ClockThứ Ba, 10/03/2020 14:39

Tái cơ cấu chăn nuôi lợn - Bài 2: Xây dựng chuỗi giá trị

TTH - Cơ cấu lại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ đã và đang được khuyến khích. Các địa phương cũng quyết liệt hơn trong xây dựng, nhân rộng những mô hình này.

Tái cơ cấu chăn nuôi lợn - Bài 1: Thách thứcTái cơ cấu đàn lợn trước dịch tả lợn châu Phi

Chăn nuôi phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học

Xây dựng chuỗi liên kết

Trước sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi (TLCP), từ các doanh nghiệp đến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã tích lũy được kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh.

Ông Tôn Văn Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chia sẻ, trước và sau khi xuất hiện dịch, các giải pháp chăn nuôi an toàn đã được triển khai ở hầu hết các trang trại của CP.

Theo đó, các trang trại trong chuỗi liên kết đều thiết lập các vành đai chống dịch từ xa. Tất cả người, phương tiện vào trại đều được khử trùng, cách ly tại khu vực riêng trước khi vào khu vực trang trại, không tiếp xúc với chuồng nuôi. Phương tiện từ nơi khác vào trại được phun thuốc khử trùng, sau 2h mới vào khu trại. Người muốn vào trại cũng phải tắm rửa sát trùng và ở tại khu vực cách ly của trang trại, ăn ở tại đây một thời gian mới được vào trại.

Người làm việc trong trại cũng được giới hạn theo nhiệm vụ của mình, không sang những khu vực khác để tránh mang mầm bệnh lây chéo giữa các khu chuồng. Khu vực chăn nuôi, kho bãi đều được lắp đặt tia UV kháng khuẩn với khoảng cách 7m/đèn.

Theo ông Tuấn, các trang trại đều phải thực hiện nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Quanh khu vực trang trại không chỉ có tường rào, mà hệ thống trang trại của CP còn được giăng lưới đến cả muỗi cũng không thể lọt vào. Công tác phòng bệnh được tăng cường tối đa. Công ty cũng tiến tới sử dụng các dụng cụ vệ sinh, ăn uống độc lập cho từng chuồng nuôi, hạn chế việc lây lan nguồn bệnh. Cùng với các biện pháp chống dịch, trang trại tăng cường sức đề kháng của toàn bộ đàn lợn.

Đó cũng là kinh nghiệm của các đơn vị chăn nuôi lớn trên địa bàn như: Lam Điền, Thái Việt, 1/5. Một số trang trại còn thực hiện cách ly, sát trùng, giám sát người, phương tiện muốn vào trại tại khu vực riêng 2-3 ngày mới được vào trại, ứng dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, hữu cơ. Các mô hình chuỗi liên kết, tập trung khâu chế biến cũng đã có những bước phát triển với sự tham gia của Tập đoàn Quế Lâm, CP, Công ty Quốc Trung…

Chăn nuôi an toàn sinh học

Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 14.000 con lợn được nuôi mới, trong đó lợn nái có khoảng 500 con (đạt khoảng 10% tổng đàn). Doanh nghiệp và trang trại lớn tái nuôi 183 con lợn nái và 8.500 con lợn thịt. Lợn tái đàn được nuôi phần lớn tại các trang trại bảo đảm ATSH, các gia trại nuôi lợn tập trung, các hộ có đất đai rộng, cách ly, cách biệt với nhà ở và áp dụng các biện pháp ATSH. Các địa phương đã công bố hết dịch hoặc địa phương chưa xảy ra dịch cũng đang tiếp tục nuôi mới.

Trên cơ sở thành công của các mô hình bước qua dịch, UBND tỉnh đã thống nhất đề án phát triển đàn lợn nuôi hướng hữu cơ, theo hướng an toàn sinh học, tại các huyện Quảng Điền và Phong Điền làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, huyện đang xây dựng đề án hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Các gia trại sẽ có quy mô 3 con lợn nái, 36 con lợn thịt/hộ. Dự kiến trong năm 2020, huyện sẽ triển khai nuôi ở 15 hộ và các năm sau sẽ tiếp tục nhân rộng, góp phần tái đàn lợn hiệu quả và bền vững.

Theo đề án này, đến năm 2025, huyện Quảng Điền sẽ có 110 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo ATSH theo chuỗi giá trị, với quy mô thường xuyên 330 con lợn nái và 3.960 con lợn thịt trong vùng đề án. Hiện, công tác khảo sát các hộ nuôi đã được triển khai.

Tại Phong Điền cũng triển khai các vùng chăn nuôi lợn tập trung ATSH tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích quy hoạch gần 308 ha. Các huyện khác cũng đưa ra lộ trình triển khai thực hiện, trong đó chủ yếu đầu tư từ năm 2020 đến năm 2022, sau đó là triển khai nhân rộng.

Truy suất nguồn gốc

Theo nhận định của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Hưng, nội dung quan trọng không kém trong tái cơ cấu chăn nuôi lợn, chính là chuyển dịch sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thay thế dần thịt lợn trong khẩu phần ăn. Hướng đi này đang phát huy hiệu quả khi tổng đàn gia cầm trên địa bàn tăng nhanh, hiện có khoảng 3.985 nghìn con, tăng 31,4%, so với năm 2018, trong đó, tổng đàn gà có 3.248 nghìn con, tăng 47,2%.

Ngoài ra, các trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học cần xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp, tức là chăn nuôi cùng lúc nhiều loại vật nuôi tránh đầu tư tập trung để giảm gánh nặng khi có dịch hay yếu tố bất lợi xảy ra.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật nuôi, trồng theo hướng an toàn, truy xuất được nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị cũng như hạn chế được những rủi ro.

Nghĩa là ngay từ bây giờ, ngành chăn nuôi cần có những bước đi phù hợp hơn, bắt đầu từ việc liên kết, xây dựng các mô hình VietGAP, hữu cơ. Trong năm 2020, chi cục sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ cấp chứng nhận hữu cơ cho các cơ sở, khu vực đạt chuẩn làm giấy thông hành; đẩy mạnh hỗ trợ truy suất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới
Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

“Cay, ngon, sạch” - sản phẩm nước ớt và tương ớt của Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân do anh Tô Đông Thoạn, ở Vinh Xuân, Phú Vang sản xuất đã và đang được thị trường đón nhận. Hiện, chủ cơ sở sản xuất đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu riêng khi Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân vừa được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023”.

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

TIN MỚI

Return to top