ClockThứ Tư, 07/02/2024 07:27

Tên về miền nhớ

TTH - Sáp nhập các đơn vị hành chính nghĩa là mở ra không gian phát triển mới, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Và câu chuyện dự kiến sáp nhập tại một số địa phương đang dần tạo được sự đồng thuận của người dân, dẫu những cái tên sắp trở về miền nhớ.

Làng mai vàng truyền thống Điền Hòa

Những tuyến đường huyết mạch liên xã tại vùng Ngũ Điền được đầu tư khang trang. Ảnh: Phụng Đặng 

Ai từng sinh ra ở vùng cát sẽ thấm đẫm sự dãi dầu; ngửa cổ trông mưa, gánh từng gàu nước tưới cho cây cối tốt tươi; vượt trảng cát bỏng rát chỉ mong đổi mớ cá lấy vài lon gạo...

Tôi và chúng bạn từng một thời cuốc bộ, vượt trảng cát bỏng rát chân người đến trường. Quãng đường không xa, nhưng những cồn cát cao tựa quả đồi khiến con đường đến với con chữ như dài thêm. Mùa gió bão, cát tóe rát mặt.

Ấy là tôi nói về vùng cát Ngũ Điền (huyện Phong Điền) mấy thập kỷ trước, lúc đường chưa thông, giao thông chưa thuận khiến những ngôi làng gần nhau mà người ta vẫn hình dung về sự tách biệt.

Ông Hồ Văn Thành (thôn 11, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian “trở mình với đất”, lật từng thớ đất, cắm từng đọt khoai xuống vùng khô cằn.

Bây giờ, đã có quá nhiều đổi thay ngay giữa lòng Ngũ Điền, nhất là đường sá, nhà cửa khang trang hơn. Học sinh không còn vượt cát mà vi vu trên những con đường phẳng lỳ. Điền Lộc như đô thị thu nhỏ; một số tuyến ở Phong Hải được lát vỉa hè; “con đường hạnh phúc” của Điền Hòa mang hình ảnh khác, nhưng huyết mạch của xã này rộng và thoáng hơn xưa rất nhiều…

Thời gian khốn khó, hàng ngàn người dân nơi đây từng nghĩ về giấc mơ đổi thay, và có lẽ bây giờ nhiều người chưa kịp hình dung đó là sự thật. Và, thực tại, một câu chuyện khác khiến họ ngỡ ngàng: Từ xã lên… phường, rồi chuyện sáp nhập; đổi tên xã, tên thôn.

Hơn ai hết, chính ông Thành là người không lạ với chuyện đổi tên gọi các đơn vị hành chính, ông xem đó như sự biến thiên của thời cuộc.

Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Thành không phải là cư dân Điền Hòa mà quê quán ở miền biển Phong Hải. Đến bây giờ, ông vẫn giữ chứng minh nhân dân với quê quán Phong Hải, Phong Điền. “Việc đổi tên gọi thôn, xã xưa nay không mới. Từng một giai đoạn có tên gọi khác nhau, điều chúng tôi quan tâm là đời sống của người dân đang từng bước tốt hơn”, ông Thành bộc bạch.

Câu chuyện của ông Thành nhắc tôi nhớ đến sự kiện ngày 12/1/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 7-HĐBT, trong đó, điều chỉnh các thôn Trung Đồng, Trung Hải, Tân Hội, Mỹ Hòa, Thế Mỹ A, Thế Mỹ B của xã Phong Hải để nhập vào một số xã khác cùng huyện. Cụ thể, tách thôn Trung Đồng để sáp nhập vào xã Điền Hương, tách thôn Trung Hải để nhập vào xã Điền Môn, tách thôn Tân Hội và thôn Mỹ Hòa để nhập vào xã Điền Lộc, tách thôn Thế Mỹ A và thôn Thế Mỹ B để nhập vào xã Điền Hòa. Sau khi cắt 6 thôn cho các xã nói trên, xã Phong Hải còn lại hai thôn Hải Nhuận và Hải Đông.

