ClockThứ Sáu, 18/08/2017 14:02

Chia lô bán nền đất xen cư - Kỳ 2: Chưa siết chặt quản lý hạ tầng

TTH - Dù việc phân lô bán nền xen cư đáp ứng được nhu cầu về đất làm nhà ở cho nhiều đối tượng, nhưng nếu thả nổi, không phối hợp quản lý từ khâu thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng thì nguy cơ phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường do hạ tầng thiếu đồng bộ... sẽ xảy ra.

Chia lô bán nền đất xen cư - kỳ 1: Thuận bán, dễ mua

Tính “hai mặt”

Nhìn tổng thể, đã có nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành với hạ tầng đô thị đồng bộ, đem lại bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp hơn cho thành phố. Nhiều khu dân cư được quy hoạch đầy đủ, bố trí cơ sở hạ tầng thiết yếu, cơ bản đáp ứng từng bước và hoàn thiện đối với các khu dân cư mới được hình thành. Các tuyến đường giao thông kết nối các khu vực dân cư mới với các khu trung tâm cũ tạo nên hệ thống giao thông đô thị xuyên suốt.

Khu đất xen cư ở Thủy Xuân, TP. Huế đang được người dân san ủi mặt bằng để làm nhà

Với việc các chủ đất hay doanh nghiệp tư nhân săn lùng, tìm mua những khu đất nằm ở vùng ven không chỉ đáp ứng vừa túi tiền cho một bộ phận người dân có nhu cầu thực sự về đất ở, mà còn giúp làm đẹp, sáng sủa cho những khu đất vắng người.

Tất nhiên đó chỉ là bức tranh chung, vì vẫn tồn tại tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vi phạm chỉ giới xây dựng, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, sai quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và không đúng thiết kế được phê duyệt.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, riêng địa bàn TP. Huế đã có 218/619 trường hợp được kiểm tra xây dựng không có giấy phép, 474 trường hợp có giấy phép nhưng xây dựng sai thiết kế 30 trường hợp, xử phạt 149 trường hợp, lập biên bản đình chỉ thi công công trình 132 trường hợp.

Quay lại câu chuyện chia nhỏ đất phân lô để bán, vấn đề đáng bàn là nên quản lý như thế nào cho hiệu quả, đi vào khuôn khổ để tránh ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể cũng như quy hoạch chi tiết từng vùng trong hiện tại cũng như về lâu dài.

Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, lâu nay không phải chưa có căn cứ pháp lý để ràng buộc, đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý. Tỉnh đã phê duyệt nhiều quy hoạch chung và chi tiết các khu đô thị và dân cư trên địa bàn; đồng thời ban hành nhiều văn bản quản lý quy hoạch, xây dựng cũng như tiến hành rà soát các quy hoạch để có sự điều chỉnh thích hợp.

Sở Xây dựng đã tham mưu tỉnh ban hành quy hoạch chi tiết xây dựng tại một số phường như Thủy Xuân, Hương Long, Kim Long và 4 phường nội thành. Trong đó quy định khá rõ về hạn mức diện tích phân lô đất ở mới từ 100m2 trở lên đối với khu nhà ở liền kề và không dưới 150m2 đối với khu nhà ở biệt thự, nhà vườn; giao thông đường kiệt cụt từ 3m trở lên, đường kiệt thông từ 4,5m trở lên hoặc từ 4m đường kiệt cụt, 5m kiệt thông tùy từng khu vực.

Quy hoạch hạ tầng phải đi trước một bước

Ông Hoàng Hải Minh nêu quan điểm, thực tế, cơ sở hạ tầng ở các khu đô thị trên địa bàn hiện vẫn chưa được đầu tư đồng bộ do quá khứ để lại và nguồn ngân sách còn hạn chế. Vì thế, nếu đòi hỏi hạ tầng tại các khu xen cư phải hoàn thiện ngay sẽ rất khó. Về nguyên tắc muốn quản lý tốt, phía cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cụ thể là Sở TN&MT nên có sự phối hợp với Sở Xây dựng nếu có yếu tố liên quan trong quy trình thẩm định, cấp phép đối với diện này.

Ông Phan Văn Thông gợi ý, bây giờ có thể chưa “nóng”, nhưng để “phòng xa”, tỉnh nên có những quy định mới ràng buộc chủ đầu tư, chủ đất phân lô bán nền cam kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật trước khi người mua xây dựng nhà ở. Làm vậy vừa giảm được gánh nặng đầu tư cho nhà nước, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường, phát triển đô thị.

Đặt câu hỏi về định hướng và giải pháp của tỉnh trong thời gian tới để đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong buổi đối thoại về “Quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh” do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác quy hoạch đô thị (trong đó có nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị) phải bảo đảm chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận, đi trước một bước theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái.

Dựa trên các quy hoạch phát triển đô thị đã được duyệt, chính quyền các cấp lập kế hoạch đầu tư xây dựng trong từng thời điểm để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được chấp thuận nhằm hình thành các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng, trong đó kết hợp ưu tiên xã hội hóa đầu tư.

Bên cạnh đó, cần đôn đốc hoàn thành xây dựng các công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông đối nội, đối ngoại; hệ thống cấp nước; hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị; cải tạo hệ thống truyền tải điện, gắn với xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin theo hướng ngầm hóa, dùng chung hạ tầng mạng…

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm

Với mục tiêu xây dựng và phát triển quận Thuận Hóa trở thành quận trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, dịch vụ du lịch…, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP. Huế, UBND quận Thuận Hóa đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chỉnh trang hạ tầng, đưa Thuận Hóa xứng tầm quận trung tâm
Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục

Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và đẩy mạnh triển khai chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng trường lớp, xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục
GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

TIN MỚI

Return to top