ClockThứ Ba, 06/12/2022 13:45

Dựa vào dân để bảo vệ rừng

TTH - Diện tích rừng quá lớn, địa hình đồi núi phức tạp, trong khi lực lượng kiểm lâm lại mỏng thì việc dựa vào Nhân dân để quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) là điều cần thiết.

Hỗ trợ sinh kế để bảo vệ rừng

Tuần tra, thu thập thông tin diễn biến rừng

Truyền thông nâng cao nhận thức

Bà con Tà Ôi ở A Lưới thông tin, cán bộ kiểm lâm thường xuyên đến tận bản làng, hộ dân, mang theo những hình ảnh các vụ chặt phá rừng, thú rừng bị dính bẫy, giết thịt… để nói về những hậu quả của nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD). Cán bộ cho bà con xem hình ảnh loài sao la, hổ, báo và một số loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Từ đó, nhận thức của người dân từng bước nâng lên, góp sức cùng kiểm lâm và các lực lượng trong BVR và muông thú.

Giám đốc Khu Bảo tồn Sao La, ông Nguyễn Thanh cho rằng, người dân bản địa chính là lực lượng không thể tách rời, không thể thiếu trong cuộc chiến BVR và ĐVHD. Đã có nhiều vụ chặt phá rừng, săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật rừng được ngăn chặn kịp thời, hạn chế mức độ xâm hại, thiệt hại từ tin báo, sự phối hợp của người dân bản địa. Để người dân tham gia cùng với các lực lượng thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức gắn với quyền lợi chính đáng từ hoạt động QLBVR là việc làm thường xuyên với phương châm “mưa dầm thấm sâu”.

Điều này đòi hỏi nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm nặng nề hơn, mất nhiều thời gian, công sức. Không chỉ “đột nhập” rừng để tuần tra, giám sát, gỡ bẫy thú, thu thập mẫu vật… lực lượng kiểm lâm, BVR của Khu Bảo tồn Sao La dành nhiều thời gian vào tận bản làng, từng hộ dân bản để truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm QLBVR chính là bảo vệ sự sống của con người.

Từ trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với những thông tin, biện pháp từ các lớp tập huấn, lực lượng BVR thường ngày chỉ quen tiếp xúc với cây cối, chim thú bỗng trở thành những “thuyết trình viên” BVR. Cách tiếp cận hợp lý, gần gũi, xem bà con như người nhà của mình, biết lắng nghe và cởi mở, cán bộ BVR, kiểm lâm chuyển tải những thông điệp liên quan đến vai trò, ý nghĩa của rừng và các loài ĐVHD đối với sự sống, cũng như những giá trị mà cộng đồng dân cư đóng góp cho công tác QLBVR.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới, ông Ngô Hữu Phước khẳng định, hoạt động QLBVR đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp, đặc biệt là cần sự phối hợp giữa người dân và công nghệ hiện đại. Trong nhiều vụ chặt phá rừng, săn bẫy ĐVHD bị phát hiện thời gian gần đây có sự vào cuộc, tin báo từ Nhân dân, kết hợp sử dụng phần mềm phân tích ảnh viễn thám để phát hiện các biến động rừng làm cơ sở, dữ liệu phục vụ công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng hằng năm.

Giao gần 32 ngàn ha cho cộng đồng quản lý

Năm nay, HKL huyện A Lưới đã xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai thực hiện quy chế BVR cộng đồng với mục tiêu hỗ trợ thêm trên 10 cộng đồng được giao rừng, xây dựng quy ước QLBVR, kế hoạch BVR hằng năm. Đến nay đã hỗ trợ cho hai cộng đồng là thôn Đút 1, thôn Đút 2, xã Hồng Kim xây dựng và hoàn thiện kế hoạch, quy ước QLBVR và phát triển rừng. Như vậy tính đến nay, huyện A Lưới đã giao hơn 20 ngàn ha rừng cho 39 cộng đồng, 191 nhóm hộ, 157 hộ gia đình quản lý, bảo vệ khá hiệu quả. Cộng đồng thôn A Tia 2, xã Hồng Kim còn trồng bổ sung 3ha rừng với 2.640 cây bản địa như lim xanh, nhội, lát hoa, dẻ trong diện tích rừng được giao quản lý.

Huyện A Lưới xác định các điểm có nguy cơ cao về khai thác, vận chuyển gỗ, săn bắt động vật rừng trái phép như vùng giáp ranh với huyện ĐaKrông (Quảng Trị), các xã: Hồng Thủy, Hồng Thượng, A Roàng, thủy điện A Lin. HKL huyện phối hợp với các lực lượng liên quan, Nhân dân tổ chức nhiều đợt truy quét nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nạn xâm hại tài nguyên rừng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra một số vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép quy mô nhỏ. Qua tin báo từ người dân, HKL huyện A Lưới tiếp nhận và cứu hộ 3 cá thể rùa quý hiếm.

Tại huyện Nam Đông, đến nay đã giao hơn 6.200ha rừng cho 30 cộng đồng, 81 hộ gia đình, 30 nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các chủ rừng Nhà nước đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Riêng đối với các chủ rừng cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình đã được giao rừng tự nhiên QLBVR đang triển khai xây dựng phương án. Tuy nhiên, khó khăn lớn là nguồn lực để thực hiện quy chế quản lý rừng cộng đồng hiện nay không có, chủ yếu tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức để tiến hành xây dựng. Nguồn thu chính của các cộng đồng, nhóm hộ chủ yếu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, đến nay toàn tỉnh có 88 cộng đồng dân cư thôn, 225 nhóm hộ, hàng trăm hộ gia đình được giao gần 32 ngàn ha rừng tự nhiên để quản lý, hưởng lợi từ các chính sách. Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai quy chế quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư và một số chính sách ban hành nhằm hỗ trợ cộng đồng chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Ngành kiểm lâm tỉnh cùng các ban ngành, chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp, tiến hành xây dựng sáng kiến, vận động chính sách có lợi cho quản lý rừng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong hoạt động QLBVR cộng đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dựa vào dân và vì dân phục vụ

Những hình ảnh về lực lượng công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh “gần dân, trọng dân, vì Nhân dân phục vụ” trên các lĩnh vực công tác đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng Nhân dân.

Dựa vào dân và vì dân phục vụ
Thả cá thể vích biển 70kg về môi trường tự nhiên

Chiều 10/8, ông Phan Viết Phúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết, lực lượng chức năng phối hợp với người dân vừa thả một cá thể vích biển khoảng 70kg về môi trường tự nhiên.

Thả cá thể vích biển 70kg về môi trường tự nhiên

TIN MỚI

Return to top