ClockThứ Ba, 18/08/2020 06:45

Truy xuất nguồn gốc hải sản để bắt nhịp xu thế

TTH - Truy xuất nguồn gốc hải sản không những tạo thuận lợi để sản phẩm tỉnh nhà có cơ hội hội nhập mà còn giúp ngư dân tiến tới phát triển nghề cá bền vững.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn chưa thống nhất, thiếu tiêu chuẩn minh bạchTruy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa: Còn nhiều rào cảnPhát triển các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm“Thẻ căn cước” cho nông sản

Hải sản trên địa bàn tỉnh chưa có giấy truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Thọ

Tiêu thụ tự phát

Tàu cập cảng, hàng loạt đầu nậu chen nhau thu mua hải sản. Tùy vào chất lượng hải sản mà những cuộc ngã giá chóng vánh. Dường như họ không quan tâm đến nguồn gốc hải sản được tàu bắt ở vùng biển nào mà chỉ chú trọng đến chất lượng, chủng loại hải sản.

Bà Trần Thị Gái, một tiểu thương tại cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang) bảo, sau mấy chục năm bán buôn ở cảng cá, bằng mắt thường bà nhận biết được chất lượng sản phẩm như thế nào. “Thị trường hải sản có lúc biến động nên chúng tôi mua hàng tùy theo “buổi chợ”. Hải sản được đánh bắt vào ngư dân cũng phân loại rõ ràng nên không khó để ngã giá”, bà Gái chia sẻ.

Tại cảng cá Thuận An, ngoài tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB), đội tàu hậu cần nghề cá hùng hậu tại đây khiến việc bán mua trở nên nhộn nhịp. Cảng cá này không chỉ là nơi trở về của các tàu cá tại Thuận An mà còn của các địa phương lân cận. Mối liên kết giữa đánh bắt – hậu cần – tư thương không biết hình thành từ khi nào nhưng có sự gắn kết chặt chẽ.

Những năm gần đây, giá hải sản bấp bênh, nhưng nếu không bán cho các đầu nậu, họ không biết tiêu thụ ở đâu. Chưa kể, ngư dân thường ứng trước tiền của tiểu thương để trả chi phí cho bạn tàu và nhiên liệu nên dĩ nhiên, đầu ra sản phẩm cũng lệ thuộc.

Ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mặn mà đăng ký truy xuất nguồn gốc hải sản. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát trở lại COVID-19)

Ngư dân Trần Văn Bảo (thị trấn Thuận An) cho biết, thông thường mỗi tàu cá đều có sẵn một đầu mối tiêu thụ riêng, chỉ cần cập bờ, tiểu thương sẽ đến bốc hàng. “Giá cả thì tùy theo thị trường, nhưng phần nhiều do tiểu thương quyết định, ngư dân thường rơi vào thế bị động”, ông Bảo nói.

Hải sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ nội địa. Chính điều này khiến ngư dân không quan tâm việc sản phẩm khai thác được sẽ đi về đâu. Đặc biệt, sau khi thị trường Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu, con đường tiểu ngạch bị hạn chế khiến ngư dân gặp khó. “Bán được cá là vui rồi, chúng tôi không quan tâm lắm sản phẩm của mình được sử dụng trong hay ngoài nước”, ngư dân Phan Xuân Khánh (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bày tỏ.

Cảng cá Thuận An là địa bàn trọng điểm thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh. Tại đây, mỗi tháng có khoảng 1.000 lượt tàu cá cập cảng. Do việc khai thác gặp khó, thị trường tiêu thụ bó hẹp nên  ngư dân không mặn mà với việc hoàn thiện thủ tục truy xuất nguồn gốc hải sản. Dù vậy, truy xuất nguồn gốc là một trong những nội dung mà ngư dân Việt Nam cần đáp ứng được theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Thực tế, chính việc không đáp ứng yêu câu này khiến các lô hàng hải sản xuất khẩu của nước ta bị EC phạt “thẻ vàng”.

Bắt nhịp & liên kết

Luật Thủy sản 2017 đã có những biện pháp để gỡ “thẻ vàng”. Trong đó, việc truy xuất nguồn gốc hải sản là yếu tố bắt buộc để sản phẩm vươn xa. Song, trên địa bàn tỉnh, ngoài những cơ sở cấp đông thu mua hải sản nội địa, số ít các DN chế biến thủy hải sản có xuất khẩu sang nước ngoài dường như chưa quan tâm đến nguồn nguyên liệu tại địa phương.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, khi những quy định của Nhà nước có hiệu lực, ngư dân Thừa Thiên Huế đã có những chuyển động, đa số tàu ĐBXB đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, điều này phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Song, đơn vị này cũng cho biết, chưa có tàu cá nào trên địa bàn tỉnh đăng ký giấy truy xuất nguồn gốc hải sản.

