ClockChủ Nhật, 20/10/2019 07:55

Hòa Xuân - làng chài bên sông Ô Lâu

TTH - Làng Đại Lộc của tôi cách một cánh đồng dài mới đến bờ sông. Bởi thế dân làng hầu như chẳng ai làm nghề chài lưới. Nhưng nhìn sang bên kia sông Ô Lâu là một ngôi làng nhỏ chừng ba chục ngôi nhà và đó là một làng chài có tên rất đẹp Hòa Xuân. Hồi cấp 1, lớp tôi có năm bảy đứa từ làng chài Hoà Xuân này bơi đò qua sông theo học hàng ngày. Nhưng lên cấp 2 thì những người bạn đó bỏ học hoặc chuyển trường dần.

Làng hoa Xuân Hòa hối hả đón tếtTour dọc sông Ô Lâu chưa hút kháchNơi cửa sông

Cầu Hòa Xuân bắc qua sông Ô Lâu

Làng chài Hoà Xuân ngày trước nghèo hiu hắt. Tôi nhớ những lần ra sông Ô Lâu tắm cùng với mấy người bạn chăn trâu. Từ bên làng Hòa Xuân có một con trâu bạc bơi qua nhập bầy với mấy con trâu đen của làng tôi. Bởi vì con trâu có màu trắng nên nó nổi bật giữa dòng sông. Trời nhập nhoạng, bầy trâu tìm đường về nhà. Con trâu bạc bơi rẽ nước về bên kia sông; khi đó những ánh đèn dầu từ những chiếc đò trên sông và từ những ngôi nhà nhỏ bên sông cũng vừa được thắp lên; tiếng gõ mạn đò thả lưới cũng dồn dập vang lên giữa dòng sông. Có lẽ đó là thời điểm sinh động nhất trong một ngày của làng chài này...

Bỗng một ngày làng chài Hoà Xuân vui hẳn khi hợp tác xã xây dựng một lò gạch ngay bìa làng ven sông. Cái lý để xây dựng nên lò gạch cũng đơn giản, bởi đất bên kia sông là đất sét là nguyên liệu sẵn có để nung gạch, vận chuyển gạch bằng đò là tiện nhất. Rồi một vòi khói to phun lên bên kia sông khi mẻ gạch đầu tiên được vô lò. Dân quanh vùng vui lắm, bởi sẽ có gạch để xây nhà khỏi phải mua xa tận thành phố. Nhưng nung thành gạch hồng không phải là chuyện dễ, cho dù hợp tác xã đã cử người đi tận làng gạch ngói Nam Thanh để học nghề. Những mẻ gạch khi non khi già của lò gạch Hoà Xuân ra đời và cho lời lãi chẳng bao nhiêu.

Tôi nhớ có lần được ba cho theo đò qua lò gạch Hòa Xuân chơi. Buổi trưa hôm đó hai cha con tôi được chú Sứ là trưởng lò gạch đãi một bữa cơm trưa với cá sông tươi kho ớt. Chú Sứ nói nhiều về tương lai của lò gạch, về những ngôi nhà xây mọc lên hai bên bờ sông. Thế nhưng, chỉ mấy tháng sau thì lò gạch đóng cửa vì gạch làm ra không đảm bảo chất lượng nên không bán được.

Trong đám bạn học làng Hòa Xuân của tôi thằng Hiệu bây chừ là thành đạt nhất. Hắn làm nghề đánh đàn đám cưới. Thằng Hiệu đánh đàn theo phong cách bình dân, nhạc chi chơi cũng được, bolero thì đánh rất ngọt nên đám cưới ở mấy làng quanh vùng rất chuộng tay đàn của hắn. Có lần Hiệu nói chuyện với tôi là làng tau không tìm ra được gốc gác, nhờ mi tìm với. Tôi không thể làm được chuyện đó, nhưng giới thiệu với Hiệu nên tìm một nhà nghiên cứu văn hóa làng ở Huế để tìm coi thử được không...

Qua câu chuyện đi tìm nguồn gốc của làng Hòa Xuân tôi mới biết thêm được nhiều điều thú vị về làng chài này. Những người già nhất làng kể, làng cũng có một ngôi mộ tổ nhưng tấm bia đá thì chỉ ghi nguệch ngoạc mấy ký tự không ai đọc được cả. Ngay cả cái tên Hòa Xuân đẹp là thế cũng không biết mang ý nghĩa gì. Rồi đình làng bị cháy trong những năm chiến tranh và từ đó tất cả dân làng đều cảm thấy bơ vơ ngay trên chính nơi quê quán của mình.

Theo đúng hẹn, một buổi trưa mùa hè, khoảng gần chục người của làng Hòa Xuân chờ tôi tới một quán nước ở đường Lê Lợi - Huế để cùng đi đến nhà của nhà nghiên cứu văn hóa làng xã nhờ ông tìm nguồn gốc của làng. Cụ trưởng làng mặc luôn một bộ áo dài thụng, khăn đóng màu xanh rất nghiêm cẩn.

