ClockThứ Bảy, 01/07/2017 12:58

Nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn

TTH - Trong bối cảnh nhiều bãi rác trên địa bàn đang quá tải, việc xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn là giải pháp tối ưu, giảm tác động đến môi trường.

Sử dụng phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân tại Hương Chữ

Tại các vùng nông thôn, người dân có thói quen tập kết rác chưa phân loại quanh vườn và đốt rác thải ngay tại gia đình. Thói quen đổ rác thải bừa bãi ven đường làng, bờ sông, ao hồ không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây tác hại cho môi trường.

Nhằm giúp cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải nhà kính, Tổ chức Bắc Âu Hỗ trợ Việt Nam hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh triển khai thực hiện mô hình: “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải nông nghiệp” tại một số hộ nông dân phường Hương Long.

Theo đánh giá, phân sản xuất theo phương thức này có chất lượng không thua kém các loại phân đang bán trên thị trường. Với việc tận dụng phế phẩm, rác thải, công lao động và chi phí nguyên vật liệu khoảng 350 ngàn đồng có thể sản xuất 1 tấn phân hữu cơ (PHC). Trong khi trên thị trường PHC được sản xuất tại các nhà máy có giá khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/1 tấn. Như vậy, sau 2 đến 3 tháng thực hiện việc sản xuất PHC trong cộng đồng, người lao động có thể tiết kiệm 2,7 triệu đến 3 triệu đồng chi phí PHC. 

Việc sử dụng PHC trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp bộ rễ cây trồng phát triển khỏe, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây và hạn chế tình hình sâu bệnh hại. Giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm sử dụng lượng phân bón hóa học, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư trên một đơn vị diện tích.

Cũng với mục tiêu giảm thiểu lượng chất thải cần chôn lấp, phân loại và tái chế chất hữu cơ trong cộng đồng, Dự án Chất thải rắn Việt Nam triển khai mô hình sản xuất PHC dựa vào cộng đồng. Hai thôn làm thí điểm là Xuân Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà (78 hộ) và Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (100 hộ).

Anh Nguyễn Hữu Trình, cán bộ phường Hương Xuân trực tiếp phụ trách hoạt động mô hình thí điểm tại thôn Xuân Tháp thông tin: Việc thí điểm mô hình đã góp phần tạo nên chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân, góp phần đáng kể giảm số lượng rác đưa đi chôn lấp. Lợi ích kinh tế mà người dân thu được qua mô hình là lượng PHC từ các phế phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng triệt để không như trước đây.

Theo đánh giá của ông Hironori Koyama, thành viên đoàn chuyên gia Jica từ Dự án Chất thải rắn Việt Nam, trong quá trình triển khai vẫn còn một vài hộ chưa thực hiện do hiểu nhầm trong cách phân loại, không có chất thải để phân loại. Dựa trên số liệu giám sát đã thu thập được tại Hương Xuân, lượng rác hữu cơ trung bình theo ngày thu gom là 14,1kg. Tuy nhiên khối lượng này cũng bao gồm lượng rác hữu cơ từ các cánh đồng nông nghiệp, nếu không có lượng rác hữu cơ từ nông nghiệp, lượng rác hữu cơ bình quân dự đoán giảm đi hơn 1 nửa. Tại xã Quảng Thọ con số này là 13,5kg.

Anh Trương Quốc, cán bộ môi trường xã Quảng Thọ lý giải, số lượng rác tại xã khá khiêm tốn, do trong quá trình phân loại, người dân tận dụng phế phụ phẩm hàng ngày cho chăn nuôi hoặc tự xử lý. Vị trí ủ rác khá xa với khu dân cư nên quá trình vận chuyển đến điểm tập kết gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, xã chủ trương nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn tuy nhiên không theo cách làm của dự án mà sẽ tiến hành đầu tư mỗi hộ một thùng phi hoặc hố chứa rác ngay tại vườn nhà. Sau một thời gian ủ sẽ sử dụng bón cho cây trồng hoặc lấp hố cho rác hữu cơ phân hủy tự nhiên trong đất.

Tại hội thảo tìm giải pháp xử lý rác thải nông thôn do Sở Xây dựng tổ chức, ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị cho biết: Hiện mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 200 tấn rác, trong đó 50-60% lượng rác có thể tái chế. Hiện nay chi phí vận chuyển rác hàng năm đều do Nhà nước bao cấp và việc phân loại rác có thể tiết kiệm kinh phí vận chuyển cũng như chôn lấp rất lớn.

Người dân chưa nhận thức được lợi ích gắn với hoạt động phân loại nên cần có những giải pháp thiết thực nhằm tuyên truyền việc phân loại rác với thực tế phát triển của xã hội. Trong đó, vai trò của cán bộ cơ sở trong việc chuyển tải các thông điệp đến gần dân rất quan trọng. Việc xây dựng hành lang pháp lý, chế tài xử phạt đối với các hộ không tuân thủ các quy định phân loại sẽ góp phần định hình tư duy của người dân đối với hoạt động phân loại rác.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn

Từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (PLCTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình, nếu không phân loại theo quy định, người dân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn
Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7%

Chiều 24/12, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2024; đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7
Giảm rác thải nhựa bằng cách nào?

Giảm rác thải nhựa là chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần một lộ trình và hướng đi đúng. Trong đó, trước tiên, cần xây dựng một thế hệ biết phân loại rác.

Giảm rác thải nhựa bằng cách nào

TIN MỚI

Return to top