ClockChủ Nhật, 14/11/2021 15:08

Sử dụng hiệu quả chính sách phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA

Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ Chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh minh họa: Trần Việt/ TTXVN

Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Nhiều nước coi phòng vệ thương mại là "van an toàn" trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA nữa. Trong số 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là 3 FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Điều này một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Theo nhận định từ các chuyên gia, công cụ phòng vệ thương mại được dự báo sẽ trở thành "trụ cột" để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam, nhất là của cộng đồng doanh nghiệp, trong việc ứng phó và sử dụng công cụ này.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại" với mục đích ngăn ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Ngoài ra, nhằm thực hiện chủ trương chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế cũng như các chính sách, chương trình, đề án, cơ chế phối hợp về phòng vệ thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới".

Đề án tạo ra khuôn khổ toàn diện, tổng thể để tạo điều kiện tăng cường hiệu quả phòng vệ thương mại, bảo vệ hợp pháp và hợp lý sản xuất trong nước, nâng cao hiểu biết, năng lực của các doanh nghiệp, hiệp hội về công cụ phòng vệ thương mại. Đồng thời, có chiến lược và cơ chế phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Mục tiêu chung của đề án nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.

Để thực hiện các mục tiêu này, giai đoạn 2022-2025, đề án sẽ tập trung rà soát tổng thể văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Từ đó, đề xuất sửa Luật Quản lý ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại.

Mặt khác, xây dựng cơ sở dữ liệu một số ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; số hóa việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để giảm gánh nặng hồ sơ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề án cũng tăng cường đào tạo nâng cao năng lực điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.

Giai đoạn 2026-2030, trên cơ sở tổng kết việc triển khai giai đoạn 2022-2025, hoàn thiện cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp nền tảng và nông nghiệp trọng điểm; tăng cường tiếng nói của Việt Nam về phòng vệ thương mại trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để đảm bảo quyền và lợi ích trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động để triển khai đề án, đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia các Hiệp định FTA.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thu thuế thương mại điện tử 10%” là vi phạm pháp luật về thuế

Theo thông tin từ Cục Thuế thành phố Huế, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện mẫu thông báo có nội dung: “Từ 01/01/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế thương mại điện tử. Cơ quan thuế sẽ đánh thuế hết tất cả các giao dịch có nội dung chuyển tiền là “mua – bán” để quyết định cưỡng chế, thu hồi thuế.

“Thu thuế thương mại điện tử 10 ” là vi phạm pháp luật về thuế
Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua. Việc số hóa cuộc sống hiện đại cùng sự ra đời của các công nghệ mới đã hoàn toàn thay đổi hành vi mua sắm của người dân. Trong thập kỷ qua - đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng với tốc độ chưa từng có, biến thương mại điện tử thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thương mại điện tử và những tác động tới môi trường

TIN MỚI

Return to top