ClockThứ Hai, 07/08/2017 05:46

Nam Đông phát triển cây đặc sản

TTH - Các loại cây đặc sản như: cam, gấc, chuối, dứa…mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân ở huyện Nam Đông. Để trái cây đặc sản thực sự “vươn tầm”, Nam Đông chủ trương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị.

Cam Nam Đông đang được phát triển mạnh diện tích

Xây dựng thương hiệu “Cam Nam Đông” 

Cam là loại cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Nam Đông, sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng quả thơm ngon. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây cam, diện tích trồng cam tại Nam Đông liên tục được mở rộng, mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân. Toàn huyện có khoảng 75ha cam đã được trồng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 30ha. Nhiều mô hình trồng cam đạt hiệu quả; một số mô hình có năng suất đạt 20 tấn/ha/năm, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm.

“Trong khi nhiều loại nông sản khác “bí” đầu ra thì cam Nam Đông luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bởi, giống cam này có chất lượng vượt trội nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện cung không đủ cầu. Chính điều này thúc đẩy bà con mở rộng quy mô trồng và nhiều hộ dân ở các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú trồng từ 0,5- 1,5ha cam”, ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay.

Giai đoạn 2016- 2020, huyện Nam Đông xác định cam là một trong những cây trồng chủ lực và xây dựng đề án phát triển cam Nam Đông với diện tích 400ha theo tiêu chuẩn VietGap. Theo tính toán, năng suất bình quân 17,5 tấn/ha, sản lượng 1ha/chu kỳ kinh doanh đạt 140 tấn, tổng sản lượng của dự án trong 1 chu kỳ đạt 56.000 tấn cam quả. Với giá thấp nhất tại vườn là 15 triệu đồng/tấn có doanh thu 1ha cam bình quân 175 triệu/ha/năm, tổng doanh thu 1ha của một chu kỳ 12 năm đạt 2,1 tỷ đồng. Giá trị gia tăng của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp. Như vậy, dự án cam sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, để hiện thực hóa thương hiệu “Cam Nam Đông”, trước mắt, huyện sẽ tập trung chuyển đổi diện tích trồng keo trên đất ít dốc có tiềm năng, diện tích cao su đổ gãy nhiều, diện tích cao su già cỗi đến thời kỳ tái canh kém hiệu quả để trồng cam.

“Huyện sẽ có những giải pháp căn cơ, hướng dẫn bà con sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ViệtGAP, quản lý chặt chẽ qui trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và phân phối tiêu thụ sản phẩm”- Bà Hương khẳng định.

Nâng chất lượng cây đặc sản

Bên cạnh cây cam, chuối cũng là cây đặc sản được huyện Nam Đông chú trọng phát triển. Toàn huyện hiện có khoảng 150ha chuối các loại được trồng kết hợp với các loại cây trồng khác để phát triển kinh tế vườn, hộ gia đình. Các loại chuối đặc sản như: chuối tiêu, chuối ngự tím, chuối thanh tiên được phục tráng, giúp bà con vùng Nam Đông nâng cao thu nhập. Nắm bắt được xu hướng của thị trường, người dân liên tục mở rộng quy mô trồng, đến nay chuối đặc sản được mở rộng lên đến gần 100 ha.

Ông Lê Đức Tâm (thôn 10, xã Hương Hòa) cho biết, trồng chuối đặc sản phải theo hướng hữu cơ, tại vùng đất có độ ẩm phù hợp và đầu tư hệ thống tưới tiêu. So với các loại chuối thông thường, chuối đặc sản ít bị sâu bệnh và trồng được quanh năm. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch trong vòng khoảng 1 năm. Trồng chuối đặc sản phải kết hợp với chăn nuôi để có phân hữu cơ bón cho chuối.

Theo tính toán của người dân, trồng chuối đặc sản theo đúng kỹ thuật, mỗi hộ dân có thu nhập từ 6-7 triệu đồng/1 sào/năm. So với các loại chuối thông thường, giá trị kinh tế của chuối đặc sản cao gấp 1,5- 2 lần.

Ông Phạm Tấn Son cho biết: “Cùng với cam, gấc và dứa, chuối đặc sản là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Mặc dù thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu trong nội tỉnh, nhưng cũng mang lại thu nhập cao cho người trồng chuối đặc sản. Nhận thấy tiềm năng phát triển nên trong đề án phát triển nông nghiệp, chúng tôi chú trọng việc quy hoạch vùng trồng chuối đặc sản nhằm tạo thêm một loại trái cây mang thương hiệu của vùng đất Nam Đông. Để phát triển bền vững, chúng tôi đã cử cán bộ đến khảo sát các vùng trồng chuối đặc sản, đồng thời hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc”.

Theo đề án phát triển nông nghiệp của huyện Nam Đông, đến năm 2020 sẽ phát triển: Cam và cây có múi 300-400ha, sản lượng 6.000-8.000 tấn/năm; cây gấc nguyên liệu đạt 100-150ha, sản lượng 2.000- 3.000 tấn/năm; chuối 150ha, sản lượng 3.000-3.300 tấn/năm; phát triển cây mít qui mô 30-40ha; phát triển cây dứa 30-50ha… góp phần xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá; trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Bài, ảnh: Thái Bình - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển

Từ năm 2000, Thừa Thiên Huế gặp muôn vàn khó khăn sau trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999. Dù thế, với những nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sau gần 25 năm, thành quả lớn nhất là thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

5 nhiệm kỳ, một chặng đường phát triển
Vùng Đông bừng sáng

“Muốn làm giàu tìm đất có thế”! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

Vùng Đông bừng sáng
Bước đệm phát triển sau sáp nhập

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi phường Hương Hồ và xã Hương Thọ (quận Phú Xuân) “về chung một nhà” với tên gọi mới – phường Long Hồ. Việc sáp nhập 2 phường, xã này vừa tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi thế du lịch, dịch vụ.

Bước đệm phát triển sau sáp nhập
Ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch dịch vụ

Với mục tiêu đưa Thuận Hóa trở thành trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án (DA) trọng điểm, năm 2025 quận Thuận Hóa tăng cường nguồn lực đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm cũng như khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá trên địa bàn.

Ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch dịch vụ

TIN MỚI

Return to top