ClockThứ Năm, 08/02/2018 14:01

Đẩy mạnh thanh toán di động tại Việt Nam

Thị trường thanh toán di động ở Việt Nam đã có một năm 2017 bùng nổ và gặt hái nhiều thành công trong việc tối ưu hóa các giao dịch tài chính, qua đó hứa hẹn những bước tiến lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Một xu hướng tiện ích vượt trội

Thanh toán di động (Mobile Payment) đã trở thành một xu hướng định hình rõ nét trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Gartner, đến năm 2018, 50% người tiêu dùng tại các thị trường phát triển sẽ sử dụng thiết bị di động như điện thoại thông minh hay thiết bị đeo để thanh toán. Còn theo Worldpay, đến năm 2019, ví di động (mobile wallets) với giá trị giao dịch 668 tỷ USD, chiếm 27,6% thị phần thanh toán bán lẻ toàn cầu sẽ thay thế thẻ thanh toán như Visa, MasterCard tỷ lệ 24,9% để trở thành phương thức thanh toán ưa chuộng nhất. Thanh toán di động qua điện thoại thông minh đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người có thu nhập thấp, dân cư vùng sâu, vùng xa, đóng góp tích cực cho công cuộc phổ cập tài chính tới số đông công chúng.

Giới trẻ Việt Nam dành nhiều thời gian cho việc sử dụng di động

Những thành công bước đầu của thanh toán di động

Hiện nay, Việt Nam đạt tỷ lệ 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao mạng 3G/4G, công nghệ 4G đã phủ sóng 99% số quận, huyện trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ cấu dân số vàng, giới trẻ ưa thích công nghệ, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao (72%).

Nhận thức rõ tiềm năng của thanh toán di động, ngành Ngân hàng đã có những định hướng cụ thể đưa lĩnh vực này phát triển sâu rộng hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và dân cư vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về công nghệ và dịch vụ, hầu hết các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, Sacombank…đã hợp tác với các đơn vị Fintech triển khai, cung ứng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng thiết bị di động với việc áp dụng một số công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big data), Trí tuệ nhân tạo (A.I), ứng dụng đa phương tiện OTT (Over-The-Top) hay Tokenization.

Đặc biệt, ngoài các phương thức thanh toán truyền thống, trong năm 2017, thị trường thanh toán Việt Nam đã xuất hiện thêm hai giải pháp thanh toán mới là Samsung Pay - thanh toán phi tiếp xúc an toàn bảo mật trên các máy điện thoại thông minh Samsung đời mới và thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR Code) tiện lợi cho người dùng.

Năm qua, các ngân hàng cũng đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái tiện ích và nâng cao trải nghiệm khách hàng nhằm phổ biến ứng dụng di động (Mobile App). Nhờ ứng dụng công nghệ hiệu quả, các ngân hàng đã cung ứng được hầu hết dịch vụ thanh toán cơ bản trên Mobile như: tra cứu thông tin tài khoản; kết nối thanh toán hóa đơn; nạp tiền; thanh toán sử dụng mã QR; chuyển tiền.... không chỉ sử dụng trong nội bộ ngân hàng mà còn với các đơn vị viễn thông, điện truyền hình...; chuyển tiền liên ngân hàng chính xác theo thời gian thực…

Về số lượng các đơn vị cung ứng dịch vụ, đến nay đã có 41 ngân hàng tại Việt Nam cung ứng dịch vụ Mobile banking, Mobile payment; 25 tổ chức không phải ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các ứng dụng điển hình như Moca, MoMo của M_Service và QR Pay của VNPAY.

Về thay đổi quan niệm, thói quen sử dụng tiền mặt, nhận thức được sự tác động của quan điểm tài chính cá nhân trong việc tiếp nhận dịch vụ thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng thực hiện công tác truyền thông, phổ cập kiến thức tài chính qua các diễn đàn lớn và nhận được phản hồi hết sức tích cực từ phía người dùng và doanh nghiệp.

Khách hàng trải nghiệm phương thức thanh toán di động qua mã QR tại sự kiện VEPF 2017

Những kết quả đạt được, với những cơ chế, chính sách và bước đi cụ thể như trên, thanh toán di động trong năm qua đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận với gần 110 triệu giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua thiết bị di động trong năm 2017, tăng trưởng 81% về giá trị giao dịch so với năm 2016. Hệ thống chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đã kết nối với hầu hết các ngân hàng, có sự tăng trưởng đột biến so với năm 2016 với 4,9 lần về giá trị và 3,7 lần về số lượng giao dịch, sự tăng trưởng vượt bậc này có sự đóng góp quan trọng của thanh toán trên thiết bị di động.

Tại sao thanh toán di động là xu hướng của tương lai?

Thanh toán di động hay thanh toán không tiền mặt nâng cao tính minh bạch, đảm bảo độ an toàn cho các giao dịch tài chính. Đồng thời phương thức này hỗ trợ công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước đối với thu nhập cá nhân, đẩy lùi những vấn nạn điển hình trong nền kinh tế chung.

Trước bài toán phổ biến hơn nữa thanh toán di động, Ngân hàng Nhà nước cần ưu tiên thúc đẩy loại hình này bằng các chiến lược tài chính toàn diện quy mô quốc gia, trong đó thanh toán di động là một cấu phần quan trọng để những tiện ích tốt nhất sớm đến được với đại bộ phận công chúng toàn xã hội.

Ngoài ra, cơ quan quản lý này cũng sẽ đóng vai trò trung tâm trong chuẩn hóa định dạng thanh toán QR code nhằm gia tăng hơn nữa tiện ích, mở rộng quy mô giao dịch của các tổ chức cung ứng dịch vụ nhờ tính liên thông và khả năng tương hợp giữa các loại mã QR khác nhau của từng tổ chức.

Những chiến lược được đầu tư và nghiên cứu nghiêm túc đang mang lại kết quả đáng ghi nhận. Hi vọng trong tương lai không xa, thanh toán di động sẽ thực sự trở thành người đồng hành đáng tin cậy đối với người sử dụng, tạo đà cho một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, năng động và hiện đại, bắt kịp xu hướng chung trên toàn thế giới.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top