ClockThứ Bảy, 27/01/2024 10:47

Loạt chính sách kinh tế mới hiệu lực từ tháng 2/2024

Một số chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế như hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2024; Sửa quy định về kinh doanh thuốc lá; Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nguyên tắc xác định tham số điều phối slot tại cảng hàng không... sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 2/2024.
Cục Hàng không Việt Nam quyết định về tham số điều phối slot tại cảng hàng không. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN 

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2024

Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BCT ngày 22/12/2023 quy định hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024.

Thông tư quy định, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm (trứng thương phẩm không có phôi) năm 2024, gồm trứng gà; trứng vịt, ngan và loại khác là 68.670 tá.

Hạn ngạch mặt hàng muối - mã số hàng hóa 2501 (gồm cả muối ăn và muối đã bị làm biến tính và natri clorua tinh khiết, có hoặc không ở trong dung dịch nước hoặc có chứa chất chống đóng bánh hoặc chất làm tăng độ chẩy; nước biển) là 88.000 tấn.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024. Theo đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024 được thực hiện theo phương thức phân giao quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 12/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế và làm nguyên liệu sản xuất hóa chất.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu.

Bộ Công Thương trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2024.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/2/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Sửa quy định về kinh doanh thuốc lá

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 43/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT quy định một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá.

Thông tư 43/2023/TT-BCT sửa đổi khoản 1, khoản 9 Điều 13 về biểu mẫu, chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá:

Định kỳ 06 tháng, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá, nhập khẩu thuốc lá phải gửi báo cáo về Bộ Công Thương về hoạt động sản xuất sản phẩm thuốc lá và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá (trước ngày 10 tháng 01 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).

Định kỳ 06 tháng Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá phải gửi báo cáo thống kê sản lượng, loại sản phẩm thuốc lá kinh doanh (theo hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ) của đơn vị mình về Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (trước ngày 10 tháng 01 hàng năm đối với báo cáo cả năm và trước ngày 10 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm).

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 12/2/2024.

Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 76/2023/TT-BTC ngày 29/12/2023 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo Thông tư, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

Tiếp tục thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương được sử dụng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư nêu rõ, năm 2024 thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đối với số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có), ngân sách trung ương bổ sung tăng thêm 2% so với mức bổ sung cân đối ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội quyết định; bổ sung cho ngân sách địa phương để thực hiện tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, số 1602/QĐ-TTG ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã quyết định đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định.

Đối với năm 2024, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới so với năm 2023. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12/2/2024 và áp dụng đối với năm ngân sách 2024.

Nguyên tắc xác định tham số điều phối slot tại cảng hàng không

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Thông tư đã xác định rõ nguyên tắc xác định tham số điều phối slot.

Theo đó, người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm xây dựng chỉ số giới hạn năng lực khai thác nhà ga, sân đỗ tàu bay.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay có trách nhiệm xây dựng chỉ số giới hạn năng lực khai thác đường cất, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay.

Trên cơ sở chỉ số giới hạn năng lực được quy định như đã nêu ở trên và ý kiến Hội đồng slot, Cục Hàng không Việt Nam quyết định về tham số điều phối slot, thay đổi tham số điều phối slot.

Tham số điều phối slot tại cảng hàng không được xác định theo nguyên tắc: Tham số điều phối slot liên quan đến nhà ga, sân đỗ tàu bay không vượt quá chỉ số giới hạn năng lực khai thác nhà ga, sân đỗ tàu bay quy định; tham số điều phối slot liên quan đến đường cất hạ cánh và dịch vụ điều hành bay không vượt quá 80% chỉ số giới hạn quy định đối với các cảng hàng không được điều phối toàn phần. Tham số điều phối slot của các cảng hàng không không được điều phối toàn phần không vượt quá chỉ số giới hạn năng lực khai thác đường cất, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay quy định.

Thông tư nêu rõ, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh tăng tham số điều phối slot đường cất, hạ cánh và dịch vụ điều hành bay tại cảng hàng không được điều phối toàn phần không vượt quá chỉ số giới hạn năng lực được quy định trong giai đoạn: Tết Nguyên đán từ ngày 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng Âm lịch; cao điểm hè từ ngày 15/5 đến ngày 15/8 Dương lịch; giai đoạn nghỉ Lễ theo quy định và các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị và các giai đoạn cao điểm khác theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Theo Thông tư, slot lịch sử của một mùa lịch bay là chuỗi slot được sử dụng đúng với tỷ lệ ít nhất 80% của mỗi chuỗi slot quốc tế hoặc tỷ lệ ít nhất 70% của mỗi chuỗi slot nội địa quy định.

