu, đại lý thực phẩm tại phường Trường An chia sẻ: “Lượng hàng vẫn lưu thông bình thường, số lượng hàng lưu kho luôn ở mức cao, từ 15- 20 tấn sản phẩm các loại nên đảm bảo nguồn cung ổn định, không thiếu hàng. Hiện, một số sản phẩm có tăng giá nhẹ, dao động từ 5-7% do giá cước vận chuyển tăng.

Theo báo cáo của các địa phương, DN, hiện số lượng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh cung ứng cho thị trường dồi dào, đảm bảo đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu Nhân dân.

Đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu tăng cao

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Công thương đã xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống và cách ly do ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Trong đó, địa phương bị phong tỏa như Lộc Thuỷ (Phú Lộc) đã xây dựng kế hoạch cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Nhân dân trong vùng phong tỏa, cách ly tạm thời; một số địa phương khác cũng đã có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch.

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho rằng, hiện tại các DN phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn đều chủ động tăng nguồn hàng dự trữ, nhất là những mặt hàng thiết yếu để cung ứng cho người tiêu dùng. Do vậy, nguồn hàng hóa phục vụ luôn dồi dào, người dân cần bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua sắm tích trữ, tránh tập trung đông người, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đối với các địa phương thực hiện phong tỏa, sở phối hợp với các địa phương triển khai phương án kịp thời điều tiết hàng hóa thiết yếu khi cần thiết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Theo ông Thanh, Thừa Thiên Huế không phải là thị trường sản xuất lớn mà chủ yếu là thị trường bán lẻ, trong đó lợi thế là có nguồn hàng lớn từ các vùng nông thôn nên hàng hoá luôn dồi dào. Qua nhiều đợt giãn cách và phong toả tạm thời tại hai huyện Phong Điền và Phú Lộc, số lượng hàng hoá vẫn dồi dào, nguồn hàng do các DN vận chuyển về nông thôn thường xuyên nên chưa xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Hiện, sở tiếp tục chỉ đạo các DN dự trữ hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu thị trường và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, để ổn định thị trường và bình ổn giá, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra về giá, chống đầu cơ, găm hàng, đặc biệt là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo; hình thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử... nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 212 vụ vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính hơn 168 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các đối tượng vi phạm khắc phục hành vi vi phạm của mình.

Theo Sở Công thương, hiện các DN cung cấp hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn đang dự trữ trên 330 tấn gạo, 3 tấn thịt lợn, 6 tấn thủy, hải sản, 10 tấn rau củ… Các DN còn dự trữ các sản phẩm phòng, chống dịch để phục vụ người dân khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn, bao gồm 15 ngàn chiếc khẩu trang kháng khuẩn, 80.000 chiếc khẩu trang y tế, 5.000 lít nước sát khuẩn...

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

TIN MỚI

Return to top