ClockChủ Nhật, 03/09/2017 07:11

1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam là người Trung Quốc

Trong tháng 8 và 8 tháng qua, ngành du lịch trong nước bội thu khách quốc tế khi lượng khách gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, du khách Trung Quốc vẫn chiếm số lượng áp đảo chiếm hơn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam và hơn 41% số khách từ châu Á vào Việt Nam.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, dù không phải mùa cao điểm của khách du lịch châu Âu, châu Mỹ song tháng 8 và 8 tháng qua số khách các quốc gia từ châu Âu, châu Mỹ sang Việt Nam tăng mạnh.

Trong tháng 8/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước, là tháng đón số lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.

Giữa "cơn bão" du lịch 0 đồng, khách Trung Quốc vẫn ồ ạt vào Việt Nam (ảnh du khách Trung Quốc sang Việt Nam - minh hoạ)

Trung bình mỗi ngày, Việt Nam đón hơn 40.000 lượt khách du lịch, đây là con số rất lớn so với trung bình của 8 tháng năm 2016.

Nguyên nhân chính khiến số du khách quốc tế vào Việt Nam tăng là do chính sách gia hạn miễn thị thực của Việt Nam cho công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý khiến khách Tây Âu sang Việt Nam gia tăng. Điều này làm cho các thủ tục du lịch, xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam dễ dàng, đơn giản hơn.

Trong 8 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khách từ châu Á đạt hơn 6,3 triệu lượt người, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm trước, khách đến từ Trung Quốc đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 51,4%, chiếm hơn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam và hơn 41% số khách châu Á đến Việt Nam và; khách từ Hàn Quốc 1,5 triệu lượt người, tăng 49,3%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1,3 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chủ yếu là khách du lịch Nga, Anh, Pháp…

Khách đến từ châu Mỹ đạt 0,5 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có du khách từ Úc, New Zealand sang Việt Nam khá đông

Với khách Trung Quốc, 8 tháng qua lượng khách từ quốc gia này sang Việt Nam chiếm hơn 30% tổng lượng du khách quốc tế, chiếm hơn 41% khách du lịch châu Á.

Việc du khách Trung Quốc chiếm lượng đông đảo và có sự gia tăng nhanh ở Việt Nam không khiến Việt Nam vui mừng bởi hiện nay một số địa phương du lịch đã và đang phải khổ sở dẹp vấn nạn khách du lịch 0 đồng do các hãng lữ hành và doanh nghiệp Trung Quốc thao túng, phá giá các tour du lịch và hạn chế mua sắm tại Việt Nam.

Mặc dù Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO) cho biết: Trong năm 2016, người Trung Quốc bỏ ra hơn 261 tỷ USD chi tiêu ở nước ngoài trong đó phần lớn là chi tiêu đi du lịch. Con số này tăng hơn 11 tỷ USD so với năm 2015 và Trung Quốc hiện là 1 trong 5 nước gồm: Mỹ, Đức, Anh và Pháp có người dân tiêu nhiều tiền nhất khi đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là số chi tiêu của khách Trung Quốc tại Việt Nam không tỷ lệ thuận so với số lượng khách nước này sang Việt Nam. Nguyên nhân chính là do vấn nạn 0 đồng gây nên. Các hãng lữ hành đã cấu kết với DN du lịch Việt Nam có liên doanh hoặc người đại diện là người Trung Quốc để đưa khách du lịch vào các địa điểm du lịch do mình lập ra để lập tour mua sắm riêng nhằm trốn thuế.

Hiện bên cạnh chính sách thúc đẩy thu hút khách quốc tế nói chung và du khách Trung Quốc nói riêng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tái diễn vấn nạn du khách 0 đồng, ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến hệ quả không đáng có như đón nhiều khách nhưng thu ngân sách kém đã và đang xảy ra đối nhiều địa phương.

Theo Dân trí

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trào lưu “pass đồ du lịch”

Bước vào mùa cao điểm du lịch hè, vi vu “chữa lành” trở thành nhu cầu chung của nhiều người. Trước và sau khi đặt chân tới một điểm đến, nhiều bạn trẻ “ghé” vào cộng đồng “pass đồ du lịch” để tìm mua hoặc sang nhượng lại những món đồ du lịch phù hợp. Với tiêu chí “cũ người mới ta”, họ đã làm cho các kênh mua bán, trao đổi đồ cũ đi du lịch trở nên sôi động.

Trào lưu “pass đồ du lịch”

TIN MỚI

Return to top