ClockThứ Sáu, 05/10/2018 05:30

Khai thác cát ở bãi bồi Lương Quán: Buộc tạm dừng vẫn lén lút hoạt động

TTH - Dù bị Sở Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) yêu cầu dừng tất cả các hoạt động khai thác cát sỏi ở khu vực bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) nhưng tình trạng doanh nghiệp lấy cát tại đây vẫn diễn ra.

Phát hiện thuyền khai thác cát trái phép ở hạ lưu sông HươngXung quanh việc khai thác cát ở Bãi Trằm (Phú Lộc): Lỏng quản lý

Khai thác cát được thực hiện lén lút tại khu vực bãi bồi Lương Quán

Lén lút khai thác

Mới đây, giữa và cuối tháng 9/2018, Sở TN&MT lần lượt có văn bản gửi các cơ quan liên quan và yêu cầu tạm ngưng hoạt động khai thác cát sỏi tại khu vực bãi bồi Lương Quán đối với 2 đơn vị là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát và Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát.

Sáng 4/10, PV có mặt tại khu vực bãi bồi Lương Quán. Tại khu vực mỏ của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát, nhiều phương tiện hút, chuyển cát ngoài sông vào bờ “án binh bất động”. Nhưng phía thượng nguồn sông, mỏ của Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát vẫn hoạt động rầm rộ từ trên bờ xuống dưới nước. Nhiều phương tiện vẫn đến bãi để chở cát làm tuyến đường sản xuất dẫn ra bãi bồi bị cày nham nhở sau trận mưa.

Từ phía dưới sông, sau khi “thấy động”, nhiều phương tiện hút cát của doanh nghiệp (DN) này “co vòi” thả neo giữa sông dù một số phương tiện trên thuyền đầy ắp cát với hàng chục nhân công đang ngồi chờ chực.

Ông Huỳnh Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát cho rằng, phía công ty đã nghiêm chỉnh chấp hành việc tạm ngừng khai thác cát. “Mấy ngày nay chúng tôi không lấy cát nữa, chỉ cho tàu hút ra kiểm tra máy móc mà thôi(?!)”.

Ông Võ Đăng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều thông tin, sau cuộc làm việc của đoàn liên ngành do Sở TN&MT chủ trì, liên quan đến việc kiểm tra việc khai thác cát ở bãi bồi Lương Quán, phía chính quyền địa phương đã tăng cường lực lượng giám sát tại khu vực này. Qua kiểm tra, trong 2 ngày 28/9 và 3/10, Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát đã cho 2 phương tiện lén lút ra giữa khu vực sông Hương tiến hành hút cát. Khi lực lượng chức năng của phường có mặt thì các tàu hút cát của đơn vị này án binh bất động. Đại diện DN này “nại” lý do đang bảo dưỡng máy hút.

Phía phường không thể túc trực 24/24 được bởi cán bộ của phường còn phải giải quyết công việc hành chính cho người dân. Dù biết rõ DN vẫn lấy cát, bất chấp lệnh tạm dừng khai thác nhưng lực lượng mỏng, không có phương tiện giám sát, thiếu bằng chứng nên không đủ căn cứ để xử lý.

Theo ông Thái, việc các DN khai thác vượt độ sâu được cấp phép, lấy cát ngoài phạm vi mỏ gây nguy cơ sạt lở, uy hiếp nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay việc thu hồi, đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng tại khu vực bãi bồi Lương Quán cho người dân đã xong. Tuy nhiên, không chỉ các hộ dân có sản xuất nông nghiệp trực tiếp ở khu vực bãi bồi mà cộng đồng dân cư trên địa bàn phường cũng lo lắng về tình trạng sụt lún, lở đất về lâu dài.

Khai thác cát ở bãi bồi Lương Quán vượt quá độ sâu được cấp phép

Đề xuất UBND tỉnh xử phạt

Như Báo Thừa Thiên Huế đã nhiều lần thông tin, tình trạng các DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sỏi tại khu vực bãi bồi Lương Quán không tuân thủ quy định về độ sâu, giới hạn mỏ gây nguy cơ sạt lở tại khu vực này đã diễn ra nhiều lần và thực tế trong thời gian qua đã bị các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt nhiều lần.

Ông Hoàng Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho rằng, rõ ràng các DN khai thác cát tại khu vực bãi bồi Lương Quán đã không nghiêm chỉnh chấp hành tạm ngưng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng. DN đã lợi dụng sự không có mặt thường trực của chính quyền để lén lút vi phạm. Ngoài tăng cường giám sát, đề xuất cấp trên xử lý, chính quyền đã vận động người dân thường xuyên nắm tình hình, quay hình ảnh cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý.

Ông Nguyễn Đại Mạnh Lân, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5266/UBND-TN ngày 19/7/2018, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với các cơ quan kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật liên quan đến mỏ cát đang hoạt động tại khu vực bãi bồi Lương Quán đã được UBND tỉnh cấp phép. Kết quả kiểm tra cho thấy các DN đã vi phạm về độ sâu khai thác thực tế vượt so với độ sâu được cấp phép; DN đã khai thác hết phần diện tích được cấp phép khai thác.

Từ kết quả kiểm tra, Sở TN&MT đã có văn bản yêu cầu 2 đơn vị là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát và Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát dừng tất cả các hoạt động khai thác cát ở khu vực bãi bồi. “Sắp đến, Sở TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể UBND tỉnh và đề xuất phương án xử lý đối với vi phạm với các DN này”, ông Lân cho biết thêm.

Khu vực bãi bồi Lương Quán được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường với diện tích 6,3 ha cho các đơn vị gồm: Công ty CP Thương mại và dịch vụ Hồng Phát (2,07ha), Công ty CP Châu Thành Phát (2,1ha) và Công ty CP Xây dựng 939 (2,1 ha). Mục đích của dự án nhằm khai thác cát, sỏi để cung cấp nguyên liệu phục vụ xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh, kết hợp khơi thông dòng chảy.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ

Bảo hộ và quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ, nhất là các đặc sản, sản phẩm lợi thế của địa phương là bước khởi điểm căn bản để nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận cho chủ sở hữu.

Bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ
Tăng chất lượng tín dụng chính sách từ hoạt động giám sát

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp là một trong những thành quả quan trọng của việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tín dụng chính sách.

Tăng chất lượng tín dụng chính sách từ hoạt động giám sát
Nhật Bản đưa robot vào hoạt động ứng phó khẩn cấp ở khu vực nguy hiểm

Cục Phòng cháy, chữa cháy và ứng phó thảm họa Nhật Bản (FDMA) đang có kế hoạch triển khai robot cứu hỏa tự động và các phương tiện chuyên dụng khác, một phần trong nỗ lực nâng cao trang thiết bị và máy móc của các đội ứng phó khẩn cấp, được điều động đến các khu vực xảy ra động đất, lũ lụt và những thảm họa khác.

Nhật Bản đưa robot vào hoạt động ứng phó khẩn cấp ở khu vực nguy hiểm
Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

TIN MỚI

Return to top