Nguyên nhân khiến ngư dân không mặn mà với việc truy xuất được các cơ quan chức năng cho rằng, chính việc không có đầu mối thu mua nguyên liệu để xuất khẩu nên với ngư dân, việc đăng ký không còn quan trọng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh Hồ Đăng Khoa, nhu cầu xuất khẩu là một chuyện, đáp ứng các quy định của Nhà nước là chuyện khác. Trong điều kiện hiện nay, ngư dân cần có tư duy hội nhập, đặc biệt các tàu ĐBXB phải hoàn thiện các giấy tờ bắt buộc, có như thế mới bền vững và tăng giá trị hải sản.

“Toàn tỉnh có khoảng 400 tàu cá được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sự liên kết giữa tàu cá và các đơn vị bao tiêu sản phẩm, cơ sở chế biến gần như không có. Lý do không chỉ nằm ở việc kết nối thị trường mà còn ở thủ tục. Do vậy, cần hình thành một chuỗi cung ứng, từ việc đánh bắt đến thành phẩm tiêu thụ”, ông Khoa nhấn mạnh.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc hải sản được thực hiện qua nhiều khâu, ngoài những giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, tọa độ đánh bắt… của chủ tàu cá.

Khi cập cảng, chủ tàu cá phải báo cáo chi tiết về hoạt động khai thác hải sản, hành trình chuyến biển, tổng sản lượng khai thác được, sản lượng từng loại sản phẩm... Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra và xác nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác làm cơ sở phục vụ xuất khẩu hải sản sau chế biến. Tại Thừa Thiên Huế, truy xuất nguồn gốc thủy sản chỉ được thực hiện theo yêu cầu của chủ tàu hoặc đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản. Hiện, do không có DN nào yêu cầu truy xuất nên bắt buộc ngư dân thực hiện công tác này còn khó khăn.

“Việc truy xuất nguồn gốc được Nhà nước quy định rõ ràng, nếu có DN chế biến xuất khẩu đề nghị thì chúng tôi sẵn sàng làm việc này. Vấn đề trước mắt cần có đầu mối tiêu thụ hải sản xuất khẩu. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn ngư dân thực hiện công tác này, bởi điều này ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng” của nghề cá nước ta”, ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thuận An cho biết.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xu thế việc làm trong thời kỳ số

Cán cân giữa lao động chính thức và phi chính thức đang có sự dịch chuyển không chỉ phạm vi cả nước mà ngay ở địa phương. Nhất là khi có nhiều ngành nghề mới hình thành trong thời đại công nghệ số, người lao động càng phải chủ động, thích ứng, tự học để duy trì công việc và thu nhập ổn định.

Xu thế việc làm trong thời kỳ số
Bắt nhịp cho du lịch mua sắm

Yếu tố mua sắm ở điểm đến du lịch trở thành một trong những động lực cho chuyến du lịch của nhiều du khách. Cùng với các ngôi chợ truyền thống ở Huế, sự ra đời của Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế sẽ thúc đẩy loại hình du lịch mua sắm phát triển và doanh nghiệp du lịch đưa vào tour tuyến phục vụ khách.

Bắt nhịp cho du lịch mua sắm
Tái tạo nguồn lợi thủy sản là xu thế tất yếu

Được các ban ngành, địa phương thực hiện đều khắp trên các thủy vực, tính riêng số lượng giống thủy sản thả vào biển, đầm phá, sông trong năm 2023 đạt 1,5 triệu con, gấp 20 lần so với 10 năm trước.

Tái tạo nguồn lợi thủy sản là xu thế tất yếu
Hợp tác quốc tế trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu

Việc cân bằng giữa các yếu tố bảo đảm an ninh thương mại và tạo thuận lợi thương mại là yêu cầu mới đặt ra cho ngành hải quan trước xu thế tự do hóa giao thương toàn cầu. Vấn đề rất quan trọng hiện nay là làm sao dự báo đúng các xu hướng quan hệ thương mại, đầu tư để hoạch định chính xác các kế hoạch, định hướng và xác định các ưu tiên hợp tác quốc tế phù hợp.

Hợp tác quốc tế trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu

TIN MỚI

Return to top