ClockThứ Bảy, 01/12/2018 06:50

Chuỗi giá trị nông nghiệp phải có doanh nghiệp đầu tàu

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm, số doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp quá ít, nguồn đất đai trong sản xuất khó tiếp cận.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1%

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trung bình 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu (XK) đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD/năm. Giá trị XK nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.

Nhưng quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại, giảm từ 3% giai đoạn 2008-2010, còn 2,8% giai đoạn 2011-2015 và chỉ còn 2,1% giai đoạn 2015-2017. Quá trình phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm trong giai đoạn qua

Tỷ trọng lao động nông nghiệp còn cao so với tổng lao động xã hội, vẫn còn 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông lâm thuỷ sản. Năng suất lao động nông nghiệp mặc dù được cải thiện nhưng chỉ bằng 38,1% so với năng suất lao động chung của nền kinh tế.

Khu vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa đủ lớn về quy mô, dẫn đến lao động dư thừa, thiếu việc làm đang tạo sức ép lớn đối với khu vực nông thôn. Tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá lớn, kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ ở nông thôn (chiếm 53,9%) quy mô nhỏ lẻ (trung bình chỉ đạt ,18ha/thửa và 2,5 thửa/hộ). Điều này khó tập trung đất đai hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật.

Doanh nghiệp nông nghiệp còn ít (chiếm dưới 1% so với tổng số doanh nghiệp cả nước) quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu. Liên kết sản xuất giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị chưa phổ biến để thúc đẩy cơ giới hoá, chi phí sản xuất cao và chất lượng nông sản còn thấp.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, giải quyết vấn đề về giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản chính là kinh tế hợp tác, chúng ta không thể làm điều này với những đơn vị sản xuất nhỏ. Kinh tế hợp tác với mô hình hợp tác xã sẽ là cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp theo kinh tế hộ đi lên sản xuất quy mô lớn.

“Chuỗi từ sản xuất để nông nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí thì doanh nghiệp phải là đầu tầu. Người nông dân không thể tự mình tạo ra được giá trị gia tăng, vai trò lớn phải là doanh nghiệp. Những chính sách để doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp nông thôn được sự hỗ trợ, đó là gián tiếp hỗ trợ cho người nông dân, qua đó kích thích được chuỗi ngành hàng, thay đổi quy trình sản xuất trong nông nghiệp” - ông Lê Minh Hoan nói.

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là đất đai

Gắn kết nông thôn và đô thị tạo động lực cho phát triển

Chuyên gia chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn TS Đặng Kim Sơn cho rằng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn phải gắn kết nông nghiệp - công nghiệp, đô thị - nông thôn. Tạo điều kiện quy mô sản xuất, phát triển trang trại, cơ hội chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

“Phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động ở ngay nông thôn để lao động nông nghiệp "ly nông bất ly hương", không di cư ra đô thị. Cách tốt nhất là tạo ra một mô hình kinh tế liên kết, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng mới, tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của nông sản” - TS Đặng Kim Sơn nói.

Hạ tầng cho vùng sản xuất nông sản cũng đang là điểm yếu của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. TS Đặng Kim Sơn phân tích, hai vùng chuyên canh nông nghiệp chính của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên không có hàng không chuyên dụng cho nông nghiệp, hoàn toàn không có đường sắt và hầu như không có đường cao tốc kết nối với TPHCM. Các dịch vụ hỗ trợ và hậu cần khác cho nông nghiệp cũng không tập trung ở các vùng chuyên canh nông nghiệp là hạn chế khả năng cạnh tranh của nông sản.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguồn lực quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là đất đai, doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp cần được tạo điều kiện để tiếp cận. Cho phép doanh nghiệp được quyền nhận chuyển nhượng có điều kiện các loại đất nông nghiệp từ các hộ gia đình. Doanh nghiệp nhận đất từ các hộ dân phải có kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và không chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Với doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất quy mô lớn (100ha trở lên) nên cho phép xây dựng một số các công trình kiên cố như nhà kho, nhà máy sơ chế, nhà kính… có thể nới thời gian sử dụng đất lên đến 70 năm hoặc không quy định về thời gian sử dụng đất nông nghiệp” - TS Nguyễn Đình Cung nói.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuống đồng

Dù nông nghiệp được cơ giới hóa hỗ trợ như thế nào, thì những ngày xuống đồng làm đất chuẩn bị gieo cấy cho vụ mùa đông xuân của bà con nông dân cũng là “sự kiện” gây thương nhớ nôn nao cho bao người. Với Huế, đó là những ngày người nông dân nhọc nhằn xuống đồng sau thời gian đất nghỉ chờ qua mùa mưa lũ và phần nhiều là trong tiết trời của ngày đông giá lạnh. Dù thế, với bà con, mỗi ngày bám ruộng, bám đồng là một ngày nguyện ước mùa màng bội thu. Những cánh đồng cứ thế mơn mởn lộc non và ngời ngời sức sống trước khi tết Nguyên đán đem năm mới về.

Xuống đồng
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top