ClockThứ Tư, 27/05/2020 16:16

Dân Ngũ Điền trắng tay tôm nuôi vụ hè

TTH.VN - Tính đến chiều 27/5, hầu hết các ao hồ nuôi tôm trên cát vụ hè ở Ngũ Điền đều xảy ra dịch bệnh, chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Một ao hồ bị dịch bệnh đang được xử lý

Người giàu kinh nghiệm cũng thua lỗ

Tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, Nguyễn Đăng ở xã Phong Hải (Phong Điền) đã không ít lần nuôi tôm trên cát vụ hè. Trong khi nhiều hộ bỏ hoang ao hồ trong mùa nắng nắng vì lo dịch bệnh, thua lỗ thì Đăng lại nuôi và tỏ ra tự tin. Người dân Ngũ Điền từng gán cho anh ta cái tên “Đăng ngáo” vì dám nuôi tôm vụ hè.

Đăng đã chứng minh mình không hề “ngáo” khi đến nay đã nuôi năm vụ tôm hè thì có đến ba vụ có lãi, một vụ hòa vốn và chỉ một vụ thua lỗ nhẹ. Đăng từng chia sẻ những “bí quyết”, kinh nghiệm, yếu tố cần thiết để có nhiều vụ tôm hè thành công. Trong đó, Đăng nhấn mạnh việc điều hòa nhiệt độ nguồn nước trong ao và các yếu tố môi trường, độ mặn, Ph… là những lý do dẫn đến vụ hè thắng lợi.

Tuy nhiên, tôm nuôi vụ hè năm nay của Đăng không như ý. Tôm còi cọt, kém phát triển dẫn đến dịch bệnh do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, kéo dài. Đăng đã dùng mọi biện pháp, kinh nghiệm nuôi tôm vụ hè như mật độ thả nuôi thưa, điều hòa nhiệt độ nguồn nước trong ao, cân bằng các yếu tố môi trường… nhưng tôm vẫn chết hàng loạt, ước thiệt hại 300 triệu đồng.

Một số ao hồ phải thu hoạch "non" vì sợ dịch

Không nên mạo hiểm

Không riêng hồ của Đăng, hầu hết các ao hồ nuôi tôm vụ hè ở Phong Hải nói riêng và vùng Ngũ Điền nói chung đều bị dịch bệnh, thiệt hại nặng. Cả vùng Ngũ Điền có khoảng 50 hộ nuôi, có gần 100% hộ bị thiệt hại, bình quân mỗi ao 2.000-3.000m2 ước thua lỗ 250-300 triệu đồng. Theo người dân, nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhiệt độ nguồn nước trong ao quá cao, đáy ao xuất hiện nhiều khí độc; ngày nắng nóng, chiều tối xuất hiện mưa dông, mặc dù đã dùng mọi biện pháp ứng phó nhưng tôm vẫn không kịp thích nghi.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu thông tin, chính quyền địa phương luôn cảnh báo nguy cơ rủi ro, thua lỗ khi nuôi tôm trên cát vụ hè. Tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn có một số hộ tích lũy kinh nghiệm, áp dụng đúng các biện pháp, quy trình kỹ thuật nên nhiều vụ nuôi có lãi. Riêng vụ hè năm nay, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã “sát cánh” cùng dân, theo dõi, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, ứng phó nắng nóng nhưng không thành công. Hầu hết các ao hồ đều xảy ra dịch bệnh, thua lỗ nặng do nắng nóng quá gay gắt, ngoài tầm kiểm soát.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền cho rằng, nuôi tôm vụ hè có thể thắng lợi nếu các hộ áp dụng đúng các biện pháp, quy trình kỹ thuật, ứng phó thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, vụ hè luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thời tiết phức tạp, nắng nóng gay gắt, có thể ngoài tầm kiểm soát của các hộ nuôi. Thực tế, thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kết hợp mưa dông thời gian qua khiến người dân không kịp ứng phó, tôm không kịp thích nghi dẫn đến dịch bệnh, chết hàng loạt.

Ông Thành khuyến cáo, với năng lực của người dân hiện tại, cộng với thời tiết ngày càng phức tạp do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên chưa đủ điều kiện nuôi tôm vụ hè. Tốt nhất, người dân chỉ nuôi tôm trong điều kiện thời tiết thuận lợi (mỗi năm một vụ chính), không nên mạo hiểm. Ở Ngũ Điền hiện nay chỉ khoảng 10% hộ nuôi tôm vụ hè đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng; nếu tất cả các hộ đều nuôi sẽ thiệt hại rất lớn. 

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân

Môi trường mưa ẩm thuận lợi cho virus phát triển, nhất là các bệnh nhiễm trùng hô hấp và đường tiêu hóa. Trong số các ca bệnh nhập viện tăng, một số trường hợp diễn biến nặng do tự điều trị.

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân
Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

TIN MỚI

Return to top