Nguồn gốc của làng Hòa Xuân đã được Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh trả lời: Cư dân ban đầu của làng là dân lưu lạc vốn thuộc 3 huyện của xứ Huế lúc bấy giờ là Đan Điền, Kim Trà và Phú Vang và một phần từ Quảng Trị, phần lớn sống theo nghề rớ lưu chuyển trên phá Tam Giang. Năm 1647 niên hiệu Phúc Thái triều Lê, chúa thượng Nguyễn Phúc Lan đã ban cho dân làng đặc ân là được phép khai hoang phục hóa vùng đất đầm lầy dọc ven hai bờ phá Tam Giang để làm ruộng, ổn định cuộc sống. Và tên hiệu của làng cũng đặt ra từ đó: phường Trung Hòa. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, tiếp tục ban ân cho dân làng. Sau hơn 10 năm đắp đập be bờ, khai hoang phục hóa, tạo thành ruộng đồng, dân phường Trung Hòa đã khai hoang được 306 mẫu ruộng, với dân số 823 hộ. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cấp cho ngư dân của phường được ưu tiên rớ cá trên lòng phá Tam Giang, trên từ xứ Thượng Lôi Mã, dưới tới miếu Tứ vị thành nương tại xứ Can Lô, cồn Nong, làng An Nong (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), lấy nghề rớ cá sinh sống. Hàng năm nạp cá tươi vào các kỳ lễ nguyên đán, mừng thọ, cầu an, cầu phúc và kỵ chạp các từ đường của phủ Chúa và nạp 4.000 con cá ướp muối.

Ngược lại được miễn trừ sưu dịch (không nộp thuế). Các làng có nghề đánh cá trên phá Tam Giang như Bác Vọng, Thủy Bạn (nay là Thủy Tú) không được thu thuế đánh cá của phường Trung Hòa. Văn bản xác nhận là tờ thị của chúa, có nội dung như trên. Chúa Nguyễn Phúc Tần cũng ban cho dân làng một ngôi nhà rường của chúa tại Phú Xuân, để tháo dỡ về dựng thành đình phường Trung Hòa. Người dân lân cận gọi là đình làng Rớ. Dưới đời vua Gia Long, tên phường Trung Hòa đã được đổi thành làng Hòa Xuân với ngụ ý của Ngài ban cho ngôi làng này sẽ có bốn mùa mưa thuận gió hòa, bốn mùa đều là xuân. Tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay...

Từ ngày chiếc cầu Hòa Xuân được hoàn thành nối đôi bờ sông Ô Lâu, làng Hòa Xuân cũng đã phát triển hơn nhưng người dân làng vẫn chủ yếu làm nghề đánh cá và đóng thuyền. Mà cũng lạ mấy chục năm rồi nhưng cái làng chài nhỏ đó vẫn có chừng mấy chục nóc nhà như thuở nào. Chỉ có điều khác là làng chài Hòa Xuân giờ đã đẹp hơn xưa với mấy hồ sen bung nở sắc hồng bao quanh làng...

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiều ở Phước Tích

Chiều tà buông lơi giữa đất trời, đẹp như một nét cọ thăng hoa đầy phóng khoáng trong bức tranh phong cảnh làng quê của người họa sĩ thích sống đời lang bạt. Nắng lộng lẫy vắt ngang những cành cây đang phiêu dao trong gió, rồi như tan ra, chảy loang trên mặt nước sông Ô Lâu. Tôi đứng ở bến sông làng cổ Phước Tích, nhìn sóng nước vỗ bờ man mác, nhìn hoàng hôn chảy vào miền thinh lặng của tâm hồn.

Chiều ở Phước Tích
Thả 330 ngàn con cá giống xuống sông Ô Lâu

Sáng 31/5, tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Ô Lâu.

Thả 330 ngàn con cá giống xuống sông Ô Lâu
Thức tỉnh làng chài Phú Hải

Hãy lắng lòng thư thái để nghe lời vỗ về của sóng nước Tam Giang mà quên đi mọi ưu tư muộn phiền của cuộc sống, tan biến mọi nhọc nhằn vất vả để có được tâm thái tự tại an nhiên trước những biến động vô thường của xã hội.

Thức tỉnh làng chài Phú Hải
Thuyền về, tôm cá đầy khoang

Sau lễ hạ vọng, ngư dân các vùng biển bãi ngang bắt đầu “xông biển” đầu năm. Những lá cờ Tổ quốc phấp phới cùng thuyền ngư dân bắt đầu thẳng tiến ra biển để “hái lộc” đầu năm.

Thuyền về, tôm cá đầy khoang

TIN MỚI

Return to top