ClockChủ Nhật, 21/11/2021 14:25

Nguy cơ mất an toàn trong đánh bắt mùa biển động

TTH.VN - Nguồn hải sản gần bờ sau những ngày biển động mạnh thường dồi dào nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn cho tàu thuyền, ngư dân khi vươn khơi.

Câu cá ven bờ: “Nghề chơi, ăn thiệt”

Ngư dân Phong Hải chuẩn bị "hầu sóng" khi trời chưa tỏ rạng

Sau đợt không khí lạnh tăng cường, áp thấp, biển động mạnh, những ngày này ngư dân bắt đầu có những chuyến biển đầu tiên. Nguồn hải sản gần bờ vào thời điểm này thường dồi dào, bán được giá nên ngư dân có nguồn thu nhập khá. Đây cũng là cơ hội cho các hộ dân vùng biển ổn định cuộc sống sau nhiều ngày “ngồi chơi xơi nước” vì biển động và ảnh hưởng dịch COVID-19.

Những ngày này, nhiều thuyền khai thác gần bờ liên tục trúng đậm cá bạc má, nục, cá khoai, sòng… Mỗi chuyến biển kéo dài nửa ngày có thể đánh bắt vài chục kg cá, những ngày trúng đậm đến cả tạ. Hải sản tươi tại bãi biển không chỉ tiêu thụ mạnh mà còn bán được giá, như cá khoai bình quân mỗi kg 100-150 ngàn đồng, các loại cá nục, bạc má, sòng có giá 50-70 ngàn đồng/kg. Các trộ lưới trúng cá buôi, đối và một số loại có giá trị kinh tế sẽ có giá bán cao hơn nhiều.

Tuy nhiên hành trình đến với biển khơi cũng như trở về bờ của ngư dân vùng ven biển cũng lắm gian nan, thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong điều kiện thời tiết biển bình thường, biển lặng, chỉ cần mất 5-10 phút ngư dân có thể dong thuyền vươn khơi. Còn với những ngày biển chưa thật sự ổn định, biển động nhẹ như hiện nay, ngư dân buộc phải “hầu sóng” mất cả tiếng đồng hồ mới vượt qua những con sóng lớn để tìm đến các vùng biển, tiếp cận luồng cá khai thác.

Ngư dân Võ Tuấn ở xã Quảng Công (Quảng Điền) bảo, mỗi lần “hầu sóng” cứ thót tim, thuyền chưa kịp ra khơi bị con sóng cao lớn xô ngược vào bờ. Có không ít thuyền không may gặp những đợt sóng lớn, vỗ liên tục nhấn chìm. Mấy ngày qua, tại vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn xảy ra ba vụ chìm thuyền, rất may ngư dân bảo toàn tính mạng nhưng thuyền, máy móc, lưới chài bị hư hỏng nặng.

Vùng biển Ngũ Điền những ngày này cũng khá nhộn nhịp cảnh thuyền ngư dân ra khơi. Trong hàng chục chiếc thuyền vượt qua những đợt sóng lớn cũng có một số thuyền không may bị sóng nhấn chìm. Trong nguy nan, ngư dân vùng biển giúp nhau vượt qua hoạn nạn, hiểm nguy. Thường mỗi chuyến biển, thuyền chuẩn bị ra khơi, trên bờ tập trung hàng chục người dân theo dõi, kịp thời hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn khi có thuyền bị chìm.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin, địa phương khuyến khích ngư dân vươn khơi sau những ngày biển động nhằm tận dụng, khai thác nguồn lợi hải sản dồi dào. Tuy nhiên luôn kiểm tra, yêu cầu ngư dân chấp hành các quy định, biện pháp an toàn trong quá trình vươn khơi, đánh bắt. Trước khi ra biển, thiết bị máy móc phải được kiểm tra, đảm bảo an toàn, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, phao tròn, áo phao.

Thành quả sau chuyến vươn khơi mùa biển động ở Phong Hải

Tuy vậy qua kiểm tra, theo dõi, một bộ phận ngư dân ở Phong Hải nói riêng, các vùng biển khác nói chung còn chủ quan, không trang bị áo phao, phao cứu sinh; hoặc có trang bị nhưng không sử dụng, không mặc áo phao trong hành trình vươn khơi, đánh bắt hải sản trên biển. Đây là điều đáng lo ngại trước sự tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa biển động.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền chia sẻ, địa phương thường cử cán bộ phối hợp với đại diện các thôn, chi hội nghề cá tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn trước khi ngư dân xuất bến. Với những thuyền chưa đảm bảo trang bị áo phao, phao cứu hộ sẽ nhắc nhở hoặc nghiêm cấm xuất bến. Lãnh đạo xã cũng đến tận các thuyền, hộ ngư dân để trao đổi, tuyên truyền nâng cao nhận thức và yêu cầu chấp hành đúng quy định trong quá trình vươn khơi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Văn Giang khẳng định, tai nạn chìm xuồng trong khi cố gắng vươn khơi sau những ngày biển động từng diễn ra trên địa bàn tỉnh. Không có số liệu thống kê cụ thể nhưng ghi nhận hầu như năm nào cũng xảy ra vài vụ chìm thuyền gần bờ. Những năm gần đây tính mạng ngư dân được an toàn nhờ các lực lượng, người dân hỗ trợ, ứng cứu kịp thời trong các vụ chìm xuồng nhưng luôn cảnh báo nguy cơ rủi ro, mất an toàn tính mạng rất cao nếu ngư dân tiếp tục chủ quan, không chấp hành việc mặc áo phao trong quá trình bám biển, để chìm xuồng.

Những ngày này, cán bộ thuỷ sản phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình vươn khơi đối với tàu, thuyền, kể cả tàu đánh bắt xa bờ. Với những tàu, thuyền không đảm bảo các điều kiện an toàn như thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, cứu hộ cứu nạn sẽ tuyệt đối nghiêm cấm vươn khơi, thậm chí bị xử phạt hành chính tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm theo quy định.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

TIN MỚI

Return to top