Trước đó, những đơn vị hành chính này cũng bao lần “đi ngược về xuôi”.  Ấy thế mà, tên làng, tên xã đến nay vẫn ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Có lần, trên chuyến xe cùng anh Ánh ngược ra Bắc, câu chuyện giữa chúng tôi cứ mải miết với những tên gọi thôn, xóm trong tương lai.

Là Bí thư chi bộ thôn 11, xã Điền Hòa nên anh Ánh dẫu không muốn cũng phải quan tâm đến việc sáp nhập thôn, xã. “Dự kiến sắp tới sẽ sáp nhập Điền Lộc - Điền Hòa, Phong Hải - Điền Hải…, rồi trở thành phường, tui không phải cán bộ thôn nữa mà là cán bộ tổ dân phố”, Ánh cười thành tiếng.

Câu chuyện của chúng tôi vì thế cũng được ngược dòng lịch sử. Ánh nói: “Nhiều phương án, nhưng đa số người dân đã đồng thuận lấy tên xã mới là Phong Phú (sáp nhập xã Điền Lộc và Điền Hòa - PV)”.

Với Ánh, cái tên Phong Phú không hề xa lạ, anh bảo, chính tổ tiên của anh cũng một thời gắn với tên gọi này là đơn vị hành chính. Trong các cuộc kháng chiến, đội du kích Phong Phú một thời lẫy lừng.

Dù ít dù nhiều, sự thay đổi nào cũng mang lại sự nuối tiếc. Không phải không có tâm tư nhưng dân sẽ thuận khi tương lai được rộng mở.

Anh bạn đồng môn của tôi tỏ ra tiếc nuối khi cái tên Điền Hải sẽ ở lại miền nhớ sau sáp nhập với Phong Hải. Tôi đồ rằng, nếu điều này xảy ra, trong tương lai không ít người dân vẫn còn gợn ký ức tên gọi Điền Hải. “Cái tên mất đi nhưng sẽ có một tương lai, những cơ hội mới đến với người dân”, bạn nói, và đó cũng là mong mỏi của người dân. 

Bây giờ, không chỉ vùng Ngũ Điền mà người dân toàn tỉnh đang bắt đầu nghĩ nhiều hơn về sự kỳ vọng, khi những đồ án quy hoạch đã phác thảo ra tầm nhìn mới, cơ hội mới trong tương lai.

Điều ấy đang một phần được thực tế hóa, với người dân Phong Điền, họ đang nhìn thấy diện mạo vùng đất sắp trở thành thị xã trong tương lai. Thoát khỏi chiếc áo chật chội, hệ thống đô thị Phong Điền được đầu tư khang trang, bài bản hơn; những khu du lịch, trung tâm thương mại dần hình thành; hạ tầng y tế, giáo dục được đảm bảo về chất lượng, cơ sở vật chất; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu việc làm cho người dân…

Trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, quyết tâm đưa huyện Phong Điền thành thị xã đóng vai trò quan trọng.

Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng chỉ rõ, dự kiến hành chính đô thị từ nay đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận (trong đó thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía bắc sông Hương và quận phía nam sông Hương), 3 thị xã (thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Cùng với thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, dự kiến thị xã Phong Điền là đô thị trực thuộc có vai trò bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Phong Điền là thị xã cửa ngõ phía bắc, kết nối với tỉnh Quảng Trị, đô thị công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp năng lượng, trung tâm phát triển kinh tế biển; là khu vực du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển và đầm phá, du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; là đô thị phát triển hài hòa giữa công tác bảo tồn các làng cổ, làng nghề truyền thống, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Với định hướng trong tương lai, không chỉ Phong Điền, nhiều địa phương khác rồi sẽ mang trong mình một tâm thế khác, một hình ảnh khác tươi mới, phát triển hơn...

Quỳnh Viên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

TIN MỚI

Return to top