Các chuỗi slot được xem xét làm cơ sở tính slot lịch sử bao gồm: Các chuỗi slot được xác nhận lần cuối đến ngày cơ sở tính slot lịch sử; các chuỗi slot nội địa được xác nhận thay đổi trước ngày 15/9 đối với lịch bay mùa Đông và trước ngày 15/2 đối với lịch bay mùa Hè; các chuỗi slot nội địa thay đổi từ các chuỗi slot quốc tế và ngược lại được xác nhận trước ngày 15/9 đối với lịch bay mùa Đông và trước ngày 15/2 đối với lịch bay mùa Hè; các chuỗi slot đề xuất mới (code N, B) được xác nhận lần đầu, các chuỗi slot đề xuất mới (code N) được thực hiện đồng thời với việc hủy chuỗi slot (code D) sau ngày cơ sở tính slot lịch sử; các chuỗi slot quy định tại điểm b, điểm c khoản này phải được đề xuất chậm nhất đến ngày 10/2 đối với lịch bay mùa Hè và ngày 10/9 đối với lịch bay mùa Đông…

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2024.

Khung giá hành khách thông qua cảng chuyên dụng

Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 của Bộ Giao thông vận tải ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, đối với hành khách trên tàu khách du lịch quốc tế hoạt động tại các cảng biển ở Việt Nam thông qua cầu, bến cảng hành khách chuyên dụng, với từng lượt vào và lượt rời bến cảng, mức giá sẽ từ 2,5 - 5 USD/người.

Đây là quy định mới được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2024.

Sửa quy định xác định giá xây dựng công trình

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 14/2023/TT-BXD ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Trong đó, Thông tư 14/2023/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Điều 9 về xác định giá xây dựng công trình. 

Theo đó, giá xây dựng công trình gồm đơn giá xây dựng chi tiết và giá xây dựng tổng hợp. Giá xây dựng công trình xác định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục IV Thông tư này.

Chủ đầu tư sử dụng hệ thống giá xây dựng công trình quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư này làm cơ sở để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2024.

Sửa quy định danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu

Bộ Công Thương ban hành Thông tư 45/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2021/TT-BCT quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý.

Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 4 về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Theo đó, khoáng sản xuất khẩu là khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp, đã qua quá trình chế biến, có tên trong Danh mục chủng loại và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sau đây:

Đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc trong nước: Danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng tương ứng tại Phụ lục 1 Thông tư này, gồm: Quặng titan; Quặng tinh bismut; Quặng tinh niken; Tổng các (ôxit, hydroxit, muối) đất hiếm; Quặng fluorit; Bột barit; Đá hoa trắng; Quặng graphit; Bột mica (muscovit mica); Quặng tinh diatomit (bột hóa thạch silic).

Đối với khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu:

Trường hợp gia công hàng hóa (chế biến) cho thương nhân nước ngoài: Chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sau chế biến thực hiện theo hợp đồng gia công đã ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng gia công tuân thủ theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Trường hợp khoáng sản đã qua chế biến từ nguồn gốc nhập khẩu ngoài trường hợp nêu trên: Danh mục chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản tương ứng tại Phụ lục 2 Thông tư này, gồm các loại quặng titan: Quặng tinh ilmenit, Bột zircon, Quặng tinh zircon, Quặng tinh rutil, Quặng tinh monazit, Quặng đuôi hỗn hợp, Quặng đuôi zircon và Xỉ titan các loại.

Thương nhân xuất khẩu khoáng sản được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành để đánh giá về chủng loại, chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2024.

Sửa quy định về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương ban hành Thông tư 42/2023/TT-BCT ngày 28/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thông tư 42/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 11 về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá thời hạn có hiệu lực của biện pháp phòng vệ thương mại tương ứng. Bộ Công Thương hàng năm xem xét thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo một trong các trường hợp được nêu tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm a khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá thời hạn áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời đó.

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm b khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ này không vượt quá 18 tháng tính từ ngày quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó hoặc đến ngày 31 tháng 12 của năm tiếp theo.

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo điểm c khoản 1 Điều 16 của Thông tư này, thời hạn miễn trừ đối với các hồ sơ này không vượt quá 18 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ hoặc tính từ ngày quyết định miễn trừ có hiệu lực.

Đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ bổ sung được Cơ quan điều tra tiếp nhận, thời hạn miễn trừ bổ sung được tính theo thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ ban đầu.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 về tiêu chí xem xét và hình thức miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo đó, Bộ Công Thương xem xét không miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong các trường hợp sau:

Việc áp dụng miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó có khả năng dẫn đến hành vi gian lận nhằm lẩn tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

Tổ chức, cá nhân đã được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa đó bị kết luận không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra sau miễn trừ của cơ quan điều tra.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2024.

